Vì sao Trương Mỹ Lan đóng gói 147,5 tỷ/thùng sau khi rút tiền khỏi SCB?

Trương Mỹ Lan khai có nợ khi mua dự án, nợ bạn bè. Khi nhận nợ, bà nhận tiền USD nên khi trả phải quy từ tiền Việt sang tiền USD, nên việc đóng thùng 147,5 tỷ đồng để thuận tiện quy đổi tương đương 6 triệu USD.

Bị cáo Trương Mỹ Lan tại tòa TP. HCM ngày 6/3 (ảnh BTC)
Bị cáo Trương Mỹ Lan tại tòa TP. HCM ngày 6/3 (ảnh BTC)

Cuối phiên tòa ngày 6/3, đại diện Viện kiểm sát (VKS) đã hoàn tất việc công bố cáo trạng liên quan hành vi phạm tội của các bị cáo trong vụ án Trương Mỹ Lan và đồng phạm. Đáng chú, bị cáo Trương Mỹ Lan - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vạn Thịnh Phát đã cho thấy các hành vi khó tin về việc chiếm đoạt tiền của mình và đồng phạm.

Đường đi nghìn tỷ tiền mặt

Để hợp thức việc rút tiền, Trương Mỹ Lan chỉ đạo Nguyễn Phương Anh (cựu Phó Tổng Giám đốc Công ty Sài Gòn Peninsula), Hồ Bửu Phương (cựu Phó tổng giám đốc Tập đoàn VTP), Đặng Phương Hoài Tâm (cựu Trưởng Văn phòng hội đồng quản trị VTP), Phan Chí Luân (Văn phòng hội đồng quản trị VTP) lập hợp đồng hứa chuyển nhượng cổ phần khống để có thể sử dụng tiền mà không bị các cơ quan chức năng kiểm tra, đồng thời tránh việc nộp thuế.

Trương Mỹ Lan và đồng phạm phối hợp với Nguyễn Phương Hồng, Trương Khánh Hoàng, Trần Thị Mỹ Dung và nhân viên SCB cho các cá nhân được thuê đứng tên người thụ hưởng khoản vay, đứng tên cổ phần… đến ngân hàng ký chứng từ rút, nộp tiền.

Khi cần tiền để sử dụng, Trương Mỹ Lan yêu cầu lãnh đạo SCB chỉ đạo một số chi nhánh lớn của ngân hàng này cho nhận tiền mặt trực tiếp, hoặc chuyển khoản vào các tài khoản của các công ty ma, cá nhân trong nhóm.

Việc rút tiền mặt được thực hiện chủ yếu ở SCB Chi nhánh Sài Gòn.

Theo đó, sau khi tiền mặt được xuất khỏi quỹ sẽ được giao cho Bùi Văn Dũng (lái xe của bà Lan) để chở về nhà cho bà Lan tại tòa nhà Sherwood (quận 3, TP.HCM), rồi giao lại cho Trần Thị Hoàng Uyên (trợ lý của bà Lan).

Sau đó, Uyên sẽ chuyển khoản hoặc giao tiền mặt cho các cá nhân theo chỉ đạo của bà Trương Mỹ Lan.

Sau khi tiền mặt được xuất khỏi quỹ sẽ được giao cho Bùi Văn Dũng (lái xe của Trương Mỹ Lan) để chở về nhà cho bà này tại tòa nhà Sherwood (quận 3, TPHCM). Tài xế sẽ giao lại cho Trần Thị Hoàng Uyên (trợ lý của Trương Mỹ Lan). Tiếp đó, Uyên sẽ chuyển khoản hoặc giao tiền mặt cho các cá nhân theo chỉ đạo của Trương Mỹ Lan. Đại diện VKS cho biết, sau đó, Uyên sẽ thực hiện theo chỉ đạo của Trương Mỹ Lan, xử lý số tiền.

Vì sao đóng các thùng tiền 147,5 tỷ?

Với khoản tiền từ vài chục tỷ đồng đến 100 tỷ đồng, Trương Mỹ Lan sẽ thông báo người đến nhận, đưa số điện thoại cho Uyên liên lạc hoặc biển số xe của người đến nhận. Sau khi liên lạc, Uyên sẽ giao đúng số tiền.

Nếu số tiền lớn, Dũng chở về mà không giao ngay thì sẽ chia thành một khoản 147,5 tỷ đồng (có khi nhiều hơn hoặc ít hơn), sau đó đóng thùng. Hôm sau, tài xế của con gái Trương Mỹ Lan chở đi giao theo yêu cầu của bà.

Trương Mỹ Lan khai có nợ khi mua dự án, nợ bạn bè. Khi nhận nợ, bà nhận tiền USD nên khi trả phải quy từ tiền Việt sang tiền USD, nên việc đóng thùng 147,5 tỷ đồng (tương đương 6 triệu USD).

Cơ quan điều tra xác định từ ngày 26/2/2019 đến ngày 12/9/2022, theo chỉ đạo của Trương Mỹ Lan, Dũng đã chở từ SCB về nhà bà hoặc giao, đưa cho một số cá nhân là khoảng 108.800 tỷ đồng và hơn 14,7 triệu USD.

Khi chưa cần sử dụng ngay tiền mặt, Trương Mỹ Lan chỉ đạo các đồng phạm sử dụng các pháp nhân hoặc cá nhân mở tài khoản tại SCB để nhận tiền từ các công ty được giải ngân. Khi cần sử dụng sẽ lập ra các phương án chuyển tiền lòng vòng, chuyển đến các tài khoản theo mục đích sử dụng của bà Trương Mỹ Lan.

Nhiều bị cáo nộp tiền, tài sản để khắc phục hậu quả

Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao đề nghị áp dụng 9 tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cho các bị cáo.

Cụ thể, theo cơ quan công tố, trừ bị cáo Trương Mỹ Lan và 5 bị cáo đang bị truy nã (5 cựu cán bộ Ngân hàng SCB), 80 bị cáo còn lại trong vụ án đều ăn năn hối cải, thành khẩn khai nhận hành vi phạm tội trong quá trình điều tra, truy tố.

Các bị cáo được xác định đã phối hợp, tích cực hợp tác, giúp cơ quan tố tụng điều tra, làm rõ bản chất của vụ án là: Võ Tấn Hoàng Văn, Trương Khánh Hoàng, Trần Thị Mỹ Dung, Nguyễn Phương Anh, Trương Huệ Vân, Dương Tấn Trước, Trần Hoàng Giang, Từ Văn Tuấn, Cao Việt Dũng…

Các bị cáo đã tự nguyện hoặc tác động gia đình nộp tiền, tài sản để khắc phục hậu quả do hành vi phạm tội của bản thân gây ra. Trong đó, người nộp nhiều nhất là bị cáo Dương Tấn Trước (cựu Tổng Giám đốc Công ty Tường Việt) đã trả cho Ngân hàng SCB hơn 813 tỷ đồng, xin được nộp lại hơn 2.200 tỷ đồng đã nhận của bị cáo Trương Mỹ Lan, nộp khắc phục 52 tỷ đồng. Người nộp ít nhất là 2 triệu đồng.

Bị cáo Trương Huệ Vân, cháu gái của bị cáo Trương Mỹ Lan nộp 1 tỷ đồng và 3.000 USD.

Bị cáo Chu Lập Cơ (chồng bị cáo Trương Mỹ Lan) nộp 1 tỷ đồng.

Bị cáo Nguyễn Cao Trí (bị cáo buộc lừa đảo chiếm đoạt 1.000 tỷ đồng của bị cáo Trương Mỹ Lan) đã nộp hơn 657 tỷ đồng.

Bị cáo Đỗ Thị Nhàn đã nộp 4,8 triệu USD và 10 sổ tiết kiệm ngân hàng có tổng số tiền hơn 10 tỷ đồng.

Các tình tiết giảm nhẹ khác được đề nghị áp dụng là: các bị cáo có thành tích xuất sắc trong công tác; bị bệnh, sức khỏe yếu; nhân thân tốt, phạm tội lần đầu; tích cực tham gia các hoạt động từ thiện, phòng chống dịch, đóng góp cho cộng đồng...

Trần Lê

Theo VietnamFinance