VN-Index khó giảm sâu xuống dưới ngưỡng 1.245 điểm?
Cả chuyên gia của VNDIRECT và Agriseco đều cho rằng chỉ số VN-Index khó có thể giảm sâu xuống dưới vùng 1.250 điểm (+/- 10 điểm).
VN-Index vừa trải qua một tuần giao dịch đầy biến động xung quanh phiên đáo hạn phái sinh tháng 7. Thị trường khởi đầu chậm và giảm nhẹ gần 1 điểm trong phiên giao dịch đầu tuần. IMP (tăng 7,0%) chứng kiến đà tăng phiên thứ 6 liên tiếp sau tin thưởng cổ phiếu tỷ lệ 100%. Lực cầu cũng đổ vào PC1 (tăng 3,3%) khi Western Pacific - công ty liên kết của PC1 được phê duyệt chủ trương đầu tư hai dự án khu công nghiệp với quy mô hơn 177 triệu USD.
Tâm lý nhà đầu tư trở nên tích cực hơn trong phiên 16/7 khiến VN-Index có lúc tăng hơn 10 điểm trước khi thu hẹp đà tăng về còn chưa đầy 2 điểm do áp lực chốt lời gia tăng. Nhóm ngân hàng dẫn dắt đà tăng trong phiên, dẫn đầu là MBB (tăng 2,2%), BID (tăng 1,3%) và VCB (tăng 0,5%) khi bức tranh kết quả kinh doanh tích cực dần hé lộ. Đáng chú ý, thanh khoản cải thiện hơn 35% trong phiên với tổng giá trị giao dịch đạt hơn 16.000 tỷ đồng, trong khi khối ngoại giảm đà bán ròng đáng kể khi chỉ bán ròng 236 tỷ đồng trên HoSE (so với 1.800 tỷ đồng phiên trước đó).
Thị trường phiên 17/7 giảm mạnh trong phiên chiều với thanh khoản tăng mạnh lên hơn 29.000 nghìn tỷ. Ngân hàng (tăng 1,3%) là ngành duy nhất tăng điểm, tiêu biểu là MBB (tăng 4,0%), BID (tăng 1,8%) và TCB (tăng 4,4%), trong khi ngành Viễn thông (giảm 6,8%) ghi nhận mức giảm mạnh nhất phiên.
Mặc dù phục hồi nhẹ trong phiên đáo hạn phái sinh, chỉ số VN-Index lại quay đầu giảm điểm trong phiên cuối tuần và chốt tuần giảm 1,2% về mức dưới 1.265 điểm. Trong khi đó, HNX-Index giảm 1,8% xuống 240,5 điểm và UPCOM giảm 1,4% xuống 96,8 điểm.
Thanh khoản tuần này tăng nhẹ 3% lên 17.675 tỷ đồng/phiên. Khối ngoại giảm đà bán ròng xuống 758,2 tỷ đồng trên cả 3 sàn trong tuần.
Mặc dù trải qua một tuần giảm điểm, ông Đinh Quang Hinh, chuyên gia của Công ty Chứng khoán VNDIRECT, vẫn nhận thấy một số điểm “sáng” của thị trường. Thứ nhất, đà bán ròng của khối ngoại đã có dấu hiệu hạ nhiệt khi Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) phát đi tín hiệu rõ rệt hơn về khả năng cắt giảm lãi suất điều hành và động thái bắt đáy của khối ngoại trong 2 phiên giữa tuần. Thanh khoản thị trường cũng cho thấy dấu hiệu cải thiện khi nhà đầu tư chủ động giải ngân tại những nhịp điều chỉnh sâu trong phiên của thị trường.
Dòng tiền cũng không có dấu hiệu rút ra mà phân hóa giữa các nhóm ngành. Đặc biệt nhóm cổ phiếu trụ cột là ngân hàng đã thu hút dòng tiền trở lại trong bối cảnh “tín dụng bắt đầu chạy” và kết quả kinh doanh tích cực của một số ngân hàng thương mại dần được hé lộ.
Đây là những cơ sở để kỳ vọng rằng thị trường khó xuất hiện một nhịp điều chỉnh sâu và vùng 1.250 điểm (+/- 10 điểm) sẽ đóng vai trò là vùng hỗ trợ mạnh của chỉ số VN-Index, theo quan điểm của VNDIRECT.
Tuy vậy, ở chiều ngược lại, thị trường cũng đang thiếu vắng động lực và thông tin hỗ trợ đủ mạnh để hình thành một xu hướng tăng ngắn hạn. Do đó, trong kịch bản cơ sở, dòng tiền sẽ tiếp tục phân hóa giữa các nhóm ngành, việc tìm kiếm lợi nhuận ngắn hạn là không dễ và việc chọn “đúng ngành”, “đúng cổ phiếu” sẽ có vai trò quyết định tới khả năng sinh lời.
“Chúng tôi cho rằng nhịp điều chỉnh lần này sẽ là cơ hội để nhà đầu tư đánh giá lại và chủ động cơ cấu danh mục đầu tư của mình. Các nhà đầu tư nên cân nhắc thoái vốn tại các nhóm cổ phiếu đã tăng mạnh trong thời gian vừa qua và không còn định giá “rẻ” để chuyển sang những ngành, cổ phiếu còn định giá hấp dẫn và đi kèm với triển vọng kinh doanh đang cải thiện, tiêu biểu như nhóm tài chính-ngân hàng và một số doanh nghiệp xuất khẩu”, chuyên gia của VNDIRECT khuyến nghị.
Theo nhìn nhận của Công ty Chứng khoán Agribank (Agriseco), trên đồ thị kỹ thuật tuần, áp lực bán tại vùng đỉnh trung hạn khiến VN-Index có nhịp điều chỉnh với thanh khoản gia tăng nhẹ và đóng cửa dưới 2 đường trung bình ngắn hạn MA20/MA50. Tín hiệu tích cực là lực cầu chủ động có dấu hiệu tham gia đáng kể khi chỉ số có các nhịp lùi về vùng hỗ trợ quanh mốc 1.250 (+-5) điểm.
Trong giai đoạn cao điểm công bố báo cáo tài chính quý II/2024 như hiện tại, Agriseco cho rằng thị giá cổ phiếu sẽ có sự phân hóa rõ rệt theo kết quả kinh doanh và chỉ số chung khó có mức giảm sâu, nhất là khi các yếu tố vĩ mô vẫn đang tích cực.
Agriseco dự báo VN-Index có thể hồi phục khi lực cầu gia tăng tại vùng hỗ trợ quanh mốc 1.250 (+-5) điểm, đồng thời khuyến nghị nhà đầu tăng tỷ trọng cổ phiếu khi chỉ số lùi về vùng hỗ trợ kể trên, tập trung vào nhóm ngân hàng hoặc các cổ phiếu đầu ngành được kỳ vọng kết quả kinh doanh quý II/2024 tăng trưởng tích cực như nhóm bán lẻ, thép, xuất khẩu (gỗ, dệt may).