Vị trí đặc biệt của SCB trong âm mưu chiếm đoạt trăm nghìn tỳ của Trương Mỹ Lan

Ngày 5/3, tại phiên tòa xét xử bà Trương Mỹ Lan cùng 85 bị cáo khác (5 bị cáo trốn truy nã) vì những sai phạm xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) và những đơn vị liên quan đã nhân vật cộm cán như vợ chồng Trương Mỹ Lan, Đỗ Cao Trí... đã có những khai đầu tiên.

Bị cáo Trương Mỹ Lan tại tòa (ảnh BTC)
Bị cáo Trương Mỹ Lan tại tòa (ảnh BTC)

Tại phần thủ tục, thư ký phiên toà cho biết có 79/86 bị cáo có mặt tại toà. Trong đó, có 5 bị cáo là các cựu cán bộ Ngân hàng SCB đang bị truy nã bị xét xử vắng mặt. 2 bị cáo được tại ngoại không đến toà (1 bị cáo đang nuôi con nhỏ dưới 36 tháng tuổi).

Trong phần kiểm tra lý lịch, Bà Trương Mỹ Lan khai sinh ra tại TP.HCM, cha mẹ đã mất. Bà có chồng là ông Chu Lập Cơ (bị cáo khác trong vụ án) và hai con (đã thành niên). Tại toà, ông Chu Lập Cơ được cần thông dịch viên. Cả hai đều cho biết hiện sức khoẻ tốt, tinh thần ổn định, khai báo lý lịch rành mạch.

Hai bị hại (do Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao xác định) là đại diện Ngân hàng SCB và Trương Mỹ Lan (Chủ tịch Công ty Cổ phần Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) có mặt tại toà.

Trong đó, Ngân hàng SCB là bị hại liên quan hành vi tham ô tài sản của các bị cáo trong đó có bị cáo Trương Mỹ Lan. 

Bà Trương Mỹ Lan là bị hại liên quan hành vi lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản do Nguyễn Cao Trí (Chủ tịch tập đoàn Capella) thực hiện.

Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao xác định bị cáo Nguyễn Cao Trí lợi dụng việc bà Trương Mỹ Lan bị bắt đã có thủ đoạn gian dối, chỉ đạo nhân viên lập, hoàn thiện hồ sơ thanh lý hợp đồng chuyển nhượng, thanh lý hợp đồng ủy thác đầu tư để xoá bỏ nghĩa vụ nợ, nhằm chiếm đoạt số tiền 1.000 tỷ đồng đã nhận của bà Trương Mỹ Lan.

Hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát

Theo cáo trạng của Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao, quá trình hoạt động, Tập đoàn VTP đã xây dựng hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát với hơn 1.000 doanh nghiệp gồm các công ty con, công ty thành viên trong và ngoài nước, được chia thành nhiều tầng lớp, với hàng trăm cá nhân được thuê đứng tên đại diện pháp luật.

Tập đoàn VTP giữ vai trò trung tâm, nắm giữ cổ phần, kiểm soát toàn bộ hoạt động của các công ty trong hệ sinh thái và thường không tham gia trực tiếp vào hoạt động kinh doanh.

Hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát được chia làm 4 nhóm chính có quan hệ chặt chẽ với nhau.

Một là nhóm định chế tài chính Việt Nam gồm SCB, Công ty Chứng khoán Tân Việt, Công ty Cổ phần đầu tư tài chính Việt Vĩnh Phú.

Hai là nhóm công ty có hoạt động kinh doanh tại Việt Nam phần lớn hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản, nhà hàng, khách sạn… đều là các công ty có vốn điều lệ lớn, nắm cổ phần chi phối các công ty con, công ty thành viên…

Ba là nhóm các công ty được gọi là công ty ma tại Việt Nam, được thành lập để lấy pháp nhân góp vốn đầu tư vào các dự án, vay vốn ngân hàng, thực hiện việc đảo nợ hoặc ký hợp đồng hợp tác, thi công… như nhóm Công ty Tường Việt do Dương Tấn Trước làm tổng giám đốc.

Bốn là mạng lưới công ty tại nước ngoài có nhiệm vụ quản lý vốn, tài sản của gia đình Trương Mỹ Lan tại nước ngoài.

Về mặt pháp lý, SCB và các Công ty thuộc hệ sinh thái VTP hạch toán tài chính kế toán, kê khai báo cáo thuế độc lập, nhưng về bản chất các pháp nhân này được Trương Mỹ Lan thành lập mới hoặc mua lại cổ phần, vốn góp của các công ty khác, chỉ định người thân quen hoặc thuê các cá nhân khác đứng tên hộ.

Do vậy, các pháp nhân đều thuộc sở hữu và chịu sự điều hành của Trương Mỹ Lan.

Con đường thâu tóm SCB

Trong các nhóm trên, SCB có vai trò đặc biệt quan trọng, được sử dụng như một công cụ tài chính để cấp vốn cho các công ty trong hệ sinh thái.

Theo đại diện Viện Kiểm sát công bố, Trương Mỹ Lan đã tìm cách thâu tóm, chi phối, điều hành toàn bộ các hoạt động của SCB trong đó có hoạt động cho vay.

Do đó, từ trước thời điểm hợp nhất, Trương Mỹ Lan đã sở hữu phần lớn cổ phần của 03 ngân hàng. Sau khi hợp nhất, Trương Mỹ Lan tiếp tục nhờ 73 cổ đông đứng tên sở hữu 85,606% cổ phần của SCB, đồng thời tiếp tục mua và sử dụng cá nhân đứng tên Cổ phần SCB để tăng tỷ lệ sở hữu cổ phần tại ngân hàng này lên 91,545% vào ngày 1/1/2018.

Tính đến tháng 10/2022, Trương Mỹ Lan đã sở hữu, chi phối 1.394.253.393 cổ phần SCB, chiếm 91,536% vốn điều lệ, do 27 pháp nhân (trong và ngoài nước), cá nhân đứng tên giúp; trong đó Trương Mỹ Lan trực tiếp đứng tên sở hữu 75.888.800 cổ phần, chiếm 4,982% vốn điều lệ.

Trương Mỹ Lan đã tuyển chọn, đưa các cá nhân thân tín, có trình độ trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, nghe theo chỉ đạo của Lan vào các vị trí lãnh đạo chủ chốt tại SCB (Hội đồng quản trị, Ban Tổng giám đốc, Giám đốc các Chi nhánh lớn, Trưởng Ban kiểm soát), trả mức lương cao từ 200 đến 500 triệu đồng/tháng; tặng, thưởng tiền, cổ phần SCB, để thông qua các cá nhân này điều hành toàn bộ hoạt động của SCB.

Có thể kể đến các các nhân như Nguyễn Thị Thu Sương, Đinh Văn Thành, Bùi Anh Dũng, Tạ Chiêu Trung, Trầm Thích Tồn, Võ Tấn Hoàng Văn, Nguyễn Phương Hồng, Trương Khánh Hoàng, Trần Thị Mỹ Dung, …

Bằng cách thâu tóm, nắm giữ cổ phần, chi phối, điều hành hoạt động ngân hàng thông qua các đối tượng chủ chốt, Trương Mỹ Lan đã sử dụng SCB như một công cụ tài chính, huy động tiền gửi và vốn từ các nguồn khác, sau đó chỉ đạo rút tiền bằng cách tạo lập các khoản vay khống, phục vụ cho mục đích cá nhân.

Mỗi khi cần rút tiền của SCB, Trương Mỹ Lan chỉ đạo Nguyễn Phương Hồng, Trương Khánh Hoàng, Trần Thị Mỹ Dung (SCB) phối hợp, câu kết với Nguyễn Ngọc Dương, Nguyễn Phương Anh tạo lập hồ sơ, phương án vay vốn khống để hợp thức; đưa các cá nhân được thuê/nhờ đứng tên khoản vay, đứng tên tài sản, đại diện công ty ma đến ký vào hồ sơ vay vốn khống, hồ sơ thế chấp, hầu hết là ký vào các tờ giấy trắng đã được đánh dấu sẵn vị trí cần ký.

Các đại diện pháp nhân và cá nhân đứng tên khoản vay đều không được thụ hưởng và sử dụng tiền, không biết mình vay và nợ SCB số tiền đặc biệt lớn; những người đứng tên tài sản đều xác nhận không phải tài sản của họ.

Kết quả điều tra xác định, có 875 khách hàng gồm 440 cá nhân, 435 pháp nhân đứng tên 1.284 khoản vay, được Trương Mỹ Lan chỉ đạo nhóm đối tượng tại Tập đoàn VTP thành lập, thuê hoặc nhờ người đứng tên.

Trần Lê

Theo VietnamFinance