Ngân hàng NCB: Tổng tài sản giảm 8.500 tỷ đồng, nợ xấu tăng mạnh

Ngân hàng NCB có khối tài sản giảm 8.500 tỷ so với đầu năm, lợi nhuận giảm so với quý 2, trong khi nợ xấu tăng gần 30% đạt hơn 800 tỷ đồng.

Mới đây, Ngân hàng Thương mại cổ phần Quốc Dân (NCB – mã NVB) công bố báo cáo tài chính (BCTC) quý 3/2021 cho thấy có lợi nhuận sau thuế giảm 19,1% so với quý 2. Tuy nhiên, mức lợi nhuận này vẫn là tăng gần 23 lần so với cùng kỳ năm ngoái.

Tổng tài sản của ngân hàng NCB trong quý 3 giảm 8.500 tỷ đồng so với đầu năm.  
Tổng tài sản của ngân hàng NCB trong quý 3 giảm 8.500 tỷ đồng so với đầu năm.  

Tính đến 30/9/2021, tổng tài sản của NCB giảm 3,4% so với quý 2. Đặc biệt, giảm tới 9,5% (tương đương với 8.500 tỷ đồng) so với đầu năm chỉ còn 81.102 tỷ đồng nguyên nhân chủ yếu là do tiền gửi tại Ngân hàng Nhà nước (NHNN( và các tổ chức tín dụng (TCTD) khác giảm mạnh.

So với đầu năm, tiền gửi tại NHNN của NCB giảm đến 62,3% chỉ còn 584,1 tỷ đồng; Tiền, vàng gửi TCTD khác, cho các TCTD khác vay giảm 33,4% còn 8.073,2 tỷ đồng. Ngoài ra, số tiền chứng khoán đầu tư giảm 14,2% còn hơn 11.460 tỷ đồng.

Trong quý 3, NCB có mức cho vay khách hàng đạt 40.735 tỷ đồng, giảm 1,3% so với mức cho vay khách hàng 41.266 tỷ đồng vào quý 2/2021. Tiền gửi của khách hàng vào ngân hàng đạt 69.461 tỷ đồng, giảm 0,8% so với quý 2/2021 và giảm 3,63% so với đầu năm.

Một số điểm đáng chú ý trong BCTC quý 3/2021 của NCB (Đơn vị: triệu đồng).  
Một số điểm đáng chú ý trong BCTC quý 3/2021 của NCB (Đơn vị: triệu đồng).  

Hoạt động kinh doanh của NCB có mức lãi thuần thu nhập quý 3 tăng 73,1% so với quý trước đạt 439 tỷ đồng. Riêng lãi thuần từ hoạt động mua bán chứng khoán đầu tư tăng hơn 311,6% tương đương gấp hơn 4 lần so với quý trước đạt 4,6 tỷ đồng.

Đáng chú ý hai mảng kinh doanh của NCB bị thua lỗ trong quý này, lãi từ hoạt động kinh doanh ngoại hối và vàng lỗ 860 triệu trong khi quý trước lãi 54 triệu đồng. Các hoạt động kinh khác lỗ thêm 39,4 tỷ đồng so với quý trước (lỗ 9,2 tỷ đồng) nâng mức lỗ của NCB trong mảng này lên 48,6 tỷ đồng.

Chi phí hoạt động của ngân hàng này trong quý 3 tăng 10,1% so với quý trước đạt 244,7 tỷ đồng và chi phí dự phòng rủi ro tín dụng cao hơn gần 10 lần so với quý II đạt gần 132,1 tỷ đồng. Điều này khiến lợi nhuận sau thuế của NCB trong quý 2 giảm 19,1% so với quý trước chỉ còn 63,8 tỷ đồng.

Cuối tháng 9/2021 khoản nợ xấu của NCB tăng gần 30% so với quý 2 đạt hơn 800 tỷ đồng. Trong đó, nợ nhóm 3 – nợ dưới tiêu chuẩn tăng gần 173% lên tới 228 tỷ đồng; Nợ nhóm 4 – nợ nghi ngờ tăng 66,3% đạt gần 81,5 tỷ đồng; Nợ nhóm 5 – nợ có khả năng mất vốn tăng 1,5% đạt 490,6 tỷ. Tổng mức nợ xấu của NCB đạt gần 2% so với tổng nợ.

Tuy lợi nhuận hoạt động kinh doanh có dấu hiệu đi xuống, tổng sản giảm mạnh so với đầu năm. Thế nhưng, ghinhận 9 tháng đầu năm, lương thưởng cán bộ nhân viên nhà băng này cũng tăng khá mạnh. Cụ thể, thu nhập bình quân nhân viên NCB trong 9 tháng đầu năm là 18,3 triệu đồng/tháng, tăng 3 triệu đồng/tháng so với cùng kỳ năm 2020.

Trong 10 phiên giao dịch gần nhất, giá cổ phiếu NVB có mức tăng trưởng tốt. Tuy nhiên, hai phiên giao dịch gần nhất giá cổ phiếu NVB có chiều hướng đi xuống, chốt phiên giao dịch ngày 15/10 giá cổ phiếu của NVB chỉ ở mức 29.300 đồng/cổ phiếu, giảm 1.600 đồng (tương ứng 5,18%) so với phiên giao dịch trước đó. Tiếp đà giảm, chốt phiên giao dịch ngày 18/10 giá cổ phiếu của NVB rớt về mức 29.000 đồng/cổ phiếu, giảm 1,02% so với phiên giao dịch ngày 15/10.

Đại Dương

Theo Doanh nghiệp Việt Nam