Vietcombank chào bán 543,1 triệu cổ phiếu cho nhà đầu tư chiến lược
Vietcombank chào bán 543,1 triệu cổ phiếu tăng vốn điều lệ nhằm nâng cao năng lực tài chính, cạnh tranh và phù hợp với chiến lược phát triển của Vietcombank.

Vietcombank vừa công bố Tài liệu Đại hội đồng cổ đông thường niên 2025 được tổ chức vào 26/4 tại Hà Nội. Một trong những tờ trình quan trọng của Vietcombank là chào bán cổ phiếu riêng lẻ để tăng vốn điều lệ.
Vietcombank cho rằng, Chiến lược phát triển ngành Ngân hàng và Đề án “Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025”, đã nêu rõ mục tiêu về vốn tự có thông qua tỷ lệ an toàn vốn: “Phấn đấu đến năm 2023, tỷ lệ an toàn vốn (CAR) của các ngân hàng thương mại đạt tối thiểu 10-11%; đến năm 2025 đạt tối thiểu 11-12%”.
Với vai trò là một trong những ngân hàng thương mại hàng đầu tại Việt Nam, Vietcombank hướng tới không chỉ đạt được mục tiêu nêu trên mà còn đáp ứng được yêu cầu vốn tối thiểu theo chuẩn mực Basel III. Do đó, việc bổ sung vốn điều lệ là cần thiết và có ý nghĩa quan trọng để nâng cao năng lực tài chính Vietcombank nhằm thực hiện 4 mục tiêu.
Thứ nhất, Tăng cường hệ số an toàn vốn để đáp ứng nhu cầu phát triển, chuẩn mực quốc tế cũng như tăng cường khả năng cạnh tranh so với các ngân hàng khác tại Việt Nam.
Thứ hai, Đảm bảo việc thực hiện một trong các giải pháp cơ cấu lại ngân hàng thương mại nhà nước.
Thứ ba, Đảm bảo đủ nguồn lực để phát huy vai trò chủ lực, chủ đạo về quy mô, thị phần, khả năng điều tiết thị trường, phát huy việc thực thi các chính sách của Nhà nước.
Thứ tư, Giúp đa dạng hóa cơ cấu sở hữu và nâng cao hình ảnh, vị thế của Vietcombank nói riêng và ngân hàng Việt Nam nói chung trên thị trường quốc tế.
Hiện nay, Vietcombank có vốn điều lệ 83.557 tỷ đồng, lớn nhất trong ngành ngân hàng Việt Nam. Theo tờ trình, Vietcombank sẽ chào bán riêng lẻ 543.100.000 cổ phiếu (tối đa 6,5% số lượng cổ phiếu đang lưu hành) để tăng vốn điều lệ lên 88.988 tỷ đồng.
Nguyên tắc xác định giá bán phải đảm bảo đồng thời 3 nguyên tắc: Không thấp hơn (1) Không thấp hơn giá trị sổ sách tại thời điểm gần nhất; (2) Giá xác định của tổ chức có chức năng thẩm định giá độc lập; (3) Giá bình quân số học của giá đóng cửa cổ phiếu VCB trong 10 ngày giao dịch liên tiếp liền kề trước ngày nhà đầu tư thông báo mua và giá đóng cửa phiên giao dịch trên thị trường tại thời điểm liền kề trước đó.
Vietcombank cho biết tiêu chí chọn nhà đầu tư là nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp. Đó là tổ chức (có thể bao gồm một hoặc một số cổ đông hiện hữu của Vietcombank); có tiềm lực tài chính và đáp ứng quy định hiện hành về nhà đầu tư khi tham gia mua cổ phần riêng lẻ của tổ chức tín dụng.
Trong trường hợp đối tác chiến lược Ngân hàng Mizuho (Nhật Bản) thực hiện mua cổ phiếu để tăng tỷ lệ lên đến 20%, Mizuho được quyền cử thêm 1 người vào HĐQT Vietcombank và đảm bảo số lượng thành viên HĐQT đại diện cho phần góp vốn của Mizuho tại ngân hàng không vượt quá 2 người. Vietcombank có thể thỏa thuận với Mizuho một số nội dung về hợp tác kinh doanh và hỗ trợ kỹ thuật.
Nếu nhà đầu tư nước ngoài khác Mizuho mua và nắm giữ từ 5% tổng số cổ phần của Vietcombank sau phát hành được quyền đề cử 1 người vào HĐQT Vietcombank.
Ngân hàng cho biết, tối đa sẽ có 55 nhà đầu tư mua cổ phiếu phát hành riêng lẻ và cổ phiếu bị hạn chế chuyển nhượng trong vòng 3 năm đối với nhà đầu tư chiến lược và tối thiểu 1 năm đối với nhà đầu chứng khoán chuyên nghiệp.

Biểu đồ: Lợi nhuận trước thuế (tỷ đồng) của Vietcombank giai đoạn 2008-2024.
Đóng cửa ngày 16/4, cổ phiếu VCB đạt 59.300 đồng/cổ phiếu, nếu đợt chào bán riêng lẻ 543,1 triệu cổ phiếu thành công, Vietcombak có thể thu về 32.200 tỷ đồng.
Được biết hiện nay, Vietcombank là ngân hàng có vốn hóa lớn nhất ngành lẫn thị trường chứng khoán với 495.492 tỷ đồng và nằm trong top 100 ngân hàng niêm yết có quy mô vốn hóa lớn nhất toàn cầu.
Năm 2024, Vietcombank đạt 42.236 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng 2% so với năm 2023, tiếp tục là ngân hàng có quy mô lợi nhuận dẫn đầu thị trường.
Tại thời điểm 31/12/2024, Vietcombank có tổng tài sản 2,1 triệu tỷ đồng, tăng 13% so với năm 2023; Tổng huy động vốn 1,5 triệu tỷ đồng, tăng 8%.
Dư nợ tín dụng 1,5 triệu tỷ đồng, tăng 14%, trong giới hạn tăng trưởng tín dụng được Ngân hàng Nhà nước giao.
Vietcombank tiếp tục kiểm soát chặt chẽ chất lượng tín dụng và đẩy mạnh công tác xử lý nợ xấu. Dư nợ xấu nội bảng là 13.964 tỷ đồng, tỷ lệ nợ xấu 0,96%, dư quỹ dự phòng rủi ro ở mức 31.183 tỷ đồng. Tỷ lệ dự phòng bao phủ nợ xấu nội bảng là 223%, cao nhất trong nhóm các ngân hàng lớn tại Việt Nam.