VN-Index liên tục lỗi nghẽn lệnh, nhiều cổ phiếu BĐS giảm sâu
VN-Index phiên 4/3 giảm sâu khi nhiều cổ phiếu vốn hóa lớn lao dốc. Nhóm cổ phiếu bất động sản cũng không thể đi ngược lại xu hướng này và ghi nhận nhiều mã giảm sâu.
Thị trường chứng khoán phiên 4/3 biến động rất mạnh. Cụ thể, đầu phiên giao dịch, sắc xanh chiếm ưu thế đáng kể và giúp kéo nhiều cổ phiếu trụ cột tăng giá, từ đó, các chỉ số cũng được kéo lên trên mốc tham chiếu.
Tuy nhiên, áp lực rung lắc nhanh chóng xuất hiện khi nhiều cổ phiếu trụ cột giảm giá. Diễn biến bất ngờ xảy ra sau khi dòng tiền vào quá mạnh khiến xuất hiện tình trạng lỗi hiển thị trên bảng giá của nhiều công ty chứng khoán. Điểm số cũng như khối lượng của riêng VN-Index được cập nhật rất chậm khiến nhà đầu tư không kịp trở tay. Mỗi lần VN-Index cập nhật là chỉ số này đã mất thêm một lượng điểm khá lớn, nhiều cổ phiếu trụ cột nhanh chóng lao dốc. Có thời điểm trong phiên giao dịch, VN-Index mất đến gần 27 điểm.
Diễn biến giao dịch ở nửa sau của phiên sáng và cả phiên chiều trên HoSE khiến nhiều nhà đầu tư ngao ngán khi không vào được lệnh.
Trong khi đó, THD giữ được sắc xanh nhẹ khi tăng 0,1% lên 203.200 đồng/cp và không gây áp lực đến HNX-Index, đây cũng là điểm tích cực giúp chỉ số này chốt phiên trong sắc xanh khi PVS tăng mạnh.
Ở chiều ngược lại, dù thị trường rung lắc nhưng vẫn còn một số cổ phiếu bất động sản thanh khoản cao giữ được sắc xanh. PFL tăng 11,8% lên 3.800 đồng/cp, TNT tăng 6,2% lên 3.450 đồng/cp, TDH tăng 1,3% lên 7.760 đồng/cp. CII tăng 0,1% lên 8.900 đồng/cp. CII công bố quyết định HĐQT chấp thuận chi trả cổ tức với tỷ lệ 14%, gồm 2% của năm 2019 và 12% của năm 2020, tương ứng 1.400 đồng mỗi cổ phiếu.
Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index giảm 18,43 điểm (-1,55%) xuống còn 1.186,52 điểm. Toàn sàn có 95 mã tăng, 362 mã giảm và 41 mã đứng giá. HNX-Index tăng 1,67 điểm (0,66%) lên 255,77 điểm. Toàn sàn có 96 mã tăng, 101 mã giảm và 56 mã đứng giá. UPCoM-Index giảm 0,14 điểm (-0,18%) xuống 77,96 điểm.
Thanh khoản trên hai sàn HoSE và HNX tăng so với phiên trước đó và cao hơn mức trung bình 20 phiên với giá trị giao dịch đạt 19.595 tỷ đồng tương ứng với khối lượng giao dịch 849 triệu cổ phiếu, trong đó giao dịch thỏa thuận chiếm 1.729 tỷ đồng. FLC là mã bất động sản duy nhất nằm trong top 10 cổ phiếu khớp lệnh mạnh nhất thị trường chứng khoán với 23,6 triệu cổ phiếu.
Khối ngoại tiếp tục bán ròng gần 200 tỷ đồng trong phiên 4/3, trong đó VIC là mã bất động sản hiếm hoi nằm trong top 10 về giá trị bán ròng của khối ngoại với 60 tỷ đồng. Chiều ngược lại, KBC và NVL nằm trong top 10 về giá trị mua ròng của khối ngoại với lần lượt 7,8 tỷ đồng và 7 tỷ đồng.
Theo phân tích của CTCP Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (SHS), sau ba phiên không thể vượt qua được kháng cự tâm lý quanh ngưỡng 1.200 điểm thì cuối cùng thị trường cũng phải điều chỉnh về các ngưỡng thấp hơn. Thanh khoản gia tăng so với phiên trước đó và cao hơn mức trung bình 20 phiên lần đầu tiên kể từ cuối tháng 1/2021 cho thấy áp lực bán là thực sự mạnh. Trên góc nhìn kỹ thuật, xu hướng trung hạn là tích cực khi thị trường vẫn di chuyển trong sóng tăng 5 và chưa có dấu hiệu kết thúc (sóng 5 chỉ xác nhận là kết thúc khi nó đạt đến target quanh ngưỡng 1.250 điểm hoặc điều chỉnh thủng ngưỡng tâm lý 1.000 điểm cũng là đáy của sóng 4).
Tuy nhiên, trong ngắn hạn, thị trường có thể sẽ biến động mạnh trong phiên tiếp theo và nếu điều chỉnh sẽ là cơ hội mua vào cho các nhà đầu tư. Nhà đầu tư với tầm nhìn trung hạn có thể tiếp tục nắm giữ cổ phiếu với kỳ vọng sóng 5 sẽ tiếp tục trong thời gian tới. Nhà đầu tư ngắn hạn có thể mua vào nếu có nhịp điều chỉnh về vùng hỗ trợ mạnh trong khoảng 1.130 - 1.140 điểm (MA20-50) hoặc chờ đợi thị trường bứt phá khỏi ngưỡng 1.200 điểm sau một thời gian tích lũy gần đỉnh./.