VinaCapital: TTCK Việt Nam sẽ được MSCI nâng hạng vào năm 2026
Chuyên gia VinaCapital cho rằng Việt Nam sẽ được FTSE và MSCI xếp hạng là thị trường mới nổi lần lượt vào năm 2025 và 2026.
“Thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam kỳ vọng sẽ được FTSE và MSCI xếp hạng là thị trường mới nổi lần lượt vào năm 2025 và 2026 với lợi thế là định giá hấp dẫn. Nhà đầu tư nước ngoài sẽ quay lại trong 12 tháng tới”, bà Nguyễn Hoài Thu, Tổng Giám đốc Khối đầu tư chứng khoán của VinaCapital, nhấn mạnh tại cuộc gặp nhà đầu tư mới đây.
Theo bà Thu, việc bỏ yêu cầu ký quỹ 100% trước giao dịch, hướng tới thành lập hệ thống Bù trừ trung tâm (CCP) sẽ cải thiện việc tiếp cận thị trường với nhà đầu tư nước ngoài và thúc đẩy nâng hạng thị trường chứng khoán...
TTCK Việt Nam kỳ vọng sẽ được FTSE và MSCI nâng hạng vào năm 2025, chính thức vào danh sách thị trường mới nổi vào năm 2026.
Với những yếu tố tích cực này, chuyên gia VinaCapital nhìn nhận nhà đầu tư nước ngoài sẽ quay lại trong 12 tháng tới, tăng trưởng kinh tế sẽ kéo tăng trưởng TTCK. Nếu thị trường có động lực tăng trưởng lợi nhuận doanh nghiệp tốt, chắc chắn TTCK sẽ đi lên.
Liên quan đến việc nhà đầu tư nước ngoài bán ròng hơn 2,6 tỷ USD từ đầu năm, bà Thu cho hay do bởi tác động từ việc Fed duy trì lãi suất cao những năm qua. Điều này khiến khối ngoại chuộng việc rút vốn từ thị trường cận biên, tức không chỉ ở Việt Nam, về gửi tiết kiệm tại Mỹ để hưởng lãi suất cao, với ít rủi ro.
Bà Thu cũng đánh giá, từ 6-12 tháng gần đây, cổ phiếu công nghệ thường hút tiền, nằm tại Mỹ, Đài Loan, Hàn Quốc… Do đó, Việt Nam bị rút ròng, hoặc dòng tiền quay về những thị trường có cổ phiếu công nghệ.
Tuy nhiên, đà bán ròng đã giảm dần. Số liệu do VinaCapital tổng hợp cho thấy, trong tháng 9, nhà đầu tư nước ngoài bán ròng hơn 100 triệu USD, giảm tháng thứ ba liên tiếp và bằng khoảng 17% so với mức đỉnh hồi tháng 6.
Nhấn mạnh thêm, bà Thu cho rằng định giá hấp dẫn đang là lợi thế của thị trường chứng khoán Việt Nam. Theo đó, P/E (hệ số giá trên lợi nhuận một cổ phiếu) của VN-Index ở mức 11,6 lần vào ngày 6/9/2024, đây là mức hấp dẫn hơn so với một số TTCK khu vực Đông Nam Á. Trong bối cảnh khả năng các thị trường mới nổi hưởng lợi khi Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đã bắt đầu chu kỳ nới lỏng chính sách tiền tệ, yếu tố định giá hấp dẫn của TTCK Việt Nam có thể là điểm hấp dẫn dòng tiền.
Ngoài ra, tỷ số lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) của các doanh nghiệp niêm yết đang tiếp tục cải thiện do lợi nhuận tăng trở lại. Cụ thể, ROE của các doanh nghiệp niêm yết đang vượt trội so với các thị trường châu Á. Dự báo ROE năm 2025 của các doanh nghiệp niêm yết Việt Nam sẽ là 15,6%, chỉ thấp hơn Ấn Độ (dự báo 15,8%) và cao hơn nhiều thị trường khác như Đài Loan (Trung Quốc), Indonesia, Philippines, Singapore, Hong Kong (Trung Quốc), Hàn Quốc, Trung Quốc đại lục, Malaysia, Thái Lan, Nhật Bản…
Bên cạnh đó, chuyên gia VinaCapital cũng cho hay, trong năm 2024, lợi nhuận doanh nghiệp có thể phục hồi mạnh. VinaCapital dự báo lãi của các doanh nghiệp niêm yết tăng 18,3%. Sang năm 2025, tốc độ trên cải thiện lên 23,2% và lợi nhuận doanh nghiệp tăng ở tất cả ngành nghề, không chỉ còn tập trung vào một số nhóm riêng lẻ như năm nay. Đơn vị này đánh giá con số trên vượt trội so với các nước trong khu vực như Trung Quốc, Ấn Độ, Thái Lan, Philippines.
Đánh giá về triển vọng kinh tế vĩ mô, bà Nguyễn Hoài Thu cũng cho rằng yếu tố căn bản của nền kinh tế giúp TTCK đi lên.
Theo đó, GDP Việt Nam dự kiến tăng trong năm 2024 và 2025 do phục hồi sản xuất, đầu tư công. Bên cạnh đó, tỷ giá USD/VND không biến động quá 2%/năm. Giá dầu và thực phẩm giảm, lạm phát cũng được kiểm soát tốt. Bất động sản cũng cho thấy sự phục hồi tốt khi giá trị giao dịch tăng 30% so với cùng kỳ trong 9 tháng năm 2024. Cùng với đó, chính sách tiền tệ nới lỏng, lãi suất ở mức thấp kỷ lục 5%/năm.
Ngoài ra nhiều chính sách cũng được cải thiện, thúc đẩy tăng trưởng của thị trường. Điển hình như thông qua Luật Các tổ chức tín dụng (tăng tính minh bạch của hệ thống, đồng bộ tốt hơn với Luật Kinh doanh bất động sản và Luật Đất đai).
Ông Alex Hambly - Tổng giám đốc Hội đồng Đầu tư VinaCapital cũng cho rằng sự tăng trưởng mạnh mẽ của kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục, dự báo đạt 6,5% trong năm 2024.
Sắp tới, kỳ vọng sẽ có sự thay đổi, mặc dù xuất khẩu chậm lại, nhưng ngược lại, bán lẻ và xây dựng sẽ tăng trưởng. Tiêu dùng chiếm 60% GDP, được dự báo tiếp tục tăng trưởng.
“Điều gì thúc đẩy tăng trưởng tiêu dùng? Chúng tôi tin rằng câu trả lời nằm ở thị trường bất động sản. Tiềm năng tăng trưởng của thị trường bất động sản rất lớn, nhu cầu cao trong khi nguồn cung còn rất thấp. Điều quan trọng là sự thay đổi chính sách của Chính phủ, quản lý để thị trường bất động sản phục hồi trở lại. Và điều đó đang xảy ra, bất động sản ổn định sẽ giúp tăng trưởng tiêu dùng", ông Alex Hambly nói.
Nhấn mạnh thêm, ông Alex Hambly cho hay động thái Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) giảm lãi suất vừa qua giúp tích cực cho thị trường bất động sản và TTCK trong ngắn hạn.
Trong dài hạn, 3 động lực tăng trưởng chính của Việt Nam có liên hệ mật thiết với nhau gồm: công nghiệp hóa được hỗ trợ bởi FDI, tầng lớp trung lưu mở rộng nhanh chóng (tăng trưởng thu nhập và tốc độ đô thị hóa, nhân khẩu học) và làn sóng dịch chuyển sản xuất sang các quốc gia thân thiện.
Tuy nhiên, chuyên gia VinaCapital cũng nhìn nhận, bên cạnh những điểm thuận lợi, nhà đầu tư cũng cần lưu ý thêm một số rủi ro tiềm ẩn từ bên ngoài.
Theo đó, thị trường sẽ có thể chịu rủi ro bên ngoài khi tăng trưởng kinh tế Mỹ chậm lại. Việc Trung Quốc xuất khẩu mạnh hàng hóa, mang đi bán rẻ ở thị trường thế giới, khiến Việt Nam gặp áp lực. Đồng thời có rủi ro địa chính trị.
Liên quan đến các yếu tố trong nước, việc tiêu dùng nội địa vẫn yếu, có thể không được như kỳ vọng.
“Thị trường bất động sản được dự báo hồi phục trong năm 2025 nhưng vẫn cần quan sát thêm. Lạm phát cao hơn có thể tác động đến chính sách tiền tệ. Việc trì hoãn trong FTSE nâng hạng TTCK Việt Nam có thể gây thấy vọng, tác động tiêu cực lên tâm lý nhà đầu tư”, bà Thu cho hay.