Condotel tiếp tục hứng một gáo nước lạnh, thị trường sẽ đi về đâu?
Thị trường condotel vốn đang trông chờ vào sự phục hồi của ngành du lịch để có thể khởi sắc sau dịch Covid-19. Song việc Bộ Xây dựng vừa có quyết định siết chặt cấp phép một lần nữa đẩy thị trường này lâm vào cảnh khó.
Theo ghi nhận của Bộ Xây dựng, tại một số đồ án quy hoạch xây dựng chưa tính toán cụ thể về dân số của loại hình bất động sản căn hộ du lịch (condotel), văn phòng kết hợp lưu trú (officetel), biệt thự nghỉ dưỡng (resort villa), nhà phố thương mại (shophouse)… Hiện tại, nhiều chủ sở hữu, chủ sử dụng vận hành bất động sản tạo ra nhiều bất cập, vướng mắc.
Thực tế, quy định pháp lý ràng buộc trong quan hệ hợp đồng giữa các nhà đầu tư ban đầu và thứ cấp còn thiếu. Các địa phương còn lúng túng trong việc cấp giấy tờ sở hữu condotel, officetel, shophouse... Cũng theo bộ này, khi thị trường khó khăn, một số chủ đầu tư xin chuyển đổi condotel, officetel sang căn hộ tạo thành áp lực lên hệ thống hạ tầng của khu vực.
Theo đề nghị mới của Bộ Xây dựng, các địa phương sẽ quản chặt những mô hình bất động sản kể trên. Trước khi Bộ Xây dựng đưa ra quyết định này, nhiều địa phương đã ngừng cấp phép hoặc thắt chặt quản lý các mô hình bất động sản này.
Trước đó, UBND TP. Hà Nội cũng đã yêu cầu các đơn vị quản lý chặt hoạt động từ cấp phép mới, chuyển đổi công năng, xây dựng... đến khai thác, kinh doanh hình thức condotel, officetel.
Trước thông tin này, ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cho rằng: “Thời gian qua, việc đổ tiền quá nhiều vào condotel, số lượng condotel lớn sẽ dẫn tới tình trạng bội thực, cạnh tranh. Chủ đầu tư đã thu tiền một cụm, bản thân khách hàng cũng phải bỏ tiền vào đó một phần, phần khác là tín dụng ngân hàng. Đến khi chủ đầu tư “thất thủ”, nói không thể trả tiền được, ngân hàng siết tài sản này thì khách hàng có thể mất trắng. Ngân hàng ôm vào "một mớ" condotel không bán được cho ai. Vụ đổ vỡ Cocobay chính là một minh chứng”.
Theo ông Đính, thời gian qua, những biện pháp siết chặt của cơ quan quản lý và các địa phương với thị trường bất động sản, trong đó có siết chặt quản lý condotel đã góp phần tạo động lực giúp các doanh nghiệp chủ động hơn trong bài toán tài chính, đồng thời cơ cấu lại các sản phẩm sao cho phù hợp hơn với thị hiếu của thị trường, loại bỏ các chủ đầu tư làm ăn chụp giật.
Ông Đính nhận định: “Thực tế có rất nhiều dự án condotel tiềm năng, hứa hẹn trở thành địa chỉ thu hút du khách, nâng tầm đẳng cấp du lịch địa phương, nhưng cũng có không ít những dự án chậm tiến độ, pháp lý không đầy đủ, gây thiệt hại cho nhà đầu tư thứ cấp. Đã đến lúc cần thanh lọc thị trường, những dự án có chủ đầu tư uy tín, đơn vị vận hành chuyên nghiệp cần được ưu tiên phát triển, còn những dự án chậm tiến độ, kém hiệu quả cần rà soát lại”.
Tuy nhiên, vị chuyên gia cũng cho rằng, các nhà đầu tư thông thái vẫn có thể đầu tư hiệu quả vào bất động sản nghỉ dưỡng ở những nơi đảm bảo pháp lý, khả năng kinh doanh tốt, được quản lý bởi các thương hiệu uy tín, kinh nghiệm. Bởi có những dự án bất động sản nghỉ dưỡng không bao giờ có thể lấp đầy được 30 - 40%, nhưng có những dự án tỷ lệ lấp đầy luôn đạt 90% quanh năm
Dự báo tương lai, ông Đính cho rằng, do phải chịu cú sốc dịch bệnh Covid-19 liên tiếp 2 lần nên năm nay sẽ là năm tiếp tục khó khăn đối với phân khúc condotel. Tuy nhiên, nhìn về dài hạn, bất động sản nghỉ dưỡng vẫn có tiềm năng, khả năng lấp đầy của ngành du lịch đang rất khả thi, việc chào bán hay cho thuê lại nhiều dự án condotel vẫn lạc quan.
Đa số người trong ngành đều tin rằng, không nên “vơ đũa cả nắm” để đánh đồng condotel là loại hình bất động sản không đáng tin vì trên thực tế, mô hình condotel được nhiều nước thực hiện rất thành công. Hơn nữa, thị trường du lịch Việt Nam tăng trưởng nhanh trong thời gian qua và hứa hẹn tăng tốc trong thời gian tới rất cần sản phẩm condotel.
Ông Võ Huỳnh Tuấn Kiệt, chuyên gia tại CBRE Việt Nam cũng chia sẻ, trong bối cảnh hiện nay, nhà đầu tư chọn đầu tư phân khúc condotel cần xem xét kỹ về tính khả thi, mức độ lấp đầy, năng lực khai thác condotel có hiệu quả không. Bên cạnh nghiên cứu về tiềm lực tài chính, sự uy tín của chủ đầu tư, nhà đầu tư cũng cần hiểu rõ về pháp lý và thận trọng trước tâm lý đầu tư đám đông để tránh bị các chủ đầu tư lợi dụng, tạo ra những sản phẩm ảo...
Chuyên gia CBRE cho rằng, thị trường condotel gặp khó khăn liên quan nhiều đến khung pháp lý cũng như tùy thuộc nhiều vào từng chủ đầu tư, từng dự án. Đây là vấn đề không riêng của condotel mà bất kỳ thị trường nào cũng đang phải đối mặt. Do đó, khách hàng cần phải sáng suốt khi lựa chọn chủ đầu tư. Cơ quan quản lý cũng cần có khuyến cáo để nhà đầu tư tránh xa những chủ đầu tư không uy tín.
Theo Anh Vũ/ Reatimes
Link nguồn: https://reatimes.vn/condotel-tiep-tuc-hung-mot-gao-nuoc-lanh-thi-truong-se-di-ve-dau-1599815788639.html