VN30, VNMidcap, VNFinlead tái cơ cấu: Điểm tên các mã 'bật bãi' và 'vào sới'
Theo BSC Research, danh mục VNMidcap sẽ chứng kiến sự thay đổi mạnh mẽ nhất khi các ETF nội loại bỏ BWE, CRE, HAG và thêm mới NVL, SIP.
Danh mục VN30, VNMidcap và VNFinlead của các ETF nội chuẩn bị bước vào kỳ tái cơ cấu quý III. Theo đó, ngày 15/07/2024 sẽ là ngày công bố thông tin thay đổi cổ phiếu thành phần. Ngày 5/8/2024 sẽ là ngày cuối cùng các ETF hoàn thiện việc cơ cấu theo danh mục mới được công bố.
Trên cơ sở dữ liệu kết thúc tại ngày 27/6/2024, BSC Research dự báo, bộ chỉ số VN30 sẽ không thay đổi trong kỳ tái cơ cấu lần này. Trong khi đó, bộ chỉ số VNFinlead sẽ bổ sung SSB và VIX mà không loại cổ phiếu nào. Tại bộ chỉ số VNMidcap, các ETF nội sẽ loại bỏ BWE, CRE, HAG, đồng thời thêm NVL và SIP vào danh mục.
Với giả định top 6 các cổ phiếu có vốn hóa lớn nhất sàn UPCoM (bao gồm VGI, ACV, MCH, MVN, BSR, VEA) sẽ “chuyển nhà” sang HoSE thành công, BSC Research đánh giá, cổ phiếu ACV và BSR đã đáp ứng các tiêu chí của bộ chỉ số VN30. Do đó, trong tương lai, nếu được chuyển sàn, hai mã này sẽ lọt vào “rổ” VN30. Ở chiều ngược lại, cổ phiếu POW, BVH sẽ là hai mã bị loại.
Đối với các mã còn lại thuộc nhóm “big 6” trên sàn UPCoM, theo các chuyên gia phân tích, VGI và MVN không đáp ứng tiêu chí giá trị vốn hóa điều chỉnh free-float, còn MCH không đáp ứng về tiêu chí khối lượng giao dịch.
“Đây là tính toán giả định dựa trên số liệu tại thời điểm tính toán và bộ quy tắc chỉ số của HOSE công bố chưa thay đổi. Dữ liệu sẽ thay đổi tại kỳ đánh giá tiếp theo và nhà đầu tư cần lưu ý vào quá trình chuyển sàn của các công ty cũng như các dự báo gần nhất”, BSC lưu ý.
Cũng theo BSC Research, trong tương lai, nếu có thêm các cổ phiếu thuộc nhóm ngành khác ngoài nhóm tài chính, bất động sản, bộ chỉ số VN30 sẽ tăng thêm tính đa dạng. Điều này vừa tránh được việc bị xô lệch phụ thuộc quá lớn vào 2 nhóm ngành ngân hàng, bất động sản vừa khiến cho chỉ số VN30 trở nên hấp dẫn.
Mặt khác, ở góc độ nhà điều hành, BSC Research cho rằng, cần sớm ban hành các bộ quy tắc chỉ số mới cập nhật sát với diễn biến thị trường. Trong khi đó, các doanh nghiệp cũng cần sớm nâng cao tiêu chuẩn để niêm yết trên HoSE - khi lộ trình chuyển đổi đã được Bộ Tài chính quy định tại Thông tư số 69/2023/TT-BTC sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 57/2021/TT-BTC quy định lộ trình sắp xếp lại thị trường giao dịch cổ phiếu, thị trường giao dịch trái phiếu, thị trường giao dịch chứng khoán phái sinh và thị trường giao dịch các loại chứng khoán khác.
Về lượng cổ phiếu mua/bán trong kỳ cơ cấu sắp tới, BSC Research dự báo, HPG sẽ là mã được các ETF nội mua vào mạnh nhất, với số lượng rơi vào khoảng hơn 7,6 triệu đơn vị. Theo sau là SHB (2,6 triệu đơn vị), VPB (1,3 triệu đơn vị), MBB (1,2 triệu đơn vị). Các mã VIX, LPB, HDB, ACB, SSB được mua mới khoảng 700.000 - 800.000 đơn vị.
Ở chiều ngược lại, ước tính, các ETF nội sẽ bán ra mạnh nhất cổ phiếu FPT, với số lượng gần 1,4 triệu đơn vị. Kế đến là TCB, VND và BCM với khoảng 100.000 - 300.000 đơn vị bán ra.
Liên quan đến thị trường chứng khoán tuần này, BSC Research nhận định, sau 4 phiên doji tích lũy trên SMA20 tại 1.278 điểm và 3 phiên trên SMA50 tại 1.255 điểm, VN-Index đã lần lượt mất các ngưỡng hỗ trợ này. Hai phiên chỉ hướng giảm điểm ngày 24 và 28/6 đã xác nhận và tiếp tục củng cố xu hướng giảm ngắn hạn. Dải bollinger mở rộng hướng xuống dưới và các chỉ báo kỹ thuật giảm nhanh về vùng quá mua cho thấy áp lực giảm điểm đang chi phối.
Như vậy, vận động tuần qua đã phá vỡ vùng tích lũy đỉnh 1.250– 1.300 được thiết lập từ 15/5. Theo nhóm phân tích, quá trình dò đáy sẽ tiếp tục diễn ra trong tuần này. Tuy nhiên, điều này cũng mở cơ hội cho hoạt động bắt đáy khi các chỉ báo kỹ thuật đang dần tiến tới vùng quá bán.