Vì sao hoãn xử đại án Ethanol Phú Thọ, Vũ Huy Hoàng?

Các vụ đại án thường rất đông bị cáo, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan...

Ngày 22/1, phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ án Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại dự án Nhà máy nhiên liệu sinh học Phú Thọ (Ethanol Phú Thọ) đã được TAND TP Hà Nội hoãn do vắng mặt  bị cáo Trần Thị Bình (cựu Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam) vắng mặt do sức khoẻ yếu và đã có đơn xin hoãn phiên tòa. Ngoài ra, đại diện PVN, PVC và nhiều nhân chứng, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan khác cũng vắng mặt.

Trước đó, phiên tòa xét xử cựu Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng cùng 9 đồng phạm cũng bị hoãn hai lần do vắng mặt một số bị cáo và nhiều người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan.

Trao đổi với Đất Việt về việc hoãn tòa xử hai đại án, LS Trương Xuân Tám - Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, Ủy viên Hội đồng Luật sư Việt Nam cho biết, việc hoãn xử hai vụ án trên là hợp lý.

Theo vị luật sư, mỗi đối tượng tham gia tối tụng đều có vai trò riêng. Theo quy định của pháp luật, để đảm bảo tính khách quan và sự nghiêm minh của pháp luật, tất cả các bị cáo, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan, nhân chứng... phải có nghĩa vụ có mặt theo triệu tập của tòa. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, vì lý do bất khả kháng hay trở ngại khách quan mà những người này không có mặt tại tòa.

Vì sao hoãn xử đại án Ethanol Phú Thọ, Vũ Huy Hoàng? - Ảnh 1
Cựu Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng tại tòa sáng 18/1 - Ảnh: Tuổi trẻ

Trước hết, đối với người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan, trong nhiều vụ án, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan có thể lên tới hàng trăm, thậm chí hàng ngàn, như tại phiên tòa xét xử vụ án đa cấp Liên Kết Việt vào năm 2020, TAND Hà Nội triệu tập tới hơn 6.000 bị hại và nhiều người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan song không thể có mặt hết.

"Người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan vắng mặt sẽ mất quyền trình bày, bảo vệ quyền lợi của mình tại phiên tòa. Còn sau khi có bản án, họ vẫn có quyền kháng cáo, và các quyền khác.

Trường hợp người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan không có mặt mà không ảnh hưởng đến phiên tòa, nếu hồ sơ đã đầy đủ thì phiên tòa vẫn tiếp tục. Còn trường hợp vụ án rất phức tạp, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan ảnh hưởng đến tình tiết quan trọng của vụ án thì có thể hoãn phiên tòa.

Trường hợp vừa là người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan vừa là nhân chứng thì có thể bị áp giải", LS Tám cho biết.

Đối với bị cáo, phiên tòa xét xử phải có mặt của bị cáo. Nếu vắng mặt thì có thể bị dẫn giải, còn tại ngoại thì có thể thay đổi biện pháp ngăn chặn, tạm giam. 

"Theo quy định của Luật Tố tụng Hình sự, nếu bị cáo vắng mặt mà có lý do chính đáng thì mới hoãn phiên tòa. Bị cáo bị tâm thần, hoặc bệnh hiểm nghèo khác có xác nhận của y tế thì HĐXX tạm đình chỉ vụ án cho đến khi khỏi bệnh sẽ xét xử tiếp. Nếu bị cáo bỏ trốn thì HĐXX  tạm đình chỉ vụ án, yêu cầu cơ quan điều tra truy nã và vẫn có thể xét xử vắng mặt bị cáo nếu bị cáo trốn tránh, truy nã không có kết quả mà hồ sơ điều tra đã đầy đủ, cáo trạng đã đầy đủ.

"Kể cả bị cáo đang ở nước ngoài, không thể triệu tập đến tòa mà sự vắng mặt của bị cáo không gây trở ngại cho việc xét xử thì việc xét xử vẫn được tiến hành", LS Trương Xuân Tám nêu rõ.

Từ phân tích ở trên, vị luật sư kết luận, quy định của pháp luật đã rất chặt chẽ, nhưng những đại án thông thường rất đông bị cáo, đông người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan nên đối với các bị cáo chấp hành không tốt thì phải thay đổi ngay biện pháp ngăn chặn, chuyển sang tạm giam. Còn người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan nếu vắng mặt mà hồ sơ, cáo trạng đầy đủ thì tòa vẫn xử được.

"Việc tạm hoãn phiên tòa xét xử đã được quy định tại điều 297 Bộ luật Tố tụng Hình sự. Thời hạn hoãn phiên tòa hình sự không được quá 30 ngày kể từ ngày ra quyết định hoãn phiên tòa; không quy định giới hạn số lần hoãn phiên tòa", LS Tám cho biết.

Căn cứ điều 297 Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015, tòa án hoãn phiên tòa sơ thẩm khi thuộc một trong các trường hợp:

- Cần phải xác minh, thu thập bổ sung chứng cứ, tài liệu, đồ vật mà không thể thực hiện ngay tại phiên tòa.

- Cần tiến hành giám định bổ sung, giám định lại.

- Cần định giá tài sản, định giá lại tài sản.

- Phải thay đổi kiểm sát viên.

- Phải thay đổi thẩm phán, hội thẩm.

- Không có thẩm phán, hội thẩm dự khuyết để thay thế hoặc phải thay đổi chủ tọa phiên tòa mà không có thẩm phán để thay thế.

- Kiểm sát viên bị thay đổi hoặc không thể tiếp tục thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử mà không có kiểm sát viên dự khuyết để thay thế.

- Bị cáo vắng mặt vì lý do bất khả kháng hoặc do trở ngại khách quan.

- Người bào chữa vắng mặt lần thứ nhất vì lý do bất khả kháng hoặc do trở ngại khách quan, trừ trường hợp bị cáo đồng ý xét xử vắng mặt người bào chữa; trường hợp chỉ định người bào chữa mà người bào chữa vắng mặt, trừ trường hợp bị cáo hoặc người đại diện của bị cáo đồng ý xét xử vắng mặt người bào chữa.

- Người phiên dịch, người dịch thuật vắng mặt mà không có người khác thay thế.

- Hội đồng xét xử có thể căn cứ vào từng trường hợp cụ thể để hoãn phiên tòa nếu các thành phần sau đây vắng mặt: bị hại, đương sự hoặc người đại diện của họ; người làm chứng về những vấn đề quan trọng của vụ án; người giám định, người định giá tài sản.

 

Thành Luân

Theo Báo Đất Việt