VN-Index áp sát 1.400 điểm: Tâm lý chốt lời rập rình, chưa yên với 'sóng' thuế đối ứng

Ngưỡng kháng cự 1.390 – 1.400 đang trở thành ranh giới nhạy cảm của VN-Index, khi tâm lý chốt lời cục bộ bắt đầu manh nha. Thêm vào đó, câu chuyện thuế đối ứng Việt - Mỹ vẫn chưa thực sự ngã ngũ, cũng có thể gây thêm áp lực, khiến thị trường chứng khoán dễ dao động hơn.

Bất chấp nhiễu động quanh câu chuyện thuế đối ứng, thị trường chứng khoán Việt Nam đã khởi động nửa cuối năm 2025 bằng một tuần giao dịch tích cực cả về điểm số, thanh khoản lẫn dòng vốn ngoại. VN-Index ghi nhận tăng điểm tuần thứ ba liên tiếp, thanh khoản có phiên lên tới 30.000 tỷ đồng. Đáng chú ý, các nhà đầu tư nước ngoài mua ròng gần 4.200 tỷ đồng, cao nhất trong vòng 1 năm trở lại đây.

Tuy nhiên, chừng đó là chưa đủ để xua tan toàn hoàn toàn các dấu hiệu rủi ro, nhất là khi ngưỡng kháng cự tâm lý 1.390-1.400 – vốn được dự báo dễ xảy ra tâm lý chốt lời cục bộ - đang đến gần.

Ngưỡng kháng cự 1.390–1.400 đang trở thành ranh giới nhạy cảm của VN-Index, khi tâm lý chốt lời cục bộ bắt đầu manh nha.
Ngưỡng kháng cự 1.390–1.400 đang trở thành ranh giới nhạy cảm của VN-Index, khi tâm lý chốt lời cục bộ bắt đầu manh nha.

Trao đổi với phóng viên, ông Lê Đức Huy, Trưởng bộ phận Chiến lược thị trường, Công ty CP Chứng khoán Agribank (Agriseco) cho hay: “Đà tăng đã có dấu hiệu chậm lại khi chỉ số tiệm cận vùng kháng cự quan trọng 1.380–1.400 điểm, trong khi thanh khoản ghi nhận cải thiện nhẹ về cuối tuần nhờ áp lực thông tin liên quan đến thuế quan phần nào được giải tỏa”.

Vị chuyên gia cũng lưu ý rằng, thị trường đã xuất hiện các phiên dao động hai chiều. Tuy nhiên, biên độ nhìn chung thu hẹp ngay trong phiên, phản ánh áp lực bán chốt lời đã xuất hiện nhưng chưa đáng kể và được hấp thụ nhanh chóng.

Trong bối cảnh thị trường chứng khoán đang trở nên nhạy cảm, ông Lê Đức Huy đã đưa ra một số dự báo về xu hướng giao dịch của tuần tới, đồng thời khuyến nghị nhà đầu tư chủ động điều chỉnh chiến lược để quản trị rủi ro và tận dụng các cơ hội đang hình thành.

VN-Index tiệm cận ngưỡng 1.400, khối ngoại sẽ trở lại

Về triển vọng tuần tới, ông Lê Đức Huy cho rằng, thị trường sẽ chịu ảnh hưởng từ một số yếu tố, bao gồm thời điểm Mỹ chốt thuế đối ứng (ngày 9/7), tiến độ công bố kết quả kinh doanh quý II/2025 của các doanh nghiệp và xu hướng mua ròng của khối ngoại sau thông tin về thoả thuận thuế đối ứng Việt - Mỹ.

“Trong kịch bản tích cực, VN-Index khả năng sẽ tiếp tục xu hướng tăng và tiệm cận vùng 1.400 điểm trong tuần tới. Dù vậy, áp lực bán và các nhịp điều chỉnh kỹ thuật vẫn có thể xuất hiện, chủ yếu xuất phát từ sự dịch chuyển dòng tiền sang nhóm cổ phiếu có kỳ vọng kết quả kinh doanh tích cực, hơn là trạng thái rút vốn chờ nhịp điều chỉnh sâu”, ông Huy nhận định.

VN-Index sẽ tiếp tục xu hướng tăng, nhưng áp lực bán và các nhịp điều chỉnh kỹ thuật vẫn có thể xuất hiện.
VN-Index sẽ tiếp tục xu hướng tăng, nhưng áp lực bán và các nhịp điều chỉnh kỹ thuật vẫn có thể xuất hiện.

Về dài hạn, đại diện Agriseco tỏ ra lạc quan trước diễn biến của dòng vốn đầu tư nước ngoài. Vị chuyên gia cho hay, ngay sau thời điểm công bố thỏa thuận thương mại, khối ngoại đã có tuần mua ròng mạnh nhất trong vòng một năm, với tổng giá trị đạt 4.200 tỷ đồng. Dù con số này chưa thể bù đắp hoàn toàn cho áp lực bán ròng kéo dài suốt ba năm qua, nhưng đây là tín hiệu cho thấy dòng tiền đầu tư toàn cầu đang có sự chuyển dịch đáng chú ý.

Theo ông Lê Đức Huy, sự suy yếu của đồng USD, khi chỉ số DXY hiện ở mức 97 điểm, giảm mạnh từ vùng đỉnh 110 điểm ghi nhận hồi đầu năm đầu năm, có thể là một trong những nguyên nhân kích hoạt sự dịch chuyển của dòng tiền ra khỏi thị trường chứng khoán Mỹ.

Trong bối cảnh đó, thị trường chứng khoán Việt Nam, với triển vọng tăng trưởng kinh tế tích cực và sự cải thiện lợi nhuận các doanh nghiệp niêm yết, đang trở nên hấp dẫn hơn trong mắt nhà đầu tư quốc tế. Ngoài ra, kỳ vọng nâng hạng thị trường trong giai đoạn cuối năm 2025 cũng được cho là động lực thúc đẩy sự trở lại của dòng vốn ngoại.

“Chúng ta có thể kỳ vọng xu hướng đảo chiều mua ròng của khối ngoại sẽ tiếp tục diễn ra trong các tháng cuối năm 2025”, ông Huy nói.

Vẫn nên “cảnh giác” với “sóng thuế quan

Bình luận về thoả thuận thuế đối ứng mà Tổng thống Donald Trump mới công bố và tác động của nó tới các nhóm ngành trên thị trường chứng khoán, ông Lê Đức Huy cho hay, đây mới chỉ là một khung thỏa thuận sơ bộ sau giai đoạn đàm phán kéo dài gần 90 ngày giữa Việt Nam và Mỹ.

“Vẫn còn rất nhiều thông tin hiện còn chưa được làm rõ trong bài thông báo này. Trong đó, thắc mắc lớn nhất sẽ xoay quanh việc khái niệm “transshipping” được lý giải như thế nào để đánh thuế 40% đối với hàng hóa Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ và mỗi cách lý giải đều mang lại một kết quả khác biệt lớn”, ông Huy phân tích.

Theo vị chuyên gia, điểm tích cực là Bộ trưởng Tài chính Mỹ ông Scott Bessent đã có thông báo rằng mức thuế 20% mà Mỹ đánh lên tất cả hàng hóa Việt Nam xuất khẩu qua Mỹ là mức thuế thay thế 10% hiện tại.

“Tất nhiên vẫn còn nhiều câu hỏi và vướng mắc liên quan tới con số 20%. Tuy nhiên, tạm thời có thể nắm chắc phần lớn hàng sản xuất và xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ sẽ chịu mức thuế nhập khẩu xoay quanh 20%, không có câu chuyện cộng dồn thuế 10% trước đó. Kết quả thuế quan 20% trước mắt cho phần lớn hàng Việt Nam xuất khẩu nằm trong kịch bản trung tính của chúng tôi và có thể chấp nhận được”, ông nói.

Ông Lê Đức Huy cũng lưu ý, để đánh giá được các doanh nghiệp nhận tác động tích cực hay tiêu cực từ thuế quan, phải nhìn nhận đa chiều từ kết quả thuế quan của các quốc gia khác là đối thủ xuất khẩu cạnh tranh sang Mỹ. Hiện tại, ngoài Việt Nam, chỉ có Anh và Trung Quốc là đã đạt thỏa thuận mức thuế. Vì vậy, thị trường vẫn cần chờ đợi thêm.

VN-Index áp sát 1.400 điểm: Tâm lý chốt lời rập rình, chưa yên với 'sóng' thuế đối ứng - Ảnh 1

Ông Huy đánh giá, chịu tác động tiêu cực sẽ là các nhóm ngành có tỷ lệ nội địa hóa thấp, phụ thuộc vào nguyên vật liệu Trung Quốc, chẳng hạn như dệt may. Nhóm cảng biển tại khu vực phía Bắc – nơi có hoạt động trung chuyển hàng hóa Trung Quốc – cũng có thể bị ảnh hưởng. Trong khi đó, tác động đối với một số nhóm xuất khẩu khác như gỗ, thủy sản hay nhóm khu công nghiệp sẽ không quá lớn.

Theo đó, vị chuyên gia khuyến nghị nhà đầu tư trung và dài hạn tiếp tục nắm giữ danh mục đầu tư. Trong đó, các nhóm chịu ảnh hưởng trực tiếp từ thuế quan nên được duy trì tỷ trọng ở mức trung bình - thấp để quản trị rủi ro trước khi các thông tin được công bố rõ ràng hơn.

“Thị trường tuần tới có thể dần chuyển sự chú ý qua các cổ phiếu có kỳ vọng kết quả kinh doanh tích cực, vì vậy nhà đầu tư có thể tận dụng cơ hội để tái cơ cấu hoặc phân bổ tỷ trọng thêm cho vị thế đầu cơ ngắn hạn trên”, ông Huy nói.

Đại diện Agriseco cũng lưu ý rằng, trong bối cảnh thị trường đang khá nhạy cảm với tin tức về thuế quan và chuẩn bị bước vào mùa công bố kết quả kinh doanh quý II/2025, nhà đầu tư nên ưu tiên lựa chọn các nhóm ngành không chịu tác động tiêu cực bởi thông tin thuế quan và có triển vọng tăng trưởng lợi nhuận tích cực trong quý II/2025 và các quý tiếp theo của năm 2025. Một số nhóm ngành nổi bật bao gồm: bất động sản, bán lẻ, chăn nuôi, công nghệ thông tin. Ngoài ra, nhóm được hưởng lợi từ chính sách vĩ mô như giải ngân đầu tư công, kiểm soát hàng giả, thúc đẩy tín dụng cũng đáng chú ý. Cuối cùng, nhóm chứng khoán và các cổ phiếu bluechips nhiều khả năng sẽ là “đích ngắm” của dòng tiền ngoại, trong bối cảnh kỳ vọng nâng hạng thị trường ngày càng rõ ràng.

Thái Hà

Theo Vietnamfinance