Viễn cảnh mờ mịt của Rạng Đông Holding

Rạng Đông Holding liên tục bị HoSE nhắc nhở chậm nộp báo cáo tài chính, cảnh báo nguy cơ bị xử lý nặng hơn. Doanh nghiệp rơi vào khủng hoảng nghiêm trọng sau khi thua kiện Tập đoàn Sojitz.

Liên tục bị "tuýt còi"

Tuần qua, Sở Giao dịch Chứng khoán TP. Hồ Chí Minh (HoSE) tiếp tục có công văn nhắc nhở Công ty CP Rạng Đông Holding (HoSE: RDP) về việc chậm nộp báo cáo tình hình quản trị năm 2024 và báo cáo tài chính quý IV/2024 (công ty mẹ và hợp nhất). Đây đã là lần thứ hai doanh nghiệp bị nhắc nhở về việc trễ hạn nộp đối với hai loại báo cáo này, sau văn bản đưa ra ngày 5/2.

Đáng chú ý, trong cả hai lần nhắc nhở, HoSE đều chỉ ra rằng Rạng Đông Holding còn trễ hạn nộp đối với hai loại báo cáo khác là báo cáo tài chính soát xét bán niên năm 2024 và báo cáo tài chính quý III/2024 (công ty mẹ và hợp nhất).

Việc liên tục vi phạm quy định về công bố thông tin đã khiến cổ phiếu RDP bị đưa vào diện hạn chế giao dịch từ ngày 24/10/2024 và sau đó bị đình chỉ giao dịch từ ngày 28/11/2024.

HoSE cảnh báo, nếu tiếp tục chậm nộp các báo cáo nói trên, doanh nghiệp sẽ bị xử lý vi phạm ở mức độ cao hơn theo quy định hiện hành.

Cổ phiếu RDP cắm đầu lao dốc trong năm 2024
Cổ phiếu RDP cắm đầu lao dốc trong năm 2024

Trước đó, Rạng Đông Holding đã giải trình rằng việc chậm công bố báo cáo tài chính soát xét bán niên 2024 là do chưa thống nhất được với tổ chức kiểm toán. Ngoài ra, doanh nghiệp cũng đang gặp khó khăn về nhân sự kế toán, dẫn đến trì hoãn việc hoàn tất báo cáo tài chính quý III/2024.

Đáng nói, cách đây không lâu, Rạng Đông Holding đã bị Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) xử phạt hành chính 242,5 triệu đồng vì vi phạm hàng loạt quy định về công bố thông tin.

Cụ thể, doanh nghiệp bị áp dụng mức phạt 92,5 triệu đồng đối với hành vi không công bố báo cáo tài chính bán niên soát xét năm 2024 trên hệ thống của UBCKNN, website của HoSE và công bố thông tin không đúng thời hạn đối với báo cáo tài chính riêng và hợp nhất kiểm toán năm 2023, báo cáo thường niên năm 2023 và giải trình ý kiến kiểm toán đối với báo cáo tài chính năm 2023.

Rạng Đông Holding cũng bị phạt thêm 150 triệu đồng do công bố thông tin sai lệch về chỉ tiêu lợi nhuận sau thuế năm 2023. Cụ thể, trong báo cáo tài chính quý IV/2023 tự lập, công ty báo lãi sau thuế cả năm 2023 là 17,3 tỷ đồng (báo cáo riêng) và 26 tỷ đồng (báo cáo hợp nhất). Tuy nhiên, sau kiểm toán, khoản lãi nói trên đã “bốc hơi” hơn trăm tỷ đồng và chuyển thành lỗ 117,6 tỷ đồng (báo cáo riêng) và lỗ 146,7 tỷ đồng (báo cáo hợp nhất). Ngoài ra, doanh nghiệp cũng bị buộc phải hủy bỏ hoặc cải chính thông tin sai lệch theo quy định.

Bị yêu cầu mở thủ tục phá sản

Ngày 2/1/2025, Toà án Nhân dân TP. Hồ Chí Minh đã thông báo về việc thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản đối với Rạng Đông Holding. Yêu cầu được đưa ra bởi Công ty CP Rạng Đông Films – công ty con do Rạng Đông Holding nắm 97,75% vốn.

“Kèm theo đơn yêu cầu, người yêu cầu đã nộp các tài liệu, chứng cứ chứng minh đối với yêu cầu phá sản", thông báo từ tòa án cho hay.

Theo đó, trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được thông báo của tòa án, Rạng Đông Holding phải xuất trình các giấy tờ, tài liệu giải trình về nguyên nhân mất khả năng thanh toán, báo cáo biện pháp khắc phục nhưng không hiệu quả, cùng bảng kê tài sản, xác nhận số dư tài khoản ngân hàng, danh sách chủ nợ và con nợ, ghi rõ thông tin, địa chỉ và tình trạng nợ.

Tới ngày 24/1/2025, Tòa án đã thông báo chính thức về việc mở thủ tục phá sản. Ông Bùi Đắc Thiện, đại diện công ty Rạng Đông Holding, đã ký xác nhận văn bản. Quyết định thụ lý đơn yêu cầu phá sản đánh dấu giai đoạn khủng hoảng nghiêm trọng của Rạng Đông Holding.

Rạng Đông Holding đang lỗ sâu và nặng nợ
Rạng Đông Holding đang lỗ sâu và nặng nợ

Rạng Đông Holding, thành lập từ những năm đầu của thập niên 60 thế kỷ XX, cổ phần hoá năm 2005 với tên gọi Nhựa Rạng Đông, từng là một trong những biểu tượng của ngành nhựa. Giai đoạn trước năm 2023, ngoại trừ năm 2016, doanh nghiệp liên tục duy trì trạng thái làm ăn có lãi. Năm 2019, thời điểm chuyển sang mô hình holding và đầu tư thêm bất động sản, khu công nghiệp, Rạng Đông Holding thậm chí còn lập đỉnh lợi nhuận.

Năm 2023, khi bị xử thua trong vụ kiện cáo với Tập đoàn Sojitz (Nhật Bản), hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp bắt đầu xuống dốc.

Theo tìm hiểu, năm 2016, Rạng Đông Holding ký kết hợp tác thương mại toàn diện với Sojitz. Theo đó, Tập đoàn Nhật Bản cam kết cung cấp nguyên liệu, chuyển giao công nghệ, hệ thống quản lý và phát triển sản phẩm mới theo tiêu chuẩn Nhật Bản. Một năm sau, hai bên tiếp tục ký kết thỏa thuận cổ đông chiến lược, cho phép Sojitz mua 5 triệu cổ phần RDP với giá hơn 174 tỷ đồng.

Tuy nhiên, theo Sojitz, Rạng Đông Holding đã vi phạm một số nghĩa vụ liên quan đến điều kiện sau chuyển nhượng cổ phần. Do đó, Sojitz thực hiện quyền chấm dứt hợp đồng và yêu cầu hoàn trả 90% giá trị giao dịch, tương đương gần 157 tỷ đồng.

Tranh chấp kéo dài nhiều năm và được đưa ra tòa án phân xử. Cuối năm 2023, Rạng Đông Holding bị tuyên thua kiện, buộc phải hoàn trả Sojitz gần 157 tỷ đồng, kèm theo lãi suất 10%/năm và các chi phí pháp lý liên quan. Phán quyết này đã tác động tiêu cực đến tình hình tài chính của Rạng Đông Holding, góp phần đẩy doanh nghiệp vào khủng hoảng nghiêm trọng.

Năm 2023, doanh nghiệp báo lỗ 146,7 tỷ đồng dù doanh thu vẫn đạt trên 2.500 tỷ đồng. Trong nửa đầu năm 2024, công ty lỗ thêm 65 tỷ đồng, nâng lỗ lũy kế lên mức 266 tỷ đồng.

Không chỉ càng làm càng lỗ, Rạng Đông Holdings còn ngập trong nợ vay. Tại thời điểm cuối quý II/2024, khoản nợ phải trả của doanh nghiệp ghi nhận giá trị hơn 1.700 tỷ đồng, gấp 6 lần so với 279,3 tỷ đồng vốn chủ sở hữu. Xét về cơ cấu, nợ ngắn hạn chiếm gần 90%, tương ứng 1.500 tỷ đồng. Trong đó, các khoản vay ngắn hạn (chủ yếu là vay ngân hàng) chiếm tới hơn 1.000 tỷ đồng.

Đáng chú ý, tháng 7/2024, Rạng Đông Holding tạm ngừng hoạt động hai chi nhánh tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh nhưng không công bố lý do cụ thể.

Trên thị trường chứng khoán, thị giá RDP hiện chỉ còn 1.310 đồng/cổ phiếu, giảm đến 85% so với đầu năm 2024. Với diễn biến tiêu cực của giá cổ phiếu, Chủ tịch HĐQT Hồ Đức Lam liên tục bán giải chấp. Năm qua, lãnh đạo cao nhất của Rạng Đông Holding đã bị bán giải chấp 19,1 triệu cổ phiếu RDP, qua đó, tỷ lệ sở hữu giảm từ mức 45,04% còn 6,09% vốn điều lệ.

Hà Lê

Theo VietnamFinance