Vàng chạm đỉnh cao mới: Mua hay bán để không lỡ 'chuyến tàu' siêu lợi nhuận?
Theo ông Lâm Tuấn, chuyên gia tài chính cá nhân, nhiều nhà đầu tư đang rơi vào thế tiến thoái lưỡng nan: mua thì lo đu đỉnh, bán lại sợ vàng còn leo cao, mà đứng ngoài thì thấp thỏm vì… sợ lỡ chuyến tàu siêu lợi nhuận.
Vàng trở lại “sân khấu”
Tính từ đầu năm đến 21/4/2025, giá vàng miếng SJC tăng 29,8 triệu đồng/lượng ở chiều mua vào và 29,8 triệu đồng/lượng ở chiều bán ra. Cùng kỳ, giá vàng nhẫn tăng 31 triệu đồng/lượng ở chiều mua vào và 33 triệu đồng/lượng ở chiều bán ra.
Cũng từ đầu năm đến nay, giá vàng trong nước liên tục phá đỉnh và thiết lập những mức giá chưa từng có. Trong đầu năm 2025, nhiều chuyên gia dự báo giá vàng trong nước có thể sẽ chạm mốc 100 triệu đồng/lượng nhưng trong dài hạn. Tuy nhiên, chỉ hơn 4 tháng, giá vàng đã vượt qua mốc 100 triệu đồng/lượng và đỉnh điểm là lên tới 120 triệu đồng/lượng.
Cơn “sốt vàng” chưa từng có đang thổi bùng một làn sóng đầu tư vào kim loại quý. Giá vàng tăng phi mã khiến thị trường bước vào trạng thái “nóng sốt” với sự bất cân xứng rõ rệt giữa cung và cầu. Hình ảnh hàng dài người xếp hàng chỉ để mua được một chỉ vàng, hay những “tay gom vàng” kiên trì bám trụ trước cửa hàng từ ngày này sang ngày khác, cho thấy sức hút khủng khiếp của vàng trong thời điểm hiện tại.

Trong khi đó, nhiều nhà vàng lớn liên tục phải “cáo lỗi” vì hết vàng để bán. Đơn cử như PNJ, công ty này cho biết: “Lượng miếng vàng SJC, nhẫn trơn PNJ, vàng Tài Lộc PNJ đang hết hàng trên toàn hệ thống cửa hàng PNJ và chưa có thông tin chính xác về thời gian có hàng trở lại”. Nhiều cửa hàng của các nhà vàng khác như Phú Quý, Bảo Tín Minh Châu,… cũng đã không ít lần phải “khất” khách hàng vì số lượng người mua quá đông trong khi vàng không có đủ để bán.
Chia sẻ với VietnamFinance, ông Lâm Tuấn - Chuyên gia tài chính cá nhân, nhận định: “Từ lạm phát kéo dài, bất ổn địa chính trị đến căng thẳng thương mại toàn cầu, tất cả đều đang thúc đẩy nhu cầu nắm giữ vàng như một tài sản trú ẩn. Vàng đang trở lại sân khấu”.
Một trong những cú hích quan trọng đưa giá vàng lên những đỉnh cao mới gần đây là làn sóng lo ngại ngày càng dâng cao về nguy cơ suy thoái kinh tế toàn cầu. Những tín hiệu tiêu cực từ nền kinh tế Mỹ, cùng với căng thẳng thương mại leo thang - đặc biệt là chính sách thuế quan cứng rắn mà Tổng thống Donald Trump và những đòn đáp trả từ phía Trung Quốc - đã khiến giới đầu tư toàn cầu khẩn trương tìm kiếm nơi trú ẩn an toàn.

Trước cú sốc thuế quan, giá vàng cũng được hỗ trợ bởi sự dai dẳng của lạm phát. Thực tế, từ năm 2022 đến nay, lạm phát toàn cầu liên tục duy trì ở mức cao bất chấp các nỗ lực tăng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và các ngân hàng trung ương khác. Trong bối cảnh “sống chung” với lạm phát, vàng chính là đích đến của dòng tiền đầu tư đang có nhiều “bất an”, ông Tuấn nói.
Một nhân tố khác ảnh hưởng đến giá vàng chính là các ngân hàng trung ương - những “tay mua” lớn trên thị trường. Theo thống kê của WGC, giai đoạn 2022 – 2024, lượng vàng mua ròng của các ngân hàng trung ương vượt 1.000 tấn/năm – mức cao chưa từng có trong lịch sử. Xu hướng tích trữ vàng của các ngân hàng trung ương vẫn duy trì trong đầu năm 2025, đặc biệt là ở các nền kinh tế như Trung Quốc, Ấn Độ,…
Không chỉ dòng tiền tổ chức và các ngân hàng trung ương, hành vi của nhà đầu tư cá nhân, đặc biệt tại châu Á, cũng đang góp phần định hình xu hướng giá vàng toàn cầu.
Trong bối cảnh bất ổn lan rộng, từ địa chính trị đến kinh tế vĩ mô, nhu cầu “trú ẩn an toàn” của nhà đầu tư nhỏ lẻ đã quay trở lại mạnh mẽ, đặc biệt ở những quốc gia có truyền thống nắm giữ vàng như Trung Quốc, Ấn Độ hay Việt Nam.
Sự bứt tốc của giá vàng cũng đến từ nhu cầu vàng vật chất tại châu Á. Sau đại dịch Covid-19, Trung Quốc, Việt Nam,… chứng kiến một sự phục hồi ấn tượng trong lực mua vàng từ người dân, không chỉ vì yếu tố văn hóa, mà còn vì sự thiếu tin tưởng vào thị trường tài chính và triển vọng đồng nội tệ.
Giá vàng tăng, bán hay mua để không lỡ cơ hội?
Vàng đang khẳng định vị thế “ngôi vương” của mình giữa bối cảnh kinh tế đầy biến động và bất định. Giữa những biến động trên thị trường vàng, ông Lâm Tuấn nhận định, nhiều nhà đầu tư đang rơi vào thế "tiến thoái lưỡng nan": mua thì lo đu đỉnh, bán lại sợ vàng còn leo cao, mà đứng ngoài thì thấp thỏm vì… sợ lỡ chuyến tàu siêu lợi nhuận.
Trước bối cảnh đầy giằng co ấy, vị chuyên gia này khuyên nhà đầu tư nên chọn chiến lược “vừa rút, vừa giữ”.
“Đối với những nhà đầu tư đã có sẵn vàng, nếu đã có lãi, có thể chốt một phần để hiện thực hóa lợi nhuận, phần còn lại giữ lại đề phòng giá vàng tiếp tục bứt phá. Cách này giúp nhà đầu tư không bị trắng tay nếu thị trường quay đầu, mà vẫn còn cơ hội nếu xu hướng tăng còn tiếp diễn”, ông phân tích.
Ngược lại, với những ai đang nóng lòng muốn "nhảy vào" thị trường, ông Tuấn cảnh báo không nên để hiệu ứng đám đông chi phối quyết định đầu tư.
“Nếu thật sự muốn đầu tư nghiêm túc, hãy chia nhỏ dòng tiền, canh những nhịp điều chỉnh để mua dần. Tuyệt đối không ‘tất tay’ khi giá vừa lập đỉnh bởi điều này giống như người đến muộn trong một bữa tiệc đã tàn. Nhà đầu tư cần nằm lòng nguyên tắc: đừng đầu tư vì người khác mua, hãy đầu tư vì bạn hiểu mình đang làm gì”, ông Tuấn nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, chuyên gia cũng lưu ý đà tăng chóng mặt của giá vàng thường đi kèm với mức độ rủi ro không nhỏ và phải cân nhắc đến nhiều yếu tố khác để đưa ra quyết định đầu tư. Đáng chú ý, ngoài “chất xúc tác” là giá vàng thế giới, thị trường vàng trong nước còn chịu tác động mạnh từ thay đổi chính sách và mệnh lệnh hành chính.
Thực tế, điều này thể hiện rõ trong những phiên giao dịch cuối tuần qua. Chỉ trong ngày 18/4, giá vàng SJC bật lên tới 120 triệu đồng/lượng, nhưng chưa đầy 24 giờ sau, thị trường bất ngờ đảo chiều, lao dốc không phanh với mức giảm hơn 6 triệu đồng/lượng – một trong những cú rơi nhanh và sâu nhất trong nhiều năm trở lại đây.
Điều đáng chú ý là cú lao dốc này xuất hiện gần như ngay lập tức sau chỉ đạo của Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc, một lần nữa cho thấy giá vàng trong nước không chỉ là “trò chơi” của cung cầu, mà còn gắn chặt với những thông điệp từ nhà điều hành. Trước đó, trong năm 2024, thị trường vàng cũng nhiều lần phản ứng tức thì với các động thái từ cấp điều hành cao nhất.