Đảo chiều bất ngờ, giá vàng có thể giảm sâu tới đâu?
Giá vàng miếng SJC bất ngờ giảm mạnh, tới gần chục triệu mỗi lượng chỉ sau 1 ngày khiến người mua giá đỉnh lỗ nặng. Liệu giá vàng có thể giảm sâu tới đâu?
Giá vàng bất ngờ giảm mạnh sau khi tăng điên loạn
Trong 1 tuần lại đây, thị trường chứng kiến cơn "nổi loạn" của vàng. Giá vàng có thời điểm tăng như “vũ bão” rồi bất ngờ giảm sâu, “bốc hơi” chục triệu đồng mỗi lượng chỉ trong một phiên giao dịch.
Từ 13-18/4, giá vàng liên tiếp được điều chỉnh tăng với biên độ rất mạnh, tới vài triệu đồng mỗi lượng trong 1 phiên, liên tục thiết lập các kỷ lục chưa từng có.
Đáng chú ý, ngày 16/4, giá vàng được điều chỉnh tăng 7,5 triệu đồng/lượng cả chiều mua vào và bán ra. Đây là biên độ tăng cao nhất của giá vàng trong nước từ trước đến nay.
Đến ngày 17/4, giá vàng miếng SJC tiếp tục tiến thêm 2,5 triệu đồng/lượng. Ngày 18/4, giá vàng miếng SJC tăng thêm 1,5 triệu đồng/lượng ở chiều mua vào và đắt hơn 2 triệu đồng/lượng ở chiều bán ra.
Như vậy, chỉ trong vòng 3 ngày (từ 16-18/4), giá vàng miếng tại Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn đã tăng đến 12 triệu đồng/lượng, gây hiệu ứng tâm lý rất mạnh trên thị trường. Trong khi đó, giá vàng miếng tại Công ty Mi Hồng tăng khoảng 18-20 triệu đồng/lượng sau 3 ngày. Đây là mức tăng kỷ lục trong vòng nhiều tháng trở lại đây của giá vàng trong nước.
Ngày 18/4, Công ty SJC tăng giá mua - bán vàng miếng SJC lên 117-120 triệu đồng. Công ty Mi Hồng đầu giờ chiều 18/4 niêm yết giá bán vàng miếng lên mức kỷ lục 122,5 triệu đồng, chiều mua vào ở mức 120 triệu đồng.
Tương tự, giá vàng nhẫn cũng tăng mạnh. Ngày 18/4, Công ty Bảo Tín Minh Châu tăng mỗi lượng vàng nhẫn thêm 1,5 triệu đồng, lên 116,5 triệu đồng chiều mua vào, bán ra 119,5 triệu đồng. Tập đoàn Doji tăng giá bán vàng nhẫn lên 118,5 triệu đồng, trong khi giá mua ở mức 114 triệu đồng. Công ty SJC mua vào lên 114 triệu đồng, bán ra 117 triệu đồng. Chênh lệch giá mua và bán vàng của các công ty từ 3-4 triệu đồng mỗi lượng.
Dù giá vàng ở mức cao kỷ lục nhưng nhu cầu mua vào vẫn rất lớn khiến vàng trên thị trường trở nên khan hiếm. Người dân và giới đầu tư thường xuyên xếp hàng dài tại các cửa hàng để chờ mua vàng. Các thương hiệu vàng liên tục trong tình trạng “cạn cung”, buộc phải giới hạn số lượng vàng mà mỗi khách hàng được mua.
Trên “chợ mạng” hay ngoài vỉa hè, hoạt động mua bán vàng diễn ra rầm rộ, với mức giá chênh lệch từ 1-3 triệu đồng mỗi lượng so với giá niêm yết của các thương hiệu.
Đáng ngạc nhiên, giá vàng trong nước một mình một chợ khi giá vàng thế giới giảm và đứng im ở mốc 3.327 USD/ounce trong suốt 3 hôm nay. Giá vàng thế giới tương đương 105,8 triệu đồng/lượng (đã bao gồm thuế, phí).

Do đó, chênh lệch giữa giá vàng trong nước và quốc tế bị đẩy lên mức rất cao, tới 16,5 triệu đồng/lượng, rất cao so với mức chênh chỉ 3-4 triệu đồng/lượng vào hồi đầu tháng này.
Tuy nhiên, ngày 19/4, sau chỉ đạo từ Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc về việc bình ổn giá vàng, giá vàng bắt đầu có dấu hiệu giảm nhiệt.
Cụ thể, đến cuối ngày 18/4, tiệm vàng Mi Hồng đã giảm trung bình 2,5 triệu đồng/lượng giá vàng nhẫn và vàng SJC so với mốc đỉnh từng thiết lập trong ngày.
Sang ngày 19/4, các thương hiệu liên tục điều chỉnh giảm mạnh với cả vàng miếng lẫn vàng nhẫn.
Công ty SJC đã 5 lần điều chỉnh giá vàng chỉ trong buổi sáng và 1 lần vào buổi chiều, điều này khá ít xảy ra vào ngày giao dịch thứ Bảy hàng tuần.
Tính tổng trong ngày 19/4, giá vàng miếng SJC giảm 5 triệu đồng/lượng ở chiều mua và rẻ hơn 6 triệu đồng/lượng ở chiều bán, kết phiên ở mức 112-114 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).
Công ty Mi Hồng cuối phiên 19/4 giảm giá vàng miếng SJC tới 8,5 triệu đồng/lượng so với mức đỉnh thiết lập vào ngày 18/4, kết phiên ở mức 111,5-114 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).
Tương tự, giá vàng nhẫn tại SJC và Doji ngày 19/4 cũng giảm mạnh từ 3,5-5,5 triệu đồng mỗi lượng, kết phiên ở mức 109,5-113,5 triệu đồng/lượng (mua - bán).
Giá vàng giảm mạnh khiến những người xếp hàng mua vàng ngày 18/4 đã lỗ nặng từ 9-10,5 triệu đồng/lượng chỉ sau 24 giờ.
Giá vàng trong nước có thể giảm về mức nào?
Các chuyên gia nhìn nhận giá vàng nhẫn và vàng miếng trong nước sẽ tiếp tục giảm trong thời gian tới, sau chuỗi ngày dài tăng nóng, đặc biệt dưới tác động thanh tra của cơ quan quản lý Nhà nước.

Trước đây, thị trường vàng cũng ghi nhận hiện tượng giảm mạnh sau chuỗi ngày tăng liên tục. Vào đầu tháng 4/2024, giá vàng trong nước liên tục tăng sốc. Ngay sau đó, Chính phủ đã yêu cầu Ngân hàng Nhà nước kiểm tra, thanh tra, và xử lý nghiêm các hành vi buôn lậu, đầu cơ và thao túng giá vàng. Kết quả, giá vàng miếng SJC và vàng nhẫn đồng loạt lao dốc mạnh những ngày sau đó.
Hơn nữa, với mức chênh lệch lên đến gần 10 triệu đồng/lượng như hiện tại, khả năng trong những ngày tới, giá vàng trong nước còn giảm thêm.
Nếu giá vàng thế giới tiếp tục giảm, kết hợp động thái mạnh tay từ cơ quan quản lý thì giá vàng trong nước sẽ giảm mạnh.
Chuyên gia vàng Trần Duy Phương cho rằng giá vàng trong nước tuần qua biến động tới mức điên cuồng. Trong khi giá vàng thế giới tuần qua chỉ tăng chưa tới 100 USD/ounce.
Chênh lệch giá vàng SJC với giá vàng thế giới có thời điểm lên tới 18 triệu đồng/lượng. Vàng trong nước bị làm giá, tạo tâm lý của người dân phải mua vàng bằng mọi giá.
Ông Phương phân tích, giá vàng trong nước đang cao hơn bất thường so với giá vàng thế giới. Cùng với đó, khoảng cách giá mua vào và bán ra rất xa đẩy rủi ro về phía người mua.
Tuy nhiên, ông Phương tin rằng Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và các ban, ngành sẽ có những giải pháp, hành động để đưa vàng về giá trị thực.
Theo PGS - TS Nguyễn Hữu Huân (Đại học Kinh tế TP.HCM), giá vàng trong nước tăng 'sốc' là điều bất thường. Giá vàng tăng 7 - 8 triệu đồng/lượng trong ngày thì khi quay đầu giảm, cũng có thể giảm cả 10 triệu đồng/lượng.
Theo ông Huân, khi NHNN có những động thái cụ thể như tiến hành thanh, kiểm tra, ổn định thị trường..., khả năng sẽ xuất hiện làn sóng bán tháo vàng, đầu cơ sẽ nhanh chóng giảm.
Ông Huân dự báo mức chênh giữa giá vàng trong nước và giá vàng thế giới khoảng 4 - 5 triệu đồng/lượng là ổn định. Như vậy, khả năng giá vàng rơi từ 120 triệu đồng/lượng xuống khoảng 110 triệu đồng/lượng có thể xảy ra.
Trong trường hợp giá vàng thế giới tiếp tục tăng, dù NHNN có can thiệp thị trường vàng thì giá cũng khó có thể giảm về 110 triệu đồng/lượng. Nhưng chắc chắn thị trường sẽ có điều chỉnh, bớt nóng hơn.
Trong bối cảnh giá vàng biến động khôn lường, chuyên gia vàng Phan Dũng Khánh khuyến nghị người có nhu cầu mua vàng cần hết sức cân nhắc, bởi việc mua với giá đỉnh sẽ khiến nguy cơ lỗ tăng cao. Rủi ro lớn nhất là giá vàng thế giới có thể đột ngột đảo chiều giảm sau 2 năm liên tiếp.
Ngoài ra, còn một yếu tố rủi ro khác là chênh lệch giữa giá mua và bán vàng vẫn ở mức cao, lên 3 triệu đồng mỗi lượng cũng khiến người mua gặp rủi ro.