VN-Index 'rộng cửa' chuyển xu hướng từ 'đi ngang' sang 'tăng điểm'
Chuyên gia cho rằng chỉ số VN-Index có thể kiểm định lại mốc 1.080 điểm (tương ứng với đường xu hướng dài hạn MA200) và nếu duy trì thành công trên ngưỡng này, thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ chuyển dịch trạng thái từ “xu hướng đi ngang” sang “xu hướng tăng điểm”.
Sau động thái hạ lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước, một loạt các ngân hàng thương mại đã điều chỉnh lãi suất huy động và cho vay trong tuần qua. Xu hướng lãi suất giảm đã có tác động tích cực tới diễn biến trên thị trường chứng khoán.
Cụ thể, thanh khoản thị trường tiếp tục có sự cải thiện ấn tượng với giá trị giao dịch bình quân trên 3 sàn tăng mạnh 27,2% so với tuần trước lên mức 18.509 tỷ đồng/phiên. Cùng với sự bùng nổ của thanh khoản, các chỉ số chứng khoán đã có sự bứt phá trong tuần qua. Chỉ số VN-Index ghi nhận mức tăng 2,6% trong tuần qua và tạm thời vượt đường xu hướng dài hạn MA200 để chốt tuần tại mức 1.090,8 điểm. Đây là mức điểm cao nhất của chỉ số này kể từ đầu tháng 2/2023.
Đà tăng tích cực cũng lan tỏa sang sàn Hà Nội với chỉ số HNX-Index tăng mạnh 3,9% lên mức 226,0 điểm và chỉ số UPCoM-Index bật tăng 4,2% lên mức 84,0 điểm.
Theo nhận định của ông Đinh Quang Hinh, Trưởng Bộ phận vĩ mô và Chiến lược thị trường, Khối Phân tích, Công ty Chứng khoán VNDirect, diễn biến giao dịch trên thị trường chứng khoán tuần qua càng khẳng định quan điểm rằng dòng tiền trong nước đang dần quay trở lại thị trường chứng khoán trong bối cảnh lãi suất giảm. Chỉ số VN-Index đã đặt một chân qua mốc 1.080 điểm (tương ứng với đường xu hướng dài hạn MA200) với thanh khoản chạm mức 18.000 tỷ đồng trong phiên giao dịch ngày thứ 6.
Trong tuần giao dịch mới, chuyên gia cho rằng chỉ số VN-Index có thể kiểm định lại mốc 1.080 điểm và nếu duy trì thành công trên ngưỡng này, thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ chuyển dịch trạng thái từ “xu hướng đi ngang” sang “xu hướng tăng điểm”.
"Do đó, nhà đầu tư cần quan sát kỹ diễn biến giao dịch của chỉ số VN-Index để có thể khẳng định là thị trường đã thực sự bước vào sóng tăng hay chưa. Nhà đầu tư đã giải ngân thành công trong những tuần trước đó có thể tiếp tục nắm giữ cổ phiếu, đồng thời hạn chế mua đuổi những cổ phiếu đã tăng mạnh gần đây vì việc mua vào với giá vốn cao tiềm ẩn rủi ro khi bước vào nhịp điều chỉnh kỹ thuật", ông Đinh Quang Hinh khuyến nghị.
Trong khi đó, Công ty Chứng khoán Agribank (Agriseco) cho rằng xu hướng tăng điểm của VN-Index sẽ xuất hiện rõ ràng hơn trong tháng 6 khi các chính sách vĩ mô nới lỏng được ban hành thời gian qua sẽ thẩm thấu vào hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp.
"Thêm vào đó, với việc Thượng viện Mỹ đạt được thỏa thuận về trần nợ công, kéo dài tới 1/1/2025, chúng tôi kỳ vọng các áp lực về lãi suất, tỷ giá có thể xuất hiện tại Việt Nam sẽ không đáng kể. Song nhà đầu tư cần chú ý tới khả năng nâng lãi suất điều hành của FED trong kỳ họp ngày 15/6 do chỉ số lạm phát lõi của Mỹ tiếp tục tăng 4,7% trong tháng 4, cao hơn tháng trước đó. Điều này cho thấy lạm phát dù hạ nhiệt so với đỉnh song vẫn cách xa mức mục tiêu 2% của FED", phía Agriseco lưu ý.
Về diễn biến kỹ thuật, bước sang đầu tháng 6, VN-Index cho tín hiệu vượt khỏi ngưỡng kháng cự dài hạn MA200 trên cả 2 chỉ số quan trọng là VN-Index và VN30-Index. Đây là lần đầu tiên chỉ số đạt được mốc này kể từ thời điểm trải qua xu hướng giảm giá dài hạn bắt đầu vào tháng 4/2022.
Với diễn biến lạc quan trên, Agriseco kỳ vọng thị trường sẽ ghi nhận xu hướng tăng giá trong tháng 6, điểm số dao động từ 1.080 – 1.150 điểm. Vì vậy, các nhịp điều chỉnh của VN-Index về vùng hỗ trợ dài hạn sẽ là cơ hội để nhà đầu tư mua vào hoặc tăng tỷ trọng với các vị thế sẵn có.
Với kỳ vọng thời gian tới xu hướng hồi phục sẽ xuất hiện, Agriseco đưa ra một số cơ hội đầu tư trong tháng 6. Thứ nhất là nhóm doanh nghiệp được hưởng lợi từ chính sách nới lỏng tiền tệ gần đây như ngân hàng, chứng khoán, xây dựng hạ tầng.
Thứ hai là nhóm doanh nghiệp có kỳ vọng lợi nhuận quý II khả quan so với cùng kỳ, bao gồm nhóm vận tải hàng không, nhiệt điện, dầu khí.
Thứ ba là một số doanh nghiệp hưởng lợi từ câu chuyện Quy hoạch điện VIII đi vào vận hành, như nhóm doanh nghiệp tư vấn thi công, xây lắp điện (PC1, FCN, TV2, PVS), vận hành điện tái tạo (GEG, HDG).