Vietracimex của đại gia Võ Nhật Thăng muốn làm KĐT 13.000 tỷ ở Đông Anh
Vietracimex của đại gia Võ Nhật Thăng là doanh nghiệp duy nhất đăng ký thực hiện dự án khu đô thị mới G8 huyện Đông Anh với tổng mức đầu tư hơn 13.000 tỷ đồng.
Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội vừa công bố biên bản mở hồ sơ đăng ký thực hiện dự án xây dựng khu đô thị mới G8 tại xã Kim Chung, huyện Đông Anh.
Theo đó, nhà đầu tư duy nhất nộp hồ sơ đăng ký thực hiện dự án nêu trên là Tổng công ty cổ phần Thương mại Xây dựng (Vietracimex - WTO).
Theo quy hoạch, khu đô thị mới G8 có diện tích khoảng 46,6ha, quy mô dân số trên 4.800 người. Dự án sẽ có 64 biệt thự cao 3 tầng, 317 nhà liền kề cao 5 tầng và chung cư cao 21 tầng và 18 tầng với tổng cộng hơn 500 căn hộ. Ngoài ra, dự án cũng sẽ có khối nhà ở xã hội cao 10 -12 tầng với khoảng 420 căn hộ.
Chi phí sơ bộ để thực hiện dự án gần 12.600 tỷ đồng, chưa bao gồm gần 660 tỷ chi phí hỗ trợ đền bù, giải phóng mặt bằng. Hiện nay, khu đất để thực hiện dự án này chưa giải phóng mặt bằng.
Cơ quan quản lý duyệt tiến độ dự án là 5 năm tính từ khi có quyết định lựa chọn nhà đầu tư. Thời hạn hoạt động của dự án là 50 năm kể từ ngày nhà đầu tư được giao đất.
Tiềm lực Vietracimex của đại gia Võ Nhật Thăng ra sao?
Theo tìm hiểu, Tổng công ty cổ phần Thương mại Xây dựng tiền thân là nhà máy Vật liệu Hà Nội được thành lập từ năm 1961 thuộc Cục Cung cấp Vật tư, Bộ Giao thông Vận tải. Năm 2005, doanh nghiệp tiến hành cổ phần hóa và đổi tên thành Tổng công ty cổ phần Thương mại Xây dựng và hoạt động trong các lĩnh vực nất động sản, sản xuất công nghiệp, năng lượng và các ngành dịch vụ khác.
Vào năm 2018, danh sách cổ đông sáng lập Vietracimex gồm: Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh Vốn Nhà nước (SCIC) nắm 0.06% vốn và 20 cổ đông khác nắm 99,94% còn lại.
Sau đó không lâu, SCIC cùng nhiều cổ đông khác thoái hết vốn. Danh sách cổ đông lúc này gồm: ông Võ Nhật Thăng nắm 99,988% cổ phần; bà Vũ Thị Mai Loan 0,001%; ông Vũ Đức Toán 0,11%. Ông Thăng thời điểm này cũng là Chủ tịch HĐQT kiêm đại diện pháp luật Vietracimex.
Giữa năm 2020, Vietracimex nâng vốn lên hơn 8,150 tỷ đồng. Đến đầu năm 2022, người đại diện pháp luật của doanh nghiệp đổi sang ông Lê Tuấn Dũng - tổng giám đốc.
Tháng 3/2022, Vietracimex tiếp tục nâng vốn lên hơn 12.510 tỷ đồng và giữ nguyên cho tới nay. Công ty cũng tiến hành thay đổi đại diện pháp luật sang ông Huỳnh Xuân Nhân - chủ tịch HĐQT vào tháng 8/2023.
Bất động sản và năng lượng được xem là lĩnh vực mũi nhọn của Vietracimex cùng nhiều dự án đáng chú ý.
Về lĩnh vực bất động sản, Vietracimex là chủ đầu tư của một loạt dự án lớn như khu đô thị mới Kim Chung – Di Trạch, huyện Hoài Đức, Hà Nội (quy mô 146 ha); dự án Hinode City tại số 201 Minh Khai, Hà Nội (3,2 ha); dự án tòa nhà hỗn hợp khu văn phòng cho thuê và chung cư để bán tại quận Nam Từ Liêm, Hà Nội (4.816 m2)...
Bên cạnh đó, trong lĩnh vực năng lượng, Vietracimex cũng đã và đang đầu tư hàng chục nghìn tỷ đồng vào các dự án thủy điện, điện mặt trời và điện gió như: nhà máy thủy điện Bắc Mê (Hà Giang); thủy điện Tà Thàng (Lào Cai); nhà máy quang điện Hồng Phong 1A, 1B (Bình Thuận)…
Về tình hình kinh doanh, năm 2023, Vietracimex ghi nhận khoản lãi sau thuế 432,7 tỷ đồng, giảm 4,5% so với cùng kỳ năm trước.
Tại ngày 31/12/2023, tổng tài sản của Vietracimex đạt mức 49.833 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu của công ty đạt 15.146,8 tỷ đồng. Nợ phải trả là 34.686,1 tỷ đồng, với dư nợ vay trái phiếu đạt mức 6.664,5 tỷ đồng.