Văn Phú Invest và ẩn số Thực phẩm Hà Nội trong án phạt nặng trên thị trường chứng khoán
Năm 2021 Văn Phú Invest trở thành cổ đông lớn của Thực phẩm Hà Nội, và thoái vốn chỉ 1 tuần sau đó khiến nhiều nhà đầu tư quan tâm.
Văn Phú Invest nhận án phạt 200 triệu đồng
Ngày 5/9/2022 UBCKNN đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty cổ phần Văn Phú – Invest (mã chứng khoán VPI) số tiền 200 triệu đồng. Cùng với đó UBCKNN cũng đưa ra các biện pháp khắc phục hậu quả.
Nguyên nhân xử phạt, do Văn Phú Invest đã không đăng ký chào mua công khai theo quy định. Cụ thể, ngày 25/6/2021 Văn Phú Invest đã mua 3.719.923 cổ phiếu HAF của Công ty Cổ phần Thực phẩm Hà Nội, dẫn đến số lượng nắm giữ sau giao dịch là 3.719.923 cổ phiếu (tỷ lệ 25,65%), trở thành cổ đông lớn – nhưng không thực hiện chào mua công khai theo quy định.
Biện pháp khắc phục hậu quả:
+ Buộc từ bỏ quyền biểu quyết trực tiếp hoặc thông qua đại diện được ủy quyền trên số cổ phần có được từ hành vi vi phạm theo quy định.
+ Buộc bán cổ phiếu để giảm tỷ lệ nắm giữ xuống dưới mức phải chào mua công khai đối với hành vi vi phạm trong thời hạn tối đa 06 tháng kể từ ngày quyết định áp dụng biện pháp này có hiệu lực thi hành theo quy định.
Có gì từ án phạt khiến giới đầu tư quan tâm?
Án phạt 200 triệu đồng đối với một doanh nghiệp do vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán không phải quá hiếm để nhắc đến. Tuy nhiên án phạt của Văn Phú Invest lại khiến giới đầu tư quan tâm.
Thứ nhất: Thương vụ mua bán cổ phần này của Văn Phú Invest diễn ra từ giữa năm 2021. Thương vụ chỉ thoáng qua trong khoảng thời gian trong vòng mấy ngày.
Thứ 2: Cổ phiếu được nhắc đến trong án phạt – HAF của Thực Phẩm Hà Nội – không phải là một cổ phiếu có sức hút trên thị trường, còn văn Phú Invest lại là một doanh nghiệp bất động sản. Tuy vậy Thực phẩm Hà Nội lại là một doanh nghiệp có sức hấp dẫn ở một khía cạnh khác.
Thứ 3: Thực phẩm Hà Nội từng có sự hiện diện trong danh sách cổ đông một doanh nghiệp “tên tuổi” và cũng khác ngành như Công ty vàng bạc đá quý Doji.
Thương vụ diễn ra chóng vánh
Án phạt của UBCKNN ghi rõ biện pháp khắc phục hậu quả là Văn Phú Invest phải giảm tỷ lệ nắm giữ xuống dưới mức phải chào mua công khai đối với hành vi vi phạm trong thời hạn tối đa 06 tháng kể từ ngày quyết định áp dụng biện pháp này có hiệu lực thi hành. Tuy vậy trên thực tế ngay sau khi trở thành cổ đông lớn mấy ngày, Văn Phú Invest đã làm ngay động tác thoái vốn, bán sạch số cổ phiếu mới mua.
Dữ liệu ghi nhận ngày 25/6/2021 có giao dịch thoả thuận 3.719.923 cổ phiếu HAF với giá thoả thuận bình quân 15.128 đồng/cổ phiếu, tổng giá trị giao dịch hơn 56,27 tỷ đồng: số cổ phiếu, ngày giao dịch khớp với thông tin trên án phạt mà UBCKNN nhắc đến. Tuy vậy giá thoả thuận này thấp hơn rất nhiều so với thị giá cổ phiếu HAF cùng ngày (ngày 25/6 cổ phiếu HAF tăng trần lên mức 18.700 đồng/cổ phiếu).
Chỉ mấy ngày sau đó, trong 2 ngày 30/6 và 1/7/2021 có đúng 3.719.923 cổ phiếu HAF được giao dịch thoả thuận tiếp, trong đó ngày 1/7 là 3.500.200 cổ phiếu được thoả thuận. Tổng giá trị các giao dịch thoả thuận này hơn 100 tỷ đồng, tương ứng giá thoả thuận bình quân 26.882 đồng/cổ phiếu. Cũng trong ngày 1/7/2021 Văn Phú Invest công bố thông tin bán hết hơn 3,5 triệu cổ phiếu HAF, không còn là cổ đông lớn của Thực phẩm Hà Nội.
Làm cổ đông lớn và bán ra hết chỉ trong vòng 1 tuần, Văn Phú Invest “lãi” khoảng 77% tương ứng hơn 43 tỷ đồng từ thương vụ đầu tư này. Việc chuyển nhượng toàn bộ số cổ phần tại Thực phẩm Hà Nội đã được Hội đồng quản trị công ty họp và thông qua ngày 30/6/2021.
Sự rút lui của Doji
Cũng trong phiên giao dịch ngày 25/6/2021 – phiên giao dịch được nhắc đến trong án phạt của UBCKNN - CTCP Tập đoàn Vàng bạc đá quý Doji thông báo đã bán ra toàn bộ 3,19 triệu cổ phiếu HAF (tỷ lệ 22%) và không còn là cổ đông lớn của Thực phẩm Hà Nội.
Đáng chú ý, cùng trong ngày 25/6/2021 Hội đồng quản trị của Văn Phú Invest đã họp và thông qua việc nhận chuyển nhượng 3.190.000 cổ phần của Thực phẩm Hà Nội – đúng bằng số cổ phần mà Doji sở hữu và bán ra cùng ngày.
Trở lại trước đó, năm 2015 Thực phẩm Hà Nội tiến hành cổ phần hoá. Sau cổ phần hoá ghi nhận cổ đông chiến lược sở hữu 3.190.000 cổ phần (tỷ lệ 22%) và bị hạn chế chuyển nhượng trong vòng 5 năm, từ tháng 5/2015 đến tháng 5/2020.
Năm 2017 Thực phẩm Hà Nội chính thức đưa toàn bộ 14,5 triệu cổ phiếu lên giao dịch trên sàn. Cơ cấu cổ đông tính đến 24/3/2017 có 4 cổ đông lớn, trong đó Tổng công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) sở hữu 51,567% (7.477.200 cổ phiếu); Doji sở hữu 3.190.000 cổ phiếu (tỷ lệ 22%) và 2 cá nhân là ông Trần Quốc Tuấn và ông Nguyễn Đăng Trường lần lượt sở hữu 1.099.000 cổ phiếu và 1 triệu cổ phiếu.
Đến ngày 31/12/2019 Hapro thông báo bán bớt 4,58 triệu cổ phiếu HAF với giá thoả thuận bình quân 21.000 đồng/cổ phiếu, thu về 96 tỷ đồng. Sau giao dịch Hapro giảm lượng sở hữu cổ phiếu HAF từ gần 7,48 triệu cổ phiếu (tỷ lệ 51,567%) xuống còn gần 2,9 triệu cổ phiếu (tỷ lệ 20%).
Vậy Thực phẩm Hà Nội có gì hấp dẫn để doanh nghiệp Bất động sản như Văn Phú Invest phải chen chân?
Về tình hình kinh doanh, Thực phẩm Hà Nội đang thua lỗ. Báo cáo tài chính năm 2021 đã kiểm toán của Thực phẩm Hà Nội ghi nhận công ty lỗ hơn 7 tỷ đồng năm 2021 – và năm 2020 cũng lỗ hơn 8 tỷ đồng. Tổng lỗ luỹ kế đến 31/12/2021 hơn 31 tỷ đồng.
Sức hấp dẫn của Thực phẩm Hà Nội đến từ quỹ đất mà doanh nghiệp này và các công ty con đang quản lý. Thực phẩm Hà Nội có 2 công ty con là CTCP Thương mại dịch vụ Bắc Qua (sở hữu 53%) và CTCP Thương mại Lãng Yên (sở hữu 51%).
Bản cáo bạch năm 2017 khi công ty chuẩn bị lên sàn ghi nhận Thực phẩm Hà Nội đang sở hữu các lô đất ở các vị trí đắc địa làm cửa hàng kinh doanh như tạị 57 phố Khâm Thiên; tại số 9-11 ngõ Thổ Quan; số 13 Hàn Thuyên; số 9 Lê Quý Đôn; số 75 Trần Xuân Soạn và Unimart Seika tại 51 Lê Đại Hành.
Thực phẩm Hà Nội đang triển khai thi công dự án tại số 54 ngõ 459 Bạch Mai, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội – dự án có diện tích 2.085,9m2 với tổng diện tích xây dựng gần 7.400m2. Dự án Trung tâm thương mại, dịch vụ và chung cư cao tầng tại số 249-253 Phố Vọng, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội – dự án có diện tích đất quy hoạch 3.255m2 – thực hiện theo hợp đồng hợp tác kinh doanh với các đối tác. Dự án số 26 cao Thắng, Hoàn Kiếm, Hà Nội…
Văn Phú Invest để “vuột” miếng mồi ngon?
Đã ngồi ghế cổ đông lớn, việc Văn Phú Invest “rút” ra ngay sau đó 1 tuần vẫn đang là một dấu hỏi lớn.
Văn Phú Invest được thành lập tháng 3/2008 chuyên về hoạt động tư vấn, đầu tư, xây dựng, phát triển kinh doanh bất động sản. Tổng tài sản công ty đến 30/6/2022 đạt hơn 10.800 tỷ đồng – tăng 1.000 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm. Trong đó tổng giá trị hàng tồn kho đạt gần 4.100 tỷ đồng – tăng hơn 600 tỷ đồng so với đầu năm 2022 – tập trung chủ yếu vào chi phí xây dựng dở dang tại 2 dự án đường tuyến kết nối từ Phạm Văn Đồng đến nút giao thông Gò Dưa và Dự án phân khi số 2 khu đô thị phía Nam Thành phố Bắc Giang. Các khoản phải thu ngắn hạn tăng hơn 600 tỷ đồng – lên hơn 2.700 tỷ đồng. Đáng chú ý, công ty có khoản nợ xấu hơn 73 trị đồng trong đó đánh giá giá trị có thể thu hồi chỉ khoảng 37 tỷ đồng.
Tổng nợ phải trả đến 30/6/2022 là 7.254 tỷ đồng, tăng hơn 800 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm, trong đó riêng vay nợ thuê tài chính dài hạn xấp xỉ 4.000 tỷ đồng – tăng đến hơn 2.600 tỷ đồng so với đầu kỳ trong khi dư vay nợ thuê tài chính ngắn hạn còn gần 500 tỷ đồng (giảm 1.300 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm.
Trong các khoản vay của Văn Phú Invest, ngoài các khoản vay ngân hàng, còn có hơn 984 tỷ đồng là vay trái phiếu. Phần lớn khoản vay trái phiếu này được đảm bảo bằng cổ phiếu của công ty được nắm giữ bởi bên thứ 3.