Vàng trồi sụt quanh 90 triệu/lượng: Liều lướt sóng trong cơn sốt giá?
Bất chấp việc Ngân hàng Nhà nước đã “bơm” ra thị trường 48.500 lượng vàng, tương ứng với 1,8 tấn, thế nhưng giá vẫn không ngừng tăng, lên ngưỡng 90 triệu đồng/lượng. Đặc biệt nhẫn trơn vẫn khan nguồn cung, vậy với nhà đầu tư cá nhân thì có nên “lướt sóng” trong cơn sốt này
Mua đều nhẫn trơn bất chấp giá vàng tăng
Chia sẻ với VietnamFinance, chị Phương Thuý (32 tuổi), ở Long Biên, Hà Nội cho biết, chị có thói quen mua nhẫn trơn đều từ năm 2016, lúc kết hôn đến nay, mỗi năm tiết kiệm tiền mua được 5-6 chỉ vàng. Thời điểm 2016 giá vào khoảng 3,7 triệu đồng/lượng, lần gần nhất chị Thuý mua thêm 1 chỉ là tháng 4/2024 với mức giá 7,2 triệu đồng/lượng.
“Tính ra giá gấp đôi nhưng tôi vẫn mua đều, mục đích tiết kiệm, gia tăng tài sản, nghe theo lời ông bà dặn ngày xưa là có tiền thì cứ tích vào vàng. Bản thân không coi vàng là một kênh đầu tư, nên cứ mua vậy, đến ngay cũng được gần 5 cây”, chị Thuý nói thêm.
Tương tự, chị Nguyễn Thị Chung (33 tuổi), công nhân KCN Samsung Thái Nguyên chia sẻ, cũng có thói quen tích trữ vàng từ lúc mới đi làm, kể cả đến khi lấy chồng, đến nay cũng hơn chục năm, mỗi năm 1-2 chỉ vàng. Mục tiêu, nghĩ đơn giản vàng là kim loại quý, vừa giữ tiền, vừa tích trữ tài sản.
“Lương công nhân không có nhiều, 1 tháng chỉ tiết kiệm được 1-2 triệu, 1 năm để dành được 1-2 chỉ vàng, nhưng cứ đều đặn. Vừa rồi thấy vàng có tăng cao, tôi cũng có chút đắn đo, cũng có ý định đi bán những nghĩ bán rồi, mà muốn mua lại thì giá cũng cao. Xem ra vàng vẫn còn tăng thêm”, chị Chung vui vẻ nói.
Theo ghi nhận của VietnamFinance, thực tế hiện nay khi giá vàng tăng cao, có thời điểm vượt 90 triệu đồng/lượng, nhưng lượng người dân đổ đi mua vàng lại càng đông, chủ yếu là nhẫn trơn, tại nhiều cửa hàng vàng có tình trạng nhiều người xếp hàng nhưng chỉ nhận được giấy hẹn, sau 1 tuần mới có vàng. Trong đó, ngoài những người mua với mục tiêu có tiền dư là mua vàng tích trữ, vẫn có không ít những nhà đầu tư chọn vàng là kênh “lướt sóng”.
Có nên “lướt sóng” trong cơn sốt này?
Theo bà Đặng Nguyễn Thanh Huyền, Chuyên gia hoạch định Tài chính cá nhân, Công ty Tư vấn Đầu tư và Quản lý tài sản FIDT, việc lãi suất tiền gửi duy trì ở mức thấp trong thời gian qua dẫn đến người dân có xu hướng chuyển đổi qua các kênh đầu tư khác như vàng do tính đại trà, dễ mua bán, có mức tăng trưởng ấn tượng từ đầu năm đến nay. Bên cạnh đó, giá vàng miếng trong nước vẫn đang duy trì ở mức cao hơn khoảng 16-18 triệu đồng/lượng so với giá vàng thế giới và vàng nhẫn trơn, trong khi chất lượng là tương đương.
Đồng thời, thông điệp mạnh mẽ của Cơ quan Nhà nước về việc khắc phục tình trạng chênh lệch giá vàng như đấu thầu vàng, sửa đổi Nghị định 24…đã khiến người dân e ngại, nhận thấy rủi ro cao khi nắm giữ vàng miếng, tạo xu hướng chuyển đổi sang vàng nhẫn.
Tuy nhiên, Bà Huyền cũng cho rằng “lướt sóng” trong “cơn sốt vàng” hiện nay tiềm ẩn khá nhiều rủi ro khi mà giá vàng biến động mạnh, chênh lệch giá mua – bán ngày càng lớn. Việc có nên đầu tư vào vàng, đầu tư bao nhiêu nên được xem xét dựa trên mục tiêu tài chính, khẩu vị rủi ro của mỗi cá nhân thay vì chỉ dựa trên dự đoán giá vàng, điều mà đại đa số người dân khó có thể nắm bắt được do giá vàng bị tác động bởi các yếu tố phức tạp như chính sách điều hành lãi suất của FED, tình hình kinh tế - chính trị, cung cầu thị trường, chính sách của Nhà nước và Ngân hàng trung ương…
Bỏ qua yếu tố lướt sóng, tập trung vào mục tiêu phòng thủ và tích lũy dài hạn thì việc mua vàng nhẫn định kỳ hàng tháng, quý cũng là một cách đầu tư ít rủi ro hơn, phù hợp đại đa số người dân, đặc biệt tầng lớp trung và cao niên có xu hướng ưa chuộng vàng. Dù vậy, người dân cũng không nên dồn toàn bộ tiền để tích trữ vàng mà bỏ qua các kênh đầu tư tiềm năng khác.
“Xét về dài hạn, vàng không hiệu quả bằng một số kênh đầu tư như chứng khoán, bất động sản dân sinh. Mỗi người dân chỉ nên nắm giữ tối đa 10% vàng trong tổng tài sản. Phần còn lại nên xem xét phân bổ vào các loại tài sản tiềm năng hơn giúp tăng hiệu suất sinh lời, tăng tính đa dạng hóa và giảm thiểu rủi ro cho danh mục tài sản”, bà Huyền đưa ra lời khuyên.
Đồng quan điểm, chia sẻ tại một buổi hội thảo về các kênh đầu tư mới đây, chuyên gia Ngô Thành Huấn khuyến nghị, trong quản lý tài chính cá nhân tỷ trọng vàng nên ở khoảng dưới 10% tổng tài sản, và nắm giữ trong thời gian dài với mục tiêu chính là phòng thủ tài chính. Đặc biệt, dùng làm quỹ khẩn cấp cho gia đình, cầm dài hạn lợi nhuận 8-9% trung bình, bởi với các nhà đầu tư không chuyên thì đầu tư vàng là khá rủi ro.
Giữa SJC và vàng nhẫn trơn thì có thể xem xét mua và giữ vàng trơn vì vàng trơn đang theo sát hơn với giá vàng của thế giới so với vàng miếng SJC. Ông Huấn cũng dự đoán giá vàng khó giảm trong 2024 và biên độ có thể tăng thêm khoảng 10% nữa.
Một vị PGS.TS kinh tế cho rằng, xét yếu tố về tâm lý, các kênh đầu tư khác không hấp dẫn, dẫn đến việc dòng tiền đổ nhiều về vàng.
"Thị trường chứng khoán tăng giảm và đòi hỏi kiến thức, kinh nghiệm, thời gian, bất động sản giá trị cao nhưng tương đối trầm lắng, lãi suất tiết kiệm vẫn ở mức thấp, thị trường hối đoái biến động. Chính vì vậy thị trường vàng vẫn sẽ sôi động" – vị PGS.TS này nói thêm.
Các chuyên gia kinh tế cho rằng, hiện chênh lệch giá vàng SJC hai chiều mua - bán đang được các đơn vị kinh doanh niêm yết ở ngưỡng từ 2 -3 triệu đồng/lượng. Chênh lệch quá cao khiến nhà đầu tư đối diện nguy cơ thua lỗ khi mua trong ngắn hạn. Mức chênh lệch lý tưởng giữa giá mua - bán chỉ khoảng 300.000-500.000 đồng/lượng là vừa phải với nhà đầu tư.
"Nhà đầu tư cá nhân xem xét không nên đầu tư vàng lướt sóng vì điều đó rất nguy hiểm. Chúng ta không biết giá vàng sẽ biến thiên như thế nào. Và cũng không nên đi vay tiền để đầu tư vào vàng trong bối cảnh giá như hiện nay", một vị chuyên gia kinh tế nhấn mạnh.