Vì sao Thanh tra Chính phủ kiến nghị tạm dừng cấp phép dự án condotel?
Thanh tra Chính phủ đề xuất tạm dừng cấp phép dự án condotel cho đến khi hệ thống pháp luật được hoàn thiện theo các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và tiếp tục thực hiện việc hoàn thiện hệ thống pháp luật.
Đề xuất tạm dừng cấp phép dự án condotel
Thanh tra Chính phủ (TTCP) vừa có văn bản số 1919/TB-TTCP ngày 4/11/2020 thông báo kết luận thanh tra về việc chuyển đổi nhà đất công có vị trí đắc địa sang mục đích khác tại một số dự án ở tỉnh Khánh Hoà. Cũng tại văn bản này, TTCP đã kiến nghị giải pháp về loại hình biệt thự du lịch, biệt thự nghỉ dưỡng, căn hộ nghỉ dưỡng "đất ở không hình thành đơn vị ở" (condotel).
Theo Thanh tra Chính phủ, từ thực tiễn thời gian qua quá trình thực hiện đầu tư, xây dựng loại hình condotel đã phát sinh một số bất cập, vướng mắc, chủ yếu là do pháp luật hiện hành chưa có quy định về loại đất ở không hình thành đơn vị ở trong khu du lịch nên tiềm ẩn nguy cơ tranh chấp, khiếu kiện trên diện rộng về thời hạn sở hữu tài sản và quyền sử dụng đất đối với nhà đầu tư thứ cấp đã nhận chuyển nhượng; cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu tài sản và quyền sử dụng đất; thực hiện quyền cư trú...
Từ những vấn đề trên, TTCP cho rằng, việc này liên quan đến nhiều lĩnh vực do các luật khác nhau điều chỉnh như Luật Đất đai, Luật Đầu tư, Luật Quy hoạch, Luật Xây dựng, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Du lịch, Luật Cư trú... nên cần thiết phải được nghiên cứu để có giải pháp đồng bộ.
TTCP kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành trung ương và các địa phương xử lý tình trạng đầu tư, xây dựng và chuyển nhượng quyền sử dụng đất đối với loại hình condotel tại Khánh Hòa và nhiều địa phương khác.
Bên cạnh đó, TTCP đề xuất tạm dừng cấp phép dự án condotel cho đến khi hệ thống pháp luật được hoàn thiện theo các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và tiếp tục thực hiện việc hoàn thiện hệ thống pháp luật. Giao Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan nghiên cứu, đề xuất với Thủ tướng Chính phủ giải quyết cụ thể vấn đề condotel trên toàn quốc.
Theo số liệu từ Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, cả nước hiện có khoảng 82.900 căn hộ du lịch, 28.100 biệt thự du lịch, 15.660 nhà phố du lịch. Các dự án căn hộ du lịch (condotel) tập trung chủ yếu tại những địa phương có thế mạnh du lịch như Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Thanh Hóa, Bình Định, Khánh Hòa, Bình Thuận, Kiên Giang, Quảng Ninh, Bà Rịa - Vũng Tàu... với tổng nguồn vốn đầu tư vào các dự án ước khoảng 100.000 tỷ đồng.
Do vậy, việc tháo gỡ những vướng mắc liên quan đến condotel được coi là giải pháp rất cần thiết, điều này sẽ giúp khơi thông dòng vốn đầu tư đang bị tắc nghẽn.
Cần xác định rõ ràng quyền sở hữu tài sản
Cũng liên quan đến những vấn đề nảy sinh từ các dự án condotel, Cục Cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương) đã đưa ra trong thông báo khuyến cáo chủ đầu tư và khách hàng về việc chấp hành pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Cục này khẳng định, các khách hàng mua căn hộ condotel không phải là người tiêu dùng và không thuộc đối tượng áp dụng của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Các tranh chấp phát sinh từ giao dịch này được giải quyết theo quy định của pháp luật dân sự. Như vậy, khách hàng mua condotel sẽ không được cơ quan bảo vệ người tiêu dùng bảo vệ quyền lợi.
Trước đó, Cục Cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng nhận được nhiều đơn thư khiếu nại, tố cáo của khách hàng mua căn hộ condotel trên cả nước. Theo phản ảnh của khách hàng và căn cứ theo điều khoản của các hợp đồng mua bán căn hộ condotel, Cục Cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng cho rằng mục đích của việc ký kết hợp đồng mua bán căn hộ condotel là đưa căn hộ tham gia vào chương trình cho thuê nhằm mục đích sinh lời thông qua việc ký hợp đồng hợp tác cho thuê căn hộ với bên bán, không phải nhằm mục đích sinh hoạt, tiêu dùng.
Theo luật sư Trần Đức Phượng (Đoàn Luật sư TP. HCM), nói vỡ cam kết lợi nhuận condotel thì hiểu đúng là có nhiều dạng. Tại một số thị trường như Đà Nẵng, Nha Trang thì các condotel sau khi xây xong (không được cấp sổ), người mua tự quản lý, tự cho thuê hoặc cho người khác tự vận hành cho thuê (theo kiểu cá nhân hay núp công ty) rồi đăng ký để có khách qua các kênh khai thác cho thuê… cũng được xem như “vỡ trận”.
Bàn luận về tính pháp lý của các dự án condotel, luật sư Trần Đức Phượng cho rằng, việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ổn định lâu dài cho người mua chỉ có mục đích khiến giao dịch condotel trở nên hợp pháp, không bị vô hiệu và tạo sức hút cho chủ đầu tư trong việc huy động vốn từ người mua để xây dựng công trình (hay để thu lợi nhuận ngay từ hoạt động xây dựng). Ngược lại, khi công trình hoàn thành thì quyền sở hữu của người mua gần như bị tước bỏ.
Chủ đầu tư với tư cách nhà quản lý bất động sản được độc quyền trong việc khai thác sử dụng, đồng thời còn thu thêm lợi nhuận từ phần việc quản lý. Kéo theo đó, hàng loạt vấn đề về quyền sở hữu và quyền sử dụng được đặt ra. Nếu chủ đầu tư dự án có năng lực yếu kém, liệu người mua có quyền thay nhà quản lý khác? Và nếu như thế thì phần sử dụng chung như đường giao thông, chỗ đậu xe… sẽ thuộc về ai?
Ở góc độ pháp lý, quyền sở hữu theo pháp luật dân sự gồm: Quyền chiếm hữu, quyền sử dụng và quyền định đoạt tài sản của chủ sở hữu. Tuy vậy, condotel ra đời với quyền sở hữu bị khiếm khuyết. Trên giấy tờ, người mua được sở hữu nhưng thực tế lại bị tước hoặc hạn chế quyền chiếm hữu, quyền sử dụng.
“Nhìn chung bất động sản nghỉ dưỡng ở một dạng nào hợp lý thì vẫn nên ủng hộ, nhưng phải trên cơ sở quyền sở hữu tài sản rõ ràng. Nhu cầu của thị trường hiện nay đối với các loại hình bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng rất lớn và là kênh đầu tư với lợi nhuận hấp dẫn. Do đó, cần xây dựng và phát triển đúng mô hình để loại hình này phát triển bền vững”, luật sư Phượng bày tỏ quan điểm./.