Vinpearl chào sàn, tổng vốn hoá nhà Vin xấp xỉ 30 tỷ USD

Cổ phiếu VPL của Vinpearl đã tăng gần 20% trong phiên chào sàn, từ mức giá tham chiếu 71.300 đồng/cổ phiếu lên 85.500 đồng/cổ phiếu.

Sáng 13/5, cổ phiếu VPL của Công ty Cổ phần Vinpearl (HoSE: VPL) chính thức niêm yết trên Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HoSE), sau khoảng nửa năm trở thành công ty đại chúng.

Ngay khi mở cửa, VPL đã tăng kịch biên độ trong ngày giao dịch đầu tiên, từ mức giá tham chiếu 71.300 đồng/cổ phiếu lên 85.500 đồng/cổ phiếu.

Vinpearl chào sàn, tổng vốn hoá nhà Vin xấp xỉ 30 tỷ USD - Ảnh 1

Với mức tăng gần 20% trong ngày chào sàn, vốn hóa của Vinpearl đạt hơn 153.300 tỷ đồng, đưa doanh nghiệp này lọt vào top 9 công ty có vốn hóa lớn nhất sàn HoSE. Nhóm doanh nghiệp thuộc hệ sinh thái Vingroup cũng đang nắm giữ nhiều vị trí cao trên bảng xếp hạng vốn hóa, nhờ đà tăng mạnh thời gian qua.

Tính đến hiện tại, Vingroup (HoSE: VIC) là doanh nghiệp có vốn hóa lớn thứ hai trên thị trường chứng khoán Việt Nam, theo sau là Vinhomes (HoSE: VHM) ở vị trí thứ ba, vượt qua nhiều ngân hàng lớn như BIDV (HoSE: BID), Techcombank (HoSE: TCB), VietinBank (HoSE: CTG)... Tổng vốn hóa của nhóm cổ phiếu “họ Vin”, bao gồm cả Vincom Retail (HoSE: VRE), hiện ước tính xấp xỉ 30 tỷ USD.

Vinpearl chào sàn, tổng vốn hoá nhà Vin xấp xỉ 30 tỷ USD - Ảnh 2

Trái ngược với diễn biến tích cực của VPL, các cổ phiếu khác trong hệ sinh thái Vingroup như VIC, VHM và VRE đều ghi nhận xu hướng giảm trong phiên sáng cùng ngày. Các thảo luận sôi nổi trên nhiều diễn đàn chứng khoán cho rằng những cổ phiếu trong hệ sinh thái nhà Vin đang lùi 1 bước để nhường lại “spotlight” cho VPL trong ngày quay trở lại sàn chứng khoán.

Được biết, Vinpearl từng niêm yết HoSE vào tháng 1/2008 nhưng sau đó đã hủy niêm yết vào tháng 12/2011 để sáp nhập vào Vingroup. Tỷ lệ sở hữu của tập đoàn này tại Vinpearl ở mức 85,55% (tính đến cuối quý I/2025). Công ty hiện đang vận hành ba mảng kinh doanh chính gồm: khách sạn và khu nghỉ dưỡng, công viên giải trí và khu phức hợp vui chơi, sân golf; cùng một số mảng kinh doanh bổ trợ như trung tâm hội nghị và kinh doanh bất động sản.

Tính đến cuối năm 2024, Vinpearl sở hữu và/hoặc vận hành 31 khách sạn và khu nghỉ dưỡng với hơn 16.100 phòng, 12 công viên giải trí, 4 sân golf và 1 trung tâm hội nghị trên toàn quốc.

Kế hoạch kinh doanh năm 2025 của Vinpearl đặt mục tiêu doanh thu thuần đạt 14.150 tỷ đồng, trong khi lợi nhuận sau thuế dự kiến đạt 1.750 tỷ đồng. Sang năm 2026, công ty kỳ vọng doanh thu thuần đạt 16.400 tỷ đồng (tăng 16%) và lợi nhuận sau thuế đạt 2.300 tỷ đồng (tăng 31% so với kế hoạch năm 2025).

Doanh thu cốt lõi từ ba mảng chính dự kiến tăng 34% trong năm 2025 và 9% trong năm 2026, đóng góp lần lượt khoảng 80% và 76% tổng doanh thu.

Theo phân tích của Công ty Chứng khoán Vietcap, sự chênh lệch giữa tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận sau thuế năm 2025 chủ yếu đến từ việc doanh thu từ mảng bất động sản không cốt lõi và thu nhập tài chính suy giảm. Trong khi đó, lợi nhuận dự kiến tăng mạnh trở lại vào năm 2026 phần nào phản ánh kỳ vọng vào biên lợi nhuận cải thiện từ hoạt động kinh doanh chính.

Dựa trên mức giá tham chiếu ban đầu là 71.300 đồng/cổ phiếu, Vietcap dự phóng P/E năm 2025 và 2026 của VPL lần lượt là 73,1 lần và 55,6 lần, P/B là 3,3 lần và 3,2 lần, P/S là 9,0 lần và 7,8 lần và ROE là 5% và 5,8% (dựa trên bản cáo bạch niêm yết của công ty).

Thu An

Theo Vietnamfinance