VN-Index thăng hoa: Có dấu hiệu bất thường?
Theo chuyên gia chứng khoán Trần Đăng Khâm, sự thăng hoa của thị trường chứng khoán hiện nay có dấu hiệu bất thường.
Tổng cục Thống kê vừa công bố tình hình kinh tế - xã hội quý II và 6 tháng đầu năm 2021, trong đó cho biết tổng sản phẩm trong nước (GDP) 6 tháng đầu năm tăng 5,64%.
Trong bối cảnh dịch Covid-19 bùng phát tại một số địa phương trên cả nước từ cuối tháng 4 với những diễn biến phức tạp, khó lường, đặt ra nhiều thách thức, rủi ro cho Việt Nam trong việc thực hiện mục tiêu kép, kết quả tăng trưởng nêu trên được đánh giá là đáng ghi nhận.
Tuy nhiên, ở bình diện khác, trong khi tăng trưởng kinh tế chậm lại do tác động bởi dịch bệnh thì thị trường chứng khoán Việt Nam lại thăng hoa. Theo một thống kê, VN-Index đã tăng 15% trong năm 2020 và tăng hơn 27% tính từ đầu năm 2021 đến ngày 30/06/2021. Đến cuối phiên sáng 30/6, VN-Index vươn lên mốc cao kỷ lục mới 1.415,78 điểm.
"Sự thăng hoa của thị trường chứng khoán có dấu hiệu bất thường", PGS.TS Trần Đăng Khâm, Viện Ngân hàng - Tài chính (Đại học Kinh tế Quốc dân) nhận xét.
Theo vị chuyên gia chứng khoán, kết quả phân tích của một số quỹ đầu tư về kinh tế Việt Nam năm 2021 cho thấy các "sao xấu" chiếu vào thị trường do tác động của nhiều yếu tố, kể cả yếu tố vĩ mô. Trong điều kiện đó, ông nhìn nhận sự đi lên của thị trường chứng khoán là không hợp lý và lý giải bằng mối quan hệ tác động qua lại giữa các yếu tố với nhau.
Thứ nhất, doanh nghiệp không đầu tư vào sản xuất được, đã chuyển sang đầu tư chứng khoán, bất động sản. Trong đó, thị trường bất động sản đã có hiện tượng nóng lên từ năm 2019 nên cơ quan quản lý đã có biện pháp kiểm soát chặt đối với đầu tư vào bất động sản. Khi lượng tiền trong dân cư, doanh nghiệp không biết đầu tư vào đâu thì họ đổ vào chứng khoán.
Thứ hai, kinh tế Việt Nam vẫn tăng trưởng dương và tốc độ tăng trưởng ấy được xem là ở mức khá. Điều này tạo ra sự lạc quan có phần thái quá của các nhà đầu tư và thị trường chứng khoán, cộng với việc tiền đang nhàn rỗi, không biết đầu tư vào đâu nên nhà đầu tư đổ vào chứng khoán. Từ đây, có thể thấy thị trường chứng khoán đang vượt giá trị thực của nó.
"Đây là một dấu hiệu đáng ngại", PGS.TS Trần Đăng Khâm nhận xét.
Một điểm khác được ông lưu ý, đó là trước khi thị trường đi xuống bao giờ cũng bùng lên một chút. Quan sát diễn biến kinh tế và thị trường, nhiều nhà đầu tư đã tạm rút khỏi thị trường chứng khoán từ cách đây gần 2 tháng khi nhận thấy dấu hiệu lạ.
Dù vậy, khi nhận định về nguy cơ bóng bóng của thị trường chứng khoán, PGS.TS Trần Đăng Khâm cho rằng, ở thời điểm này khó đưa ra cơ sở. Ông chỉ có thể khẳng định, nhìn vào diễn biến của nền kinh tế thời gian qua, sự tăng giá của thị trường chứng khoán là bất thường.
"Năm 2020 là năm quá thuận đối với các nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán và các nhà đầu tư F0 lại là những người thành công nhất. Thắng nhiều quá tạo ra tâm lý hứng phấn thái quá và nhiều nhà đầu tư thấy kiếm tiền từ chứng khoán dễ quá, càng lao vào đầu tư nhiều hơn, và lại là đầu tư bằng tiền của người khác.
Tuy nhiên, rõ ràng bây giờ nhà đầu tư phải phân tích để đưa ra quyết định đầu tư sáng suốt hơn, tránh lạc quan quá", PGS.TS Trần Đăng Khâm nhận xét.
Cũng cho ý kiến về vấn đề này, tại cuộc tọa đàm “Kinh tế vĩ mô và thị trường chứng khoán" diễn ra vào ngày 29/6, chuyên gia tài chính-ngân hàng - TS Nguyễn Trí Hiếu cũng có cái nhìn thận trọng và khá quan ngại về việc dòng tiền đang dồi dào trên thị trường tài chính nhưng chưa thực sự đến “túi” các nhà sản xuất, kinh doanh.
Theo vị chuyên gia, trong nước, mặt bằng lãi suất huy động tại các ngân hàng thấp, nhiều người thay vì gửi tiết kiệm đang đổ vào đầu tư chứng khoán… Thị trường chứng khoán không thực sự là hàn thử biểu phản ảnh sức khoẻ của nền kinh tế, bởi GDP năm 2020 chỉ tăng 2,91% và 6 tháng đầu năm nay tăng 5,64%. Tốc độ tăng trưởng GDP đã suy giảm do nền kinh tế bị tác động mạnh bởi Covid-19, nhưng VN-Index lại tăng nóng vượt mốc 1.400 điểm. Điều này gây nên lo ngại về nguy cơ xuất hiện bong bóng trên thị trường chứng khoán…
Ông phân tích thêm, tăng trưởng tín dụng của hệ thống ngân hàng cao, nhưng tốc độ tăng trưởng huy động thấp. Điều này phần nào lý giải thông thường thay vì gửi tiền tiết kiệm vào ngân hàng, nhà đầu tư đổ tiền vào chứng khoán, bất động sản vì mặt bằng lãi suất thấp. Trong số nhà đầu mới tham gia thị trường chứng khoán gần đây, phần lớn không phải là nhà đầu tư tổ chức và chuyên nghiệp.
“E rằng tiền đang đổ quá nhiều vào chứng khoán, nhất là dòng tiền tập trung trên thị trường thứ cấp, chứ không phải sơ cấp. Có nghĩa là tiền chưa đến túi của các nhà sản xuất, kinh doanh. Điều này tiềm ẩn rủi ro lớn nếu diễn biến như hiện nay không kiểm soát chặt. Một khi hình thành bong bóng chứng khoán, thì sẽ gây rủi ro cho nền kinh tế…”, TS Nguyễn Trí Hiếu cảnh báo.