Vietcombank lợi nhuận lên gần 2 tỷ USD, nhận chuyển giao ngân hàng yếu kém
Trong năm 2024, Vietcombank đặt mục tiêu lợi nhuận tăng 10%, triển khai phương án nhận chuyển giao một ngân hàng yếu kém.
Tại hội nghị tổng kết hoạt động kinh doanh năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024 của Vietcombank diễn ra sáng 6/1, Tổng Giám đốc Vietcombank Nguyễn Thanh Tùng cho biết, năm 2023, Vietcombank hoàn thành tốt các chỉ tiêu kế hoạch năm.
Cụ thể, năm 2023, mục tiêu lợi nhuận của Vietcombank là tăng 15% so với 2022, tương đương đạt hơn 42.970 tỷ đồng. Với con số này, nhiều khả năng ngân hàng sẽ giữ vững ngôi vị quán quân lợi nhuận ngành trong năm trước.
Huy động vốn thị trường 1 đạt 1,41 triệu tỷ đồng, tăng 12,1% so với năm 2022. Dư nợ tín dụng đạt 1,27 triệu tỷ đồng, tăng 10,6% so với cuối năm 2022.
Đặc biệt, chất lượng tín dụng của ngân hàng được kiểm soát tốt, tỷ lệ nợ xấu nhóm 2 là 0,42%; tỷ lệ nợ xấu xấp xỉ 0,97% - thuộc nhóm thấp nhất hệ thống. Dư quỹ dự phòng rủi ro 34.338 tỷ đồng, tỷ lệ dự phòng bao nợ xấu đạt mức 185%. Thu hồi nợ ngoại bảng đạt xấp xỉ 2.088 tỷ đồng.
Lãnh đạo Vietcombank cho biết, năm 2023, ngân hàng hoàn thành lợi nhuận kế hoạch được giao, chỉ số ROAA và ROAE duy trì ở mức cao, tương ứng là 1,78% và 21,68%.
Điểm nhấn trong hoạt động kinh doanh của Vietcombank là doanh số giữ nhịp tăng trưởngg. Cụ thể, năm 2023, thị phần thanh toán quốc tế, tài trợ thương mại của ngân hàng đạt 19,2%. Doanh số thanh toán, sử dụng thẻ tăng lần lượt 24,3% và 20,5% so với năm 2022. Trong năm, nền tảng khách hàng của ngân hàng tiếp tục được mở rộng.
Về định hướng kinh doanh năm 2024, lãnh đạo ngân hàng này cho biết đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế tăng ít nhất 10%, tổng tài sản tăng từ 8% trở lên, tín dụng tăng từ 12% và trong hạn mức Ngân hàng Nhà nước giao, tỷ lệ nợ xấu tối đa 1,5%. Với mục tiêu tối thiểu 10%, lợi nhuận trước thuế năm 2024 của ngân hàng này được đặt mục tiêu ở mức trên 47.260 tỷ đồng, tương đương gần 1,95 tỷ USD.
Các trọng tâm được Tổng Giám đốc Vietcombank nêu ra là: chú trọng nhân lực, đặc biệt là nhân sự chuyển đổi số, đẩy mạnh sản phẩm trên hệ sinh thái số.
Đáng chú ý, năm 2024, Vietcombank đặt mục tiêu triển khai xong phương án nhận chuyển giao bắt buộc một tổ chức tín dụng yếu kém.
Ông Nguyễn Thanh Tùng cho biết ngân hàng sẽ tích cực triển khai các biện pháp khi các phương án được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Trước đó, tháng 4/2023, Vietcombank cũng từng hé lộ về việc nhận chuyển giao bắt buộc một ngân hàng yếu kém. Theo đó, Vietcombank sẽ tham gia tái cơ cấu một ngân hàng yếu kém nhưng chưa tiết lộ danh tính.
4 ngân hàng yếu kém thuộc diện tái cơ cấu hiện nay có DongABank, 3 ngân hàng 0 đồng gồm: CB, OceanBank, GPBank. Cuối năm 2022, SCB cũng là ngân hàng bị đưa vào diện kiểm soát đặc biệt.