VEAM bị kiểm toán ngoại trừ loạt vấn đề trong báo cáo
Tổng Công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam – CTCP (VEAM, mã VEA) mới thông báo BCTC hợp nhất soát xét bán niên 2024 với việc kiểm toán ngoại trừ và lưu ý loạt vấn đề.
Theo báo cáo, trong nửa đầu năm, VEAM ghi nhận doanh thu thuần đạt 1.923 tỷ đồng, giảm 2,8% so với cùng kỳ. Nhờ phần lãi trong công ty liên doanh liên kết tăng 4,4% cùng với các chi phí giảm nên lãi sau thuế của VEAM đạt 3.218,6 tỷ đồng, tăng nhẹ so với cùng kỳ. Đáng chú ý là kiểm toán đã đưa ra kết luận ngoại trừ dựa trên một vài cơ sở.
Thứ nhất, tại ngày 30/6, VEA chưa đánh giá khả năng thu hồi đối với các khoản phải thu đã quá hạn thanh toán với giá trị gần 46 tỷ đồng (đầu năm là hơn 44 tỷ đồng). Đơn vị kiểm toán không thể thu thập được đẩy đủ bằng chứng thích hợp liên quan đến khoản thu quá hạn trên, cũng như xác định liệu có cần thiết phải trích lập dự phòng phải thu khó đòi hay cần điều chỉnh số liệu các chỉ tiêu liên quan.
Thứ hai, VEA cũng chưa đánh giá giá trị thuần có thể thực hiện của hàng tồn kho tồn đọng, chậm luân chuyển tại Tổng Công ty là gần 72 tỷ đồng. Đồng thời kiểm toán không thể thực hiện được các thủ tục thay thế để xác định giá trị dự phòng giảm giá hàng tồn kho mà VEA trích lập đã đầy đủ chưa, liệu có cần thiết phải điều chỉnh các khoản mục có liên quan hay không.
Thứ ba, tại ngày 30/06/2024, một số khoản chi phí treo lại chờ xử lý với giá trị hơn 466 tỷ đồng bao gồm: chi phí lãi vay, khấu hao, tiền thuê đất của nhà máy xốp ngừng hoạt động từ năm 2015 và chi nhánh Bắc Kạn của CTCP Vật tư Thiết Bị Toàn bộ (Matexim) đang được phản ánh trên khoản mục chi phí trả trước và chi phí sản xuất kinh doanh dở dang. Kiểm toán không thu thập được các bằng chứng liên quan nên không thể xác định có cần thiết điều chỉnh các khoản mục này hay không.
Đơn vị kiểm toán cũng nhấn mạnh người đọc về dự án đầu tư sản xuất máy kéo 4 bánh hạng trung đang tồn đọng, giá trị chi phí xây dựng cơ bản dở dang có thể phụ thuộc vào phán quyết của cơ quan có thẩm quyền trong tương lai.
Ngoài ra còn “Dự án di chuyển và xây mới nhà máy sản xuất máy kéo nhỏ” được HĐQT VEAM phê duyệt ngày 31/07/2024. Thời gian thực hiện từ quý IV/2016 đến quý I/2023. Tuy nhiên, VEAM chưa hoàn tất các thủ tục gia hạn dự án.
Đơn vị kiểm toán cũng lưu ý đến ngày lập báo cáo tài chính này, các cơ quan có thẩm quyền chưa phê duyệt chính thức quyết toán cổ phần hóa Công ty mẹ VEAM.
Bên cạnh đó, Công ty TNHH MTV Cơ khí Trần Hưng Đạo chưa ghi nhận giá trị, khoản đầu tư vào Công ty TNHH Liên doanh Đầu tư tài chính Thái Bình Dương với giá trị 40 tỷ đồng do không có đủ cơ sở hồ sơ tài liệu từ các đối tác liên quan.
Cuối cùng, vấn đề tiền thuê đất tại Công ty TNHH MTV Động cơ và Máy nông nghiệp Miền Nam (SVEAM) hiện đang tạm ghi nhận tiền thuê đất của Sở Tài nguyên Môi trường tỉnh Đồng Nai mà chưa phản ánh các thông báo nộp tiền thuê đất của Cục Thuế tỉnh Đồng Nai. SVEAM đã gửi các công văn đến cơ quan có thẩm quyền để kiến nghị được tiếp tục áp dụng đơn giá thuê đất ngày 30/12/1995 của Bộ Tài chính. Tuy nhiên kết quả kiến nghị vẫn chưa được các cơ quan có thẩm quyền phản hồi khi báo cáo bán niên 2024 chưa có bất kỳ điều chỉnh nào liên quan đến vấn đề nêu trên.
Tại văn bản giải trình, VEAM cho biết các khoản phải thu quá hạn thanh toán gần 46 tỷ đồng phát sinh tại Công ty TNHH MTV Cơ khí Trần Hưng Đạo, CTCP TNHH MTV Máy kéo và Máy Nông nghiệp, Viện Công nghệ. Các đơn vị đã thực hiện gửi đối chiếu nợ phải thu đến khách hàng, tuy nhiên một số khách hàng chưa phản hồi và khách hàng vẫn đang thực hiện thanh toán nên chưa đủ cơ sở để trích lập dự phòng. Các đơn vị đã thành lập Ban thu hồi công nợ và tích cực triển khai thu hồi nợ.
Thứ hai, liên quan đến hàng tồn kho tồn đọng, chậm luân chuyển tại Tổng Công ty giá trị gần 72 tỷ đồng, Công ty thông tin đối với một số mặt hàng tồn kho ứ đọng từ nhiều năm trước (thời kỳ công ty TNHH) và chậm luân chuyển, tại thời điểm lập báo cáo, VEAM chưa hoàn thành việc khảo sát trên thị trường các sản phẩm cùng loại để có cơ sở đánh giá giá trị thuần có thể thực hiện được của hàng tồn đọng.
Thứ ba, về một số khoản chi phí treo lại chờ xử lý với giá trị hơn 466 tỷ đồng, VEAM giải trình chi phí trả trước dài hạn tại Công ty Matexim chủ yếu là chi phí khấu hao tài sản cố định, chi phí lãi vay và một số chi phí của Nhà máy sắt xốp phát sinh từ các năm trước. Hiện nay, nhà máy sắt xốp đang gặp khó khăn phải dừng sản xuất nên chưa đánh giá được các khoản mục chi phí liên quan. Công ty Matexim đang xem xét cơ cấu lại sản phẩm đầu ra. Kế hoạch tăng vốn tại Matexim được thực hiện từng bước theo đúng quy định pháp luật và đảm bảo quyền lợi cao nhất cho VEAM.