VN-Index vượt đỉnh: Nhịp điều chỉnh sẽ diễn ra trong nửa cuối tháng 7
Theo chuyên gia, sau nhịp điều chỉnh ngắn vào nửa cuối tháng 7, thị trường chứng khoán sẽ tiếp tục xu hướng tăng, mở ra một trong những giai đoạn dễ kiếm tiền nhất đối với các nhà đầu tư.
Thị trường chứng khoán tiếp tục duy trì nhịp tăng ấn tượng trong phiên giao dịch ngày 10/7 với biên độ hai con số. Có thêm 14,32 điểm, VN-Index đóng cửa ở mức 1.445,64 điểm, tiệm cận mốc kháng cự tâm lý quan trọng 1.450.
Tuy nhiên, việc chỉ số bứt tốc mạnh mẽ trong thời gian ngắn cũng khiến không ít nhà đầu tư lo ngại về khả năng thị trường sớm xuất hiện một nhịp điều chỉnh kỹ thuật hoặc phân phối ngắn hạn.
Trước những diễn biến này, Tạp chí Đầu tư Tài chính – VietnamFinance đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Minh Hoàng, Giám đốc Phân tích Công ty Cổ phần Chứng khoán Nhất Việt (VFS), nhằm làm rõ triển vọng thị trường và chiến lược đầu tư phù hợp trong giai đoạn sắp tới.

Xác suất điều chỉnh là khá cao, VN-Index sẽ không giảm sâu
Ông Nguyễn Minh Hoàng cho hay, xác suất xuất hiện nhịp điều chỉnh trong thời gian tới là khá cao và dường như thị trường cũng đang “chờ đợi” điều này. Nhiều khả năng, nhịp điều chỉnh sẽ diễn ra trong nửa cuối tháng 7, nhưng “nhanh và không sâu”. Biên độ giảm dự kiến chỉ dao động trong khoảng 3–5%, có thể diễn ra ngay trong phiên, lâu hơn là khoảng 1 tuần và sẽ không kéo dài quá 2 tuần.
“Tôi nghiêng về kịch bản thị trường điều chỉnh nhanh trong vòng 1 tuần, sau đó trở lại xu hướng tăng”, ông Hoàng dự báo.
Giám đốc Phân tích VFS đề cập đến một yếu tố đáng chú ý trong đà tăng hiện nay của thị trường là lực đỡ của khối ngoại. Theo thống kê, từ đầu tháng 7 đến nay, nhà đầu tư nước ngoài đã duy trì trạng thái mua ròng 7/8 phiên, với giá trị lên tới 11.000 tỷ đồng. Đây là một sức mua “khủng khiếp”, nếu đặt trong tương quan với giai đoạn cuối năm 2022 đến đầu năm 2023. Thời điểm đó, khi VN-Index tạo đáy, các nhà đầu tư nước ngoài mua ròng kỷ lục, với tổng giá trị hơn 29.000 tỷ đồng, nhưng kéo dài ròng rã trong hơn 3 tháng.
“Lần này, chưa đến 10 phiên giao dịch, khối ngoại đã bơm hơn 11.000 tỷ đồng vào thị trường, tập trung vào các cổ phiếu bluechip, góp phần khiến chỉ số tăng tốc nhanh chóng và liên tục “phá vỡ” các ngưỡng kháng cự”, ông Nguyễn Minh Hoàng phân tích.
Tuy vậy, ông Hoàng chỉ ra rằng, dòng tiền ngoại cũng có thể trở thành một biến số: “Câu hỏi đặt ra là liệu họ có tiếp tục duy trì cường độ mua như hiện nay hay không? Nếu dòng tiền ngoại vẫn duy trì cường độ như hiện tại, rất khó đoán thị trường sẽ điều chỉnh ra sao”.
Theo vị chuyên gia, chính cường độ mua ròng mạnh mẽ của nhà đầu tư nước ngoài, cộng với lực mua của nhà đầu tư trong nước và lượng lớn tiền nội đang chờ đợi, khó có thể xuất hiện một nhịp điều chỉnh sâu.
“Nhiều người đang cho rằng thị trường đang FOMO nhưng không thể phủ nhận rằng dòng tiền nội lẫn ngoài ngoại đều đang mạnh, chưa kể lực chờ mua”, ông Hoàng nói.
Về triển vọng thị trường chứng khoán nửa cuối năm, ông Nguyễn Minh Hoàng cho rằng, sau nhịp điều chỉnh, VN-Index sẽ tiếp tục tăng. Trong kịch bản thận trọng, chỉ số sẽ neo ở mức 1.400 điểm. Trong kịch bản tích cực hơn và căn cứ vào những gì đang diễn ra, mức 1.500 cũng là một con số hợp lý. Ông cũng lưu ý rằng, cần theo dõi cách thị trường vận động qua nhịp điều chỉnh sắp tới để xác lập kỳ vọng cụ thể hơn cho VN-Index trong những tháng còn lại của năm.

Liên quan đến yếu tố “tiền rẻ”, một trong những động lực của thị trường, ông Hoàng nhìn nhận, đây sẽ là cơ hội để thị trường tiếp tục bứt phá.
“Không còn nghi ngờ gì nữa, thị trường chứng khoán đã xác nhận xu hướng tăng. Tính đến hết tháng 6, tăng trưởng tín dụng đã đạt 9,9%, cho thấy tiền vẫn đang được bơm ra rất mạnh. Thị trường đang bước vào chu kỳ tăng tương tự giai đoạn 2016-2017 và 2020-2021, khi chính sách tiền tệ nới lỏng là chất xúc tác mạnh mẽ. Hiện tại mới chỉ là giai đoạn đầu của chu kỳ tăng giá”, ông Hoàng đánh giá.
Dù vậy, vị chuyên gia cũng cảnh báo rằng, nếu dòng tiền tiếp tục được bơm ra với cường độ quá mạnh, áp lực lạm phát sẽ là điều không thể tránh khỏi. Những rủi ro này có thể chưa hiện diện ngay, nhưng sẽ bộc lộ rõ hơn vào giai đoạn sau của chu kỳ tăng. Còn trong ngắn hạn, ông cho rằng bối cảnh hiện tại vẫn tạo điều kiện thuận lợi cho thị trường tài chính và hoạt động đầu tư.
Nhà đầu tư làm gì trong giai đoạn dễ kiếm tiền?
Trong bối cảnh thị trường bước vào giai đoạn đầu của chu kỳ tăng giá, ông Nguyễn Minh Hoàng khuyến nghị nhà đầu tư nên ưu tiên nắm giữ cổ phiếu, kể cả những mã đã tăng tương đối, thay vì vội vàng hiện thực hóa lợi nhuận.
Nếu đang sử dụng full margin, nhà đầu tư có thể cân nhắc chốt lời để kiểm soát rủi ro trước những biến động bất ngờ. Ngược lại, với những nhà đầu tư chưa vào tiền, họ hoàn toàn có thể giải ngân với tỷ trọng kiểm soát từ 30-50%. Trường hợp thị trường có nhịp điều chỉnh, đó sẽ là cơ hội tốt để mua vào với mức giá hấp dẫn hơn.
“Quan điểm xuyên suốt của tôi là nắm giữ. Đã ở trong xu hướng tăng mạnh, giá cổ phiếu sẽ còn lên, nhất là trong bối cảnh Việt Nam đồng đang chịu áp lực mất giá nhanh như hiện nay”, ông Hoàng nói.
Về nhóm ngành đầu tư ưu tiên, vị chuyên gia nhấn mạnh cao nhóm cổ phiếu chứng khoán – nơi hội tụ cả động lực ngắn hạn lẫn kỳ vọng dài hạn. Về ngắn hạn, thanh khoản thị trường hiện đang giao động ở mức 25.000 tỷ đồng/phiên, có phiên lên tới 35.000 tỷ đồng, vượt xa so vùng 20.000 tỷ đồng trước đó, mở ra cơ hội hưởng lợi trực tiếp cho các công ty chứng khoán.
Đồng thời, triển vọng nâng hạng thị trường cũng đang hiện hữu. Thêm vào đó, nếu “bóc tách” dòng vốn ngoại đang rót mạnh vào thị trường thời gian gần đầy, có thể thấy, rất nhiều tiền đang đổ vào cổ phiếu chứng khoán.
“Nhà đầu tư có thể nắm giữ các cổ phiếu chứng khoán xuyên suốt, bất chấp nhịp điều chỉnh, dựa trên kỳ vọng về uptrend lớn và thanh khoản của thị trường”, ông Nguyễn Minh Hoàng cho hay.

Nhóm ngành thứ hai được khuyến nghị là bất động sản – nhóm ngành đang có định giá hấp dẫn và được kỳ vọng tăng trưởng trở lại trong trung – dài hạn.
“Chúng tôi đã call-buy đối với nhóm cổ phiếu bất động sản trong Hội thảo đầu năm và sẽ tiếp tục duy trì quan điểm tích cực trong Hội thảo ngày 17/7 tới đây. Điểm rơi lợi nhuận của nhóm này sẽ rơi vào giai đoạn cuối 2025 và 2026”, vị chuyên gia nói.
Ngoài ra, các nhóm ngành khác đều có triển vọng riêng, đi theo các chiến lược tăng trưởng xanh, ESG và các định hướng bơm tiền, hỗ trợ lãi suất… của Chỉnh phủ. Mặt khác, trong bối cảnh thông tin về thuế quan đã tương đối rõ ràng và mức thuế đối với Việt Nam được đánh giá là tương đối hấp dẫn so với các quốc gia trong khu vực, nhà đầu tư cũng có thể tìm kiếm cơ hội tại các nhóm ngành có khả năng hưởng lợi từ dòng vốn đầu tư và thương mại quốc tế.
“Trọng tâm đầu tư nên vẫn đặt vào các yếu tố nội tại, đặc biệt là các nhóm ngành như chứng khoán, ngân hàng, đầu tư công và vật liệu xây dựng. Nếu thị trường thực sự đang bước vào một chu kỳ tăng mạnh như giai đoạn 2016–2017 hay 2020–2021, với dòng tiền được bơm ra mạnh mẽ, thì mặt bằng định giá của phần lớn cổ phiếu sẽ được nâng lên đáng kể. Dĩ nhiên sẽ có những nhóm ngành vượt trội hơn, nhưng nhìn chung, đây là một trong những giai đoạn dễ kiếm tiền đối với hầu hết nhà đầu tư”, ông Hoàng kết luận.