Vốn FDI tiếp tục chảy mạnh vào Việt Nam: Bất động sản dẫn đầu
Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội tháng 1/2024 của Tổng cục Thống kê cho biết, tổng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đăng ký vào Việt Nam tính đến ngày 20/1/2024 bao gồm vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 2,36 tỷ USD, tăng 40,2% so với cùng kỳ năm trước.
Cụ thể, vốn đăng ký cấp mới có 190 dự án được cấp phép với số vốn đăng ký đạt 2,01 tỷ USD, tăng 24,2% về số dự án và tăng 66,9% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm trước.
Trong đó, hoạt động kinh doanh bất động sản được cấp phép mới đầu tư nước ngoài lớn nhất với số vốn đăng ký đạt 1,24 tỷ USD, chiếm 61,8% tổng vốn đăng ký cấp mới; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 715,9 triệu USD, chiếm 35,6%; các ngành còn lại đạt 51,6 triệu USD, chiếm 2,6%.
Trong số 25 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư được cấp phép mới tại Việt Nam trong tháng 1/2024, Singapore là nhà đầu tư lớn nhất với 1,32 tỷ USD, chiếm 65,6% tổng vốn đăng ký cấp mới; tiếp đến là Nhật Bản 302,6 triệu USD, chiếm 15%; Trung Quốc 142,1 triệu USD, chiếm 7,1%; đặc khu hành chính Hong Kong (Trung Quốc) 74,7 triệu USD, chiếm 3,7%; Samoa 49,4 triệu USD, chiếm 2,5%.
Còn vốn đăng ký điều chỉnh có 75 lượt dự án đã cấp phép từ các năm trước đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư tăng thêm 235,4 triệu USD, giảm 23,1% so với cùng kỳ năm trước.
Nếu tính cả vốn đăng ký mới và vốn đăng ký điều chỉnh của các dự án đã cấp phép từ các năm trước thì vốn đầu tư nước ngoài vào hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 1,25 tỷ USD, chiếm 55,7% tổng vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 909,4 triệu USD, chiếm 40,5%; các ngành còn lại đạt 86,2 triệu USD, chiếm 3,8%.
Về vốn đăng ký góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài có 174 lượt với tổng giá trị góp vốn 116,5 triệu USD, giảm 33,1% so cùng kỳ năm trước. Trong đó có 56 lượt góp vốn, mua cổ phần làm tăng vốn điều lệ của doanh nghiệp với giá trị góp vốn là 79,5 triệu USD và 118 lượt nhà đầu tư nước ngoài mua lại cổ phần trong nước mà không làm tăng vốn điều lệ với giá trị gần 37 triệu USD.
Đối với hình thức góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài, vốn đầu tư vào hoạt động chuyên môn, khoa học công nghệ đạt 57 triệu USD, chiếm 48,9%; hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 22,1 triệu USD, chiếm 18,9% giá trị góp vốn; ngành còn lại 37,4 triệu USD, chiếm 32,2%.
Lý giải nguyên nhân về việc lĩnh vực bất động sản tiếp tục rót vốn vào FDI, PGS. TS Đinh Trọng Thịnh, Học viện Tài chính cho biết đến hết năm 2023, ngành kinh doanh bất động sản đứng ở vị trí thứ 2 về thu hút nguồn vốn ngoại với tổng vốn đầu tư gần 4,67 tỷ USD, chiếm hơn 12,7% tổng vốn đầu tư đăng ký, tăng 4,8% so với cùng kỳ.
Theo ông Thịnh, để thu hút FDI vào lĩnh vực bất động sản cần xem xét đổi mới biện pháp hỗ trợ các doanh nghiệp FDI trong việc tiếp cận các thủ tục đầu tư, các ưu đãi trong việc giảm chi phí đầu tư, trong việc giải phóng mặt bằng, trong tuyển dụng công nhân.
TS Sử Ngọc Khương, Giám đốc cấp cao - Bộ phận tư vấn đầu tư Savills Việt Nam, đánh giá sau cuộc khủng hoảng tài chính (kết thúc năm 2013), lượng vốn FDI mới đã tăng lên rõ rệt và đều đặn qua từng năm, trong đó vốn FDI rót vào ngành bất động sản chiếm tỷ trọng lớn, luôn đứng vị trí thứ 2 trong thu hút vốn FDI.
Ông Khương nhìn nhận thị trường bất động sản Việt Nam luôn là “miếng bánh hấp dẫn” trong mắt các doanh nghiệp nước ngoài. Nguyên do là Việt Nam có lực lượng lao động trẻ 25 - 35 tuổi đông đảo, đồng thời là nước có hơn 100 triệu dân nên nhu cầu về nhà ở rất lớn, nhất là giới trẻ đang học tập, sinh sống và làm việc tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng…
Để thu hút nguồn lực FDI lớn hơn nữa, TS Sử Ngọc Khương cho rằng cần giải quyết được các vấn đề nội tại, cụ thể là các vấn đề pháp lý dự án cũng như hành lang pháp lý nói chung để nhà đầu tư tham gia rót vốn vào. Dòng vốn FDI nếu gặp rào cản thì các thương vụ M&A bất động sản cũng sẽ bị kìm hãm và tất yếu, nhà đầu tư nước ngoài sẽ nắn dòng vốn chảy sang các nước khác.