Vỡ trận chỗ gửi xe chung cư: Hậu họa sự nửa vời
Tình trạng thiếu chỗ để xe trầm trọng xảy ra ở nhiều khu chung cư Hà Nội, đặc biệt là các khu nhà ở thương mại giá rẻ, nhà ở xã hội.
Dạo một vòng quanh các quận, huyện Hà Nội, không khó để bắt gặp hình ảnh ô tô đậu đỗ tràn lan trên vỉa hè, khuôn viên các khu đô thị, lòng đường, đặc biệt là khu vực quanh các chung cư.
Tổ hợp chung cư HH Linh Đàm (quận Hoàng Mai, Hà Nội) hoàn toàn không có chỗ để xe cho ô tô, cư dân tại đây phải gửi ô tô tại bãi giữ xe tự phát ở bên cạnh hoặc ở chung cư HUD đối diện , hoặc chấp nhận đi xa gửi ô tô trong bán đảo Linh Đàm.
Theo quy định của Bộ Xây dựng, từ năm 2013, đối với chung cư, nhà ở thương mại, cứ 100m2 diện tích sử dụng của căn hộ thì phải bố trí ít nhất 20m2 chỗ để xe. Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều chủ đầu tư chung cư không tuân thủ quy định này. Đã vậy, nhiều chủ đầu tư còn cố tình giữ lại nhà đỗ ô tô làm tài sản riêng, không bàn giao cho ban quản trị chung cư, dẫn đến tranh chấp với cư dân.
Trong khi đó, theo Luật Nhà ở 2014, chỗ để xe trong các chung cư do chủ đầu tư và khách hàng thỏa thuận trên hợp đồng mua bán. Cụ thể, đối với chỗ để xe ô tô dành cho các chủ sở hữu nhà chung cư thì người mua, thuê mua căn hộ hoặc diện tích khác trong nhà chung cư quyết định mua hoặc thuê; trường hợp không mua hoặc không thuê thì chỗ để xe ô tô này thuộc quyền quản lý của chủ đầu tư và chủ đầu tư không được tính vào giá bán, giá thuê mua chi phí đầu tư xây dựng chỗ để xe này.
Với quy định này, chủ đầu tư chung cư không cần phải có trách nhiệm bố trí chỗ để xe cho cư dân mua nhà, trừ trường hợp có thỏa thuận trong hợp đồng mua bán.
Trao đổi với Đất Việt về tình trạng này, PGS.TS Nguyễn Đình Thám, nguyên Trưởng Bộ môn Công nghệ và Quản lý Xây dựng (Đại học Xây dựng) cho rằng, đây là một vấn đề của xã hội, đặc biệt là của Việt Nam, cho thấy sự nửa vời từ trong quy hoạch đến thực hiện.
Theo vị chuyên gia, quy hoạch một đô thị là vấn đề tổng thể, từ dân cư đến mọi sinh hoạt của cụm dân cư đi kèm. Mức độ thỏa mãn cho cụm dân cư đó phụ thuộc vào "đẳng cấp" của khu đô thị đó.
Thế nhưng, người quy hoạch đã không làm rõ vấn đề này, chủ đầu tư và cư dân lại càng mù mờ. Đến khi đưa vào sử dụng rồi, các vấn đề này mới đặt ra và trở thành những mâu thuẫn không thể giải quyết được.
Tổ hợp HH Linh Đàm không có chỗ để xe ô tô, cư dân ở đây phải gửi ô tô tại bãi giữ xe tự phát bên cạnh. Ảnh: Lao động |
"Nếu thiết kế một khu đô thị cao cấp, đầy đủ mọi tiện ích thì khi cư dân vào ở, mọi nhu cầu của họ đều được thỏa mãn. Tuy nhiên, thực tế, các tiêu chí đối với khu đô thị cao cấp ở Việt Nam còn chung chung, các định nghĩa về khu đô thị "năm sao", "ba sao", "hai sao"... chưa được cụ thể hóa, đến khi cư dân vào ở mới "ngã ngửa".
Đối với bản thân cư dân, ban đầu vào ở có thể họ chỉ có chiếc xe máy, nhưng vài năm sau, thu nhập tốt hơn, nhiều nhà mua được ô tô. Từ chỗ để xe máy sang chỗ để ô tô là một vấn đề lớn.
Đáng lẽ trước khi người dân vào ở một khu chung cư nào đó thì phải nghiên cứu, trả lời câu hỏi: họ yêu cầu ở mức độ nào và khu chung cư đó đáp ứng được hay không? Không thể có chuyện vào rồi mới đòi hỏi, cuối cùng trở thành một bài toán không có lời giải", PGS.TS Nguyễn Đình Thám phân tích.
Nhắc lại quy định trong Luật Nhà ở 2014 nêu trên, vị chuyên gia cho rằng bản thân quy định đó đã nói lên sự nửa vời, thiếu rõ ràng.
"Cư dân có ô tô thì thỏa thuận, mà không có thì không thỏa thuận. Trước khi mua nhà, cư dân phải biết chung cư đó có chỗ để xe hay không thì mới thỏa thuận. Đây là bất động sản, cái gì đã có thì cố định như vậy, không phải vào ở rồi tự tìm chỗ để xe.
Khi dự án thiết kế đầy đủ rồi, không có chỗ để xe thì vấn đề chỗ để xe không thể đặt ra, mà người dân đã chấp nhận ở đấy rồi thì rất khó có thể đòi hỏi được quyền có chỗ để xe, làm sao có thể mang bài toán về chỗ để xe để yêu cầu chủ đầu tư hay cơ quan quản lý phải giải quyết?", ông đặt câu hỏi và ví von điều này cũng giống như vấn đề giao thông tĩnh ở Hà Nội. Hiện nay, giao thông tĩnh đang là vấn được đặt ra đối với TP Hà Nội. Tuy nhiên, nếu ban đầu thiết kế có giao thông tĩnh thì vấn đề này có thể giải quyết, còn nếu không thiết kế giao thông tĩnh thì sẽ chẳng bao giờ có.
"Đem điều kiện nọ chắp vào điều kiện kia là không phù hợp và sẽ không giải quyết được bài toán rắc rối muôn thuở", PGS.TS Nguyễn Đình Thám nhấn mạnh.
Trở lại với tình trạng thiếu chỗ để xe ở chung cư, ông nhắc lại một đề xuất của một đại biểu HĐND TP Đà Nẵng vào cuối năm ngoái, đó là phải tính tới phương án là buộc người mua xe phải chứng minh có chỗ đỗ xe, còn để như tình trạng hiện nay người dân mua xe rồi đòi có chỗ để xe, thành phố không lo xuể. Thời điểm đó, khi đề xuất này được đưa ra, nó đã bị "ném đá" dữ dội, nhiều người mua xe phản đối rằng họ không cần chỗ để xe, muốn để đâu thì kệ họ.
Tuy nhiên, theo ông Thám, đề xuất ấy không phải không có lý.
"Chính sách cần nhất quán ngay từ đầu rằng phải có chỗ để xe thì mới được mua xe. Còn không có chỗ để xe, nhưng người dân cứ mua xe rồi bắt xã hội phải giải quyết thì đó là bài toán ngược", ông Thám nhận xét và cho rằng, một khi quy định đã nửa vời thì mọi thứ sẽ nửa vời theo. Hậu quả là dẫn đến sự vỡ trận chỗ để xe ở các khu đô thị, đặc biệt là các khu đô thị có mật độ dân cư cao.
"Dự án Tòa nhà hỗn hợp dịch vụ văn phòng, dịch vụ thương mại và nhà ở HH Linh Đàm là một ví dụ. Dự án này chỉ được phép xây dựng 27 tầng. Tuy nhiên, chủ đầu tư- Doanh nghiệp tư nhân Xây dựng số 1 Điện Biên (thuộc Tập đoàn Mường Thanh) đã ngang nhiên xây dựng tới 36 tầng với tòa HH4 và 41 tầng đối với các tòa HH1, HH2, HH3 (vượt nhiều tầng so với quy hoạch được phê duyệt).
Xây dựng sai quy hoạch dẫn đến mật độ cư dân tập trung quá lớn, dịch vụ trông xe và các dịch vụ xã hội khác trở nên quá tải, thậm chí "vỡ trận" thì chủ đầu tư phải là người chịu trách nhiệm giải quyết trước tiên, không thể nào cứ "đẽo chân cho vừa giày" được", vị chuyên gia kết luận.