Vingroup đề xuất cho doanh nghiệp tài trợ, điều chỉnh quy hoạch chi tiết dự án nhà ở xã hội
Bên cạnh việc cho phép các địa phương điều chỉnh quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết như trước đây, Vingroup đề nghị Chính phủ cho phép doanh nghiệp tài trợ hoặc tham gia vào điều chỉnh quy hoạch chi tiết 1/500 các dự án nhà ở xã hội để đẩy nhanh tiến độ.
Tại hội nghị thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội cho công nhân, người thu nhập thấp, tổ chức sáng 1/8, đại diện Vingroup cho rằng việc triển khai nhà ở thu nhập thấp, nhà ở xã hội có thể không mang lại lợi nhuận nhiều nhưng có ý nghĩa xã hội to lớn. Phía doanh nghiệp mong muốn ngày càng có nhiều những căn nhà đẹp, có những tiện ích cơ bản cho người thu nhập thấp.
Cũng theo đại diện Vingroup, để đầu tư xây dựng dự án nhà ở xã hội, nhà cho người thu nhập thấp, ngoài nỗ lực của doanh nghiệp rất cần Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đồng hành cùng doanh nghiệp và hỗ trợ các doanh nghiệp.
"Tập đoàn chúng tôi phấn đấu 5 năm tới sẽ đầu tư 500.000 căn nhà ở xã hội", đại diện Vingroup nói.
Để thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội cho công nhân, người thu nhập thấp, đại diện Vingroup nêu 3 kiến nghị. Thứ nhất là chủ doanh nghiệp có đất hoặc thu mua đất làm nhà ở xã hội xin được cơ chế chỉ định thầu, chứ không đấu thầu, còn các chỉ tiêu do cơ quan nhà nước phê duyệt.
Thứ hai, theo đại diện Vingroup, hiện nay tất cả đề án có nhà ở xã hội liên quan đến các chỉ tiêu mới về diện tích nhà ở xã hội từ 25-70m2. Do vậy tất cả các đề án quy hoạch, quy hoạch chi tiết 1/500 phải điều chỉnh lại vì sẽ tăng chỉ tiêu dân số, tăng cả tiện ích xã hội, tiện ích hạ tầng xã hội… Điều này dẫn đến phải điều chỉnh quy hoạch phân khu và quy hoạch chi tiết, nhưng nếu làm sẽ rất lâu.
"Chúng tôi đề nghị Chính phủ vào cuộc, cho phép song song với các địa phương điều chỉnh quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết thì cho phép doanh nghiệp tài trợ hoặc tham gia vào điều chỉnh quy hoạch chi tiết 1/500 các dự án nhà ở xã hội để đẩy nhanh tiến độ. Còn các chỉ tiêu, quy hoạch về dân số, hạ tầng do các cơ quan nhà nước phê duyệt chứ doanh nghiệp không gia vào việc này", đại diện Vingroup đề xuất.
Thứ ba, theo đại diện Vingroup, hiện nay thủ tục phê duyệt dự án nhà ở xã hội rất lâu, tối thiểu 600 ngày hoặc dài hơn. Do đó, doanh nghiệp đề nghị những bước nào làm song song được thì cho song song như hồ sơ đấu thầu công khai, lựa chọn nhà đầu tư… có thể rút ngắn xuống từ 90-120 ngày để các địa phương công bố các đề án, dự án nhà ở xã hội, các doanh nghiệp tham gia nộp hồ sơ.
Song song với đó, chính quyền thực hiện quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết 1/500, với tinh thần rút ngắn thủ tục hành chính, có cơ chế, chính sách hỗ trợ, ưu đãi cho các nhà đầu tư làm nhà ở xã hội bình đẳng, trung thực với các đơn vị, doanh nghiệp tham gia đầu tư.
Mới đây, ngày 27/7, Vingroup đã tiến hành động thổ 2 dự nhà ở xã hội đầu tiên với số lượng 3.500 căn tại Thanh Hóa và Quảng Trị. Tổng quy mô hai dự án là hơn 40.000m2, dự kiến cung cấp ra thị trường khoảng 3.500 căn nhà với nhiều loại diện tích linh hoạt. Cả 2 dự án nhà ở xã hội đều được quy hoạch hệ thống tiện ích nhằm đảm bảo chất lượng sống so với các sản phẩm cùng phân khúc.
Trong đó, dự án nhà ở xã hội tại Thanh Hóa được xây dựng trên một phần diện tích khu đô thị Vinhomes Star City, thuộc phường Đông Hương và Đông Hải, giáp với đại lộ Nam Sông Mã, bên cạnh trung tâm hành chính mới của thành phố.
Tại Quảng Trị, khu nhà ở xã hội được thụ hưởng hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật của khu đô thị Nam Đông Hà, cũng như công viên sinh thái Nam Đông Hà lân cận.