Vimeco: Không sống nổi bằng hoạt động kinh doanh, phải bán tài sản để thoát lỗ
Công ty Cổ phần Vimeco (HNX: VMC) đã “trình diễn” kết quả kinh doanh đáng thất vọng không chỉ trong quý III mà còn cả 9 tháng 2023. Phải nhờ tới việc thanh lý tài sản, công ty này mới có lãi 9 tháng đạt 6,5 tỷ đồng. Thế nhưng so với cùng kỳ, khoản lãi ít ỏi đó cũng đã tăng trưởng gấp 26 lần.
Báo cáo tài chính của VMC cho thấy, quý III/2023, doanh thu thuần đạt 254 tỷ đồng, tăng 36% so với cùng kỳ năm trước. Tuy vậy, do giá vốn không được cải thiện, lợi nhuận gộp gần như đứng yên so với cùng kỳ, chỉ đạt 20 tỷ đồng.
Khoản lợi nhuận gộp bé mọn này là không đủ để trang trải cho các chi phí hoạt động, như: chi phí tài chính 12 tỷ đồng, tăng 80%; chi phí quản lý 12 tỷ đồng, giảm 11%, nên VMC lỗ thuần từ hoạt động kinh doanh 3,6 tỷ đồng (cùng kỳ lãi 1,3 tỷ đồng).
Phải nhờ tới việc thanh lý tài sản, tạo ra lợi nhuận khác 7,6 tỷ đồng, VMC mới có lãi trước thuế 3,9 tỷ đồng, tăng 3,6 lần so với cùng kỳ năm trước. Khấu trừ thuế, lãi còn 3 tỷ đồng, cải thiện đáng kể so với mức lỗ 0,114 tỷ đồng của cùng kỳ năm trước.
Lũy kế 9 tháng, doanh thu thuần của VMC đạt 854 tỷ đồng, tăng tới 68%. Lợi nhuận gộp cũng tăng 58%, đạt 68 tỷ đồng. Trong kỳ, công ty có thêm 8 tỷ đồng doanh thu tài chính, tăng 66%.
Tuy vậy, việc chi phí quản lý neo cao ở mức 36 tỷ đồng (không đổi so với cùng kỳ) và chi phí tài chính tăng gấp đôi (đạt 39 tỷ đồng) đã “bào” gần như sạch sẽ thu nhập từ kinh doanh của VMC.
Lãi thuần từ hoạt động kinh doanh 9 tháng chỉ còn vỏn vẹn 0,56 tỷ đồng. Nhờ có việc thanh lý tài sản trong quý III mà kết 9 tháng, VMC có lãi trước thuế 8 tỷ đồng, tăng 4,7 lần; lãi sau thuế 6,5 tỷ đồng, tăng 26 lần so với cùng kỳ năm trước.
Tại ngày 30/9/2023, tổng tài sản của VMC đạt 1.466 tỷ đồng, giảm 9% so với đầu năm. Cơ cấu tài sản cho thấy: các khoản phải thu chiếm 55%, đạt 802 tỷ đồng, giảm 3%; hàng tồn kho chiếm 21%, đạt 304 tỷ đồng, giảm 19%.
Nợ phải trả tại ngày kết quý III/2023 của VMC đạt 1.111 tỷ đồng, giảm 12% so với đầu năm. Trong đó, nợ vay chiếm 50%, đạt 560 tỷ đồng, tăng 2%.
Với vốn chủ sở hữu 355 tỷ đồng, “nhích nhẹ” 5 tỷ đồng so với đầu năm, hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu là 3,12 lần.
Dòng tiền kinh doanh 9 tháng của VMC khá xấu khi âm 59 tỷ đồng, chủ yếu do giảm các khoản phải trả (203 tỷ đồng), chi trả lãi vay (39 tỷ đồng).
Trong kỳ, VMC cố gắng bán tài sản và thu hồi các khoản góp vốn vào đơn vị khác để bù đắp dòng tiền. Tuy nhiên, dòng tiền đầu tư chỉ như muối bỏ biển. Về cơ bản, công ty vẫn lệ thuộc nặng nề vào vốn vay để có tiền hoạt động. Dòng tiền đi vay trong 9 tháng đã tăng gấp đôi so với cùng kỳ, đạt 679 tỷ đồng.