Văn Phú Invest: Quý I lãi sau thuế 305 tỷ, tăng gấp 5 lần, hoàn thành 55% kế hoạch năm

Công ty Cổ phần Đầu tư Văn Phú – Invest (HoSE: VPI) đã trình diễn vũ điệu tăng trưởng đẹp mắt trong quý I/2023.

Theo báo cáo tài chính hợp nhất của VPI, quý I/2023, doanh thu thuần đạt 863 tỷ đồng, tăng 24%; lợi nhuận gộp đạt 627 tỷ đồng, tăng 3,1 lần so với cùng kỳ năm trước.

Biên lợi nhuận gộp đạt 72,65%, tăng rất mạnh so với cùng kỳ là 28,69%.

Trong quý, doanh thu tài chính đạt 36 tỷ đồng, tăng gấp đôi. Các loại chi phí cũng tăng rất mạnh: chi phí tài chính đạt 126 tỷ đồng, tăng gấp 2,6 lần; chi phí bán hàng 87 tỷ đồng, tăng 67% và chi phí quản lý 57 tỷ đồng, tăng 63%.

Tuy nhiên, với lãi gộp rất lớn, kết quý I/2023, lợi nhuận trước thuế của VPI vẫn đạt 399 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 305 tỷ đồng, cùng tăng gấp 4,7 lần so với cùng kỳ.

Năm 2023, VPI đặt mục tiêu doanh thu 2.200 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 550 tỷ đồng. Như vậy, kết quý I/2023, công ty đã hoàn thành 39% mục tiêu doanh thu và 55% mục tiêu lợi nhuận sau thuế.

Tại ngày 31/3/2023, tổng tài sản của VPI đạt 11.496 tỷ đồng, tăng 3,6% so với đầu năm. Các khoản phải thu chiếm 30% tổng tài sản, đạt 3.460 tỷ đồng, tăng 14% (trong đó: dự phòng phải thu ngắn hạn khó đòi đạt 60 tỷ đồng). Hàng tồn kho chiếm 17% tổng tài sản, đạt 1.987 tỷ đồng, tăng 3,2%.

Tài sản dở dang dài hạn đạt 2.636 tỷ đồng, giảm 11 tỷ đồng. Chiếm phần lớn trong đó là dự án xây dựng đoạn tuyến kết nối từ đường Phạm Văn Đồng đến nút giao Gò Dưa (1.831 tỷ đồng). Bên cạnh đó là các dự án bất động sản khác (805 tỷ đồng) gồm: Cồn Khương – Cần Thơ 306 tỷ đồng, Lộc Bình – Thừa Thiên Huế 127 tỷ đồng, Hùng Sơn – Thanh Hóa 206 tỷ đồng; Grandeur Palace – Mỹ Đình 72 tỷ đồng, Hoành Bồ - Quảng Ninh 16 tỷ đồng… Trong các dự án này, Grandeur Palace – Mỹ Đình và Hoành Bồ - Quảng Ninh không có biến chuyển nào.

Nợ phải trả tại ngày 31/3/2023 đạt 7.675 tỷ đồng, tăng 4,6% so với đầu năm. Nợ vay chiếm khoảng một nửa, đạt 3.954 tỷ đồng, giảm 9 tỷ đồng. Đáng chú ý, khoản người mua trả tiền trước ngắn hạn đạt 852 tỷ đồng, tăng 47%.

Vốn chủ sở hữu tại ngày kết tháng 3/2023 đạt 3.821 tỷ đồng, tăng 1,6% so với đầu năm. Hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu là 2 lần.

Dòng tiền kinh doanh quý I của VPI khá đẹp với mức dương 189 tỷ đồng, chủ yếu do tăng các khoản phải trả (537 tỷ đồng). Dòng tiền đầu tư thể hiện VPI đã thu hẹp biên độ chi cho vay, mua công cụ nợ của đơn vị khác (135 tỷ đồng, giảm 69% so với cùng kỳ).

Đặc biệt, dòng tiền đi vay quý này chỉ 74 tỷ đồng, giảm tới 94% so với cùng kỳ. Vì vậy, lưu chuyển tiền thuần âm hơn 100 tỷ đồng, khiến tiền và tương đương tiền khi kết quý I/2023 còn 382 tỷ đồng.

Lê Nguyễn

Theo VietnamFinance