Vì sao lãnh đạo Sovico đăng ký mua cổ phiếu HDBank?

Nếu ông Dũng mua 15,3 triệu cổ phiếu HDBank thành công sẽ nâng tỷ lệ sở hữu của lãnh đạo Sovico Group tại ngân hàng này lên đáng kể.

Sovico, Phú Long và HDBank?

Theo Sở Giao dịch Chứng khoán TPHCM (HOSE), ông Phạm Khắc Dũng - Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Sovico (Sovico Group) vừa đăng ký mua hơn 15,3 triệu cổ phiếu HDB của Ngân hàng TMCP Phát triển TPHCM (HDBank, MCK: HDB) nhằm mục đích đầu tư.

Giao dịch dự kiến diễn ra từ ngày 30/12/2020 đến ngày 28/1/2021, theo phương thức thỏa thuận.

Cũng trong khoảng thời gian ông Dũng đăng ký mua vào, Công ty CP Địa ốc Phú Long - công ty con của Sovico Group cũng đăng ký bán hơn 15,3 triệu cổ phiếu HDB với phương thức giao dịch thỏa thuận.

Địa ốc Phú Long cho biết mục đích giao dịch là nhằm chuyển dịch danh mục đầu tư trong nội bộ và tập đoàn.

Vì sao lãnh đạo Sovico đăng ký mua cổ phiếu HDBank? - Ảnh 1
Lãnh đạo Sovico đang muốn đầu tư nhiều hơn vào HDBank.

Nếu giao dịch hoàn tất, tỉ lệ sở hữu của ông Dũng tại HDBank sẽ tăng lên 0,95% trong khi của Địa ốc Phú Long sẽ giảm xuống còn 0,26%.

Trước khi đăng ký mua cổ phiếu HDBank, ông Dũng không sở hữu bất kỳ cổ phiếu nào tại ngân hàng này.

Tuy nhiên, Sovico Group nơi ông Dũng làm lãnh đạo đang sở hữu 232 triệu cổ phiếu HDB, tương đương 14,45% vốn điều lệ HDBank.

Một thông tin đáng lưu ý là bà Nguyễn Thị Phương Thảo hiện đang là Chủ tịch HĐQT Sovico Group nhưng tính đến ngày 27/11/2020, người phụ nữ này đang sở hữu 3,76% tỷ lệ sở hữu ở HDBank với 59,9 triệu cổ phiếu HDB.

Với tỷ lệ sở hữu riêng này, bà Thảo đồng thời cũng đang là Phó Chủ tịch Thường trực HDBank.

Bà Thảo cũng được biết đến là người góp công trong việc thành lập ra Địa ốc Phú Long để tham gia vào thị trường bất động sản, hiện nữ đại gia này cũng đang nắm giữ một lượng lớn cổ phần tại Địa ốc Phú Long.

Loạt đại gia rời ghế nóng, tránh sở hữu chéo

Trước đó, vào cuối năm 2017, Quốc hội thông qua Luật các tổ chức tín dụng sửa đổi, bổ sung, trong đó có nhiều điều khoản, quy định nhằm hạn chế sở hữu chéo.

Theo đó, từ ngày 15/1/2018, quy định của Luật sửa đổi, Tổng giám đốc (Giám đốc), Phó Tổng giám đốc (Phó giám đốc) và các chức danh tương đương của tổ chức tín dụng không được đồng thời là thành viên Hội đồng quản trị, thành viên Hội đồng thành viên, thành viên Ban kiểm soát của tổ chức tín dụng, trừ trường hợp tổ chức đó là công ty con của tổ chức tin dụng.

Phó Tổng giám đốc (Phó giám đốc) và các chức danh tương đương của tổ chức tín dụng không được đồng thời là Tổng giám đốc (Giám đốc), Phó Tổng giám đốc (Phó giám đốc) hoặc các chức danh tương đương của doanh nghiệp khác.

Chủ tịch Hội đồng quản trị, Chủ tịch Hội đồng thành viên, Tổng giám đốc (Giám đốc) của tổ chức tín dụng không được đồng thời là Chủ tịch Hội đồng quản trị, thành viên Hội đồng quản trị, Chủ tịch Hội đồng thành viên, thành viên Hội đồng thành viên, Chủ tịch công ty, Tổng giám đốc (Giám đốc), Phó Tổng giám đốc (Phó giám đốc) hoặc các chức danh tương đương của doanh nghiệp khác.

Sau khi Luật này có hiệu lực, nhiều đại gia của Việt Nam đã thực hiện nghiêm. Đơn cử như trường hợp ông Đỗ Quang Hiển từng vừa làm Chủ tịch Ngân hàng SHB đồng thời cũng là Chủ tịch của Tập đoàn T&T đã quyết định lựa chọn thôi chức ở Tập đoàn T&T để giữ lại "ghế nóng" ở ngân hàng SHB.

Thời điểm đó, ông Hiển cho biết, thực tế nhiều năm qua dù giữ chức danh chủ tịch hay tổng giám đốc T&T ông thường điều hành gián tiếp nhiều hơn là trực tiếp đến ngồi ở tập đoàn.

Trong khi đó, ông Dương Công Minh cũng lựa chọn rời chức Chủ tịch HĐQT Công ty CP Him Lam để giữ vị trí Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Sacombank.

Ngọc Phan

Theo Báo Đất Việt