Vụ Vạn Thịnh Phát: Lộ diện 2 công ty liên quan đến Tập đoàn Tuần Châu phải trả bà Trương Mỹ Lan hơn 6.000 tỷ
Buộc trả Trương Mỹ Lan 6.000 tỷ nhưng các quyền sử dụng đất vẫn bị cơ quan cảnh sát điều tra ngăn chặn chuyển nhượng phục vụ cho nghĩa vụ với SCB.
Ngày 11/4, HĐXX đã tuyên đọc bản án dành cho Trương Mỹ Lan và 85 bị can trong vụ Vạn Thịnh Phát. Trách nhiệm dân sự của các bên liên quan cũng được HĐXX tuyên đọc.
Trong số đó, nổi lên rất nhiều bên liên quan phải nộp lại hàng nghìn tỷ đồng trả cho Trương Mỹ Lan để khắc phục hậu quả vụ án.
Được "bàn" nhiều nhất có lẽ là việc Quốc Cường Gia Lai (QCG) buộc trả lại Trương Mỹ Lan 2.882 tỷ đồng. Đây là số tiền Quốc Cường Gia Lai nhận từ Sunny Island theo hợp đồng hứa mua hứa bán dự án Phước Kiển từ năm 2017. Bất ngờ khi sau ngày đầu tiền "ra tin", cổ phiếu QCG ảnh hưởng tiêu cực, giảm sâu, thì 3 phiên liền sau đó tăng mạnh khi các nhà phân tích đều cho rằng nhìn kết quả, có vẻ Quốc Cường Gia Lai đang "nhận tin tốt" về giấy tờ dự án Phước Kiển.
Một đối tượng phải nộp số tiền khủng khác là công tu Phú An và nữ đại gia Phan Thị Phương Thảo với 145 tỷ đồng và 1.000 lượng vàng SJC. Đây là tình tiết hoàn toàn mới, trước đó 2 cái tên này chưa từng xuất hiện trong cáo trạng.
Khá nhiều khoản tiền phải nộp lên đến trăm, nghìn tỷ khác, trong đó có cái tên quen thuộc CTCP T&H Hạ Long và CTCP Âu Lạc với số tiền nộp lại hơn 6.095 tỷ đồng trả cho Trương Mỹ Lan.
Cùng với phán quyết buộc 2 doanh nghiệp này nộp tiền, HĐXX cũng thông tin thêm, đối với quan hệ thế chấp, bảo đảm liên quan các quyền sử dụng đất của Công ty Âu Lạc và Công ty Hạ Long dùng để đảm bảo dư nợ cho các khoản vay tại ngân hàng SCB, cơ quan cảnh sát điều tra đang ngăn chặn giao dịch chuyển nhượng.
HĐXX xét cần tách ra để công ty Tuần Châu và công ty Âu Lạc giải quyết với ngân hàng SCB và các bên liên quan (nếu có) trong một vụ án khác khi các bên có yêu cầu.
8 bất động sản bị kê biên liên quan Tập đoàn Tuần Châu của "Chúa đảo" Đào Hồng Tuyển
Cáo trạng vụ án trước đó cho thấy, trong số các bất động sản bị kê biên liên quan vụ Vạn Thịnh Phát, có 8 bất động sản của Công ty TNHH Âu Lạc Quảng Ninh tại tỉnh Quảng Ninh liên quan đến thỏa thuận hợp tác của Trương Mỹ Lan với Tập đoàn Tuần Châu Quảng Ninh.
Công ty TNHH Âu Lạc Quảng Ninh của chúa đảo Tuần Châu Đoàn Hồng Tuyển thành lập tháng 8/1997. Năm 2015, công ty cập nhật thông tin do ông Đào Anh Tuấn, sinh năm 1980, làm Tổng Giám đốc, người đại diện theo pháp luật. Vốn điều lệ 700 tỷ đồng trong đó ông Đào Hồng Tuyển góp 96% và ông Đào Anh Tuấn góp 4% còn lại.
Năm 2016 Âu Lạc Quảng Ninh tăng vốn thần tốc, từ 700 tỷ đồng lên 2.500 tỷ đồng và tăng lên thành 4.100 tỷ vào tháng 8/2022. Tháng 2/2023, công ty cập nhật thông tin tăng thêm người đại diện theo pháp luật là bà Đào THị Đoan Trang, sinh năm 1981, Phó Tổng Giám đốc Âu Lạc Quảng Ninh.
Động thái mới nhất, tháng 9/2023, Âu Lạc Quảng Ninh thay đổi thông tin, chúa đảo Đào Hồng Tuyển rút khỏi danh sách cổ đông góp vốn, thay vào đó là pháp nhân CTCP Tập đoàn Tuần Châu.
Tập đoàn Tuần Châu có vốn điều lệ gần 5.039 tỷ đồng, trong đó ông Đào Hồng Tuyển góp 78,11% tương ứng 3.936 tỷ đồng; Công ty Âu Lạc Quảng Ninh góp gần 18,6% tương ứng 937 tỷ đồng và bà Đào Thị Đoan Trang góp gần 3,29% tương ứng gần 166 tỷ đồng. Bà Đoan Trang là Tổng Giám đốc, người đại diện theo pháp luật của Tập đoàn Tuần Châu.
Ông Đào Hồng Tuyển thường được gọi với biệt danh "Chúa đảo" Tuần Châu. Biệt danh này đã gắn liền với doanh nhân Đào Hồng Tuyển từ rất lâu.
Hệ sinh thái Tuần Châu của chúa đảo Đào Hồng Tuyển
Tại Quảng Ninh, Tập đoàn Tuần Châu nổi tiếng với Khu du lịch giải trí Quốc tế Tuần Châu, hệ thống khách sạn, cảng tàu… Ngoài Âu Lạc Quảng Ninh, Tập đoàn Tuần Châu, hệ sinh thái Tuần Châu Quảng Ninh còn các công ty khác.
- CTCP Tuần Châu Hà Nội thành lập từ tháng 3/2007 nhiều lần thay đổi Tổng giám đốc, người đại diện theo pháp luật, trong đó có giai đoạn do bà Đào Thị Đoan Trang đảm nhiệm, rồi đến ông Đào Anh Tuấn đảm nhiệm. Tuần Châu Hà Nội cũng từng tăng vốn "khủng" từ 300 tỷ đồng, gấp 4 lần lên 1.200 tỷ đồng vào tháng 8/2020.
Tuần Châu Hà Nội là chủ đầu tư dự án khu du lịch sinh thái và vui chơi giải trí Tuần Châu Hà Tây tại xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai với quy mô hơn 198ha.
Dự án được triển khai từ năm 2005, trong đó có cả sân golf (93ha), khu vui chơi giải trí (22ha), trung tâm thương mại quốc tế, khu biệt thự (54ha) và khách sạn 5 sao, trung tâm hội nghị quốc tế và chung cư cao cấp.
Tuy vậy sau 15 năm, dự án vẫn dang dở, mới giải phóng mặt bằng được hơn 42ha; khu vui chơi công viên nước, nhà hàng… đã đưa vào sử dụng từ khoảng 5 năm nay nhưng không sôi động. Năm 2021, Tuần Châu Hà Nội đã đề xuất điều chỉnh quy hoạch dự án theo hướng giảm quy mô diện tích đất dự án xuống 198,64ha, đồng thời mở rộng mục tiêu, quy mô xây dựng nhà ở - tăng diện tích đất ở trong phạm vi dự án, song chưa rõ kết quả.
- Công ty TNHH Sài Gòn Marina City, thành lập tháng 2/2017 có vốn điều lệ 900 tỷ đồng do ông Đào Hồng Tuyển làm Chủ tịch HĐQT; bà Đào Thụy Phương Thảo (sinh năm 1990) làm Tổng Giám đốc. Cổ đông gồm Công ty Âu Lạc (góp 78%); T&T Hạ Long (góp 20%) và bà Phương Thảo (góp 2%).
- Công ty TNHH Sài Gòn New City thành lập tháng 2/2017 vốn điều lệ 3.000 tỷ đồng do Âu Lạc Quảnh Ninh góp 78%; T&T Hạ Long góp 20% và bà Đào Thụy Phương Thảo góp 2%. Ông Đào Hồng Tuyển là Chủ tịch HĐQT và bà Phương Thảo là Tổng Giám đốc.
- CTCP Đầu tư phát triển Tuần Châu cũng thành lập tháng 6/2017 với vốn điều lệ 5.500 tỷ đồng. Cơ cấu cổ đông gồm CTCP Đầu tư và phát triển Great TPP góp 0,5%; ông Hồ Quốc Minh góp 0,5% và CTCP Đầu tư Tuần CHâu Global góp 99%.
- CTCP Đầu tư Tuần Châu Global thành lập tháng 5/2017 có vốn điều lệ 5.450 tỷ đồng. Công ty do ông Đào Hồng Tuyển góp 49%; Hồ Quốc Minh góp 1%; Đặng Thị Thanh Phương góp 20%; Châu Sam Phàm góp 10% và Nguyễn Công Thành góp 20%.
- Còn CTCP T&T Hạ Long, doanh nghiệp được nhắc tới liên quan số tiền 6.095 tỷ đồng phải trả bà Trương Mỹ Lan cùng với Công ty Âu Lạc thành lập tháng 11/2007 do ông Đào Hồng Tuyển làm Chủ tịch HĐQT, vốn điều lệ 500 tỷ đồng.
T&T Hạ Long có "động thái ngược" với nhiều công ty trong hệ sinh thái Tuần Châu, là đã giảm vốn điều lệ từ 500 tỷ đồng xuống còn 255 tỷ đồng.
Cáo trạng cũng như thông tin tại các phiên tòa không quá rõ nét về sự liên quan của hệ sinh thái Tuần Châu cũng như các tài sản kê biên liên quan vụ Vạn Thịnh Phát. HĐXX cũng tuyên việc các tài sản sẽ tiếp tục bị Cơ quan cảnh sát điều tra ngăn chặn chuyển nhượng chờ các bên liên quan xử lý.
Dấu ấn Vạn Thịnh Phát tại hệ sinh thái của chúa đảo Đào Hồng Tuyển rõ nét nhất xuất hiện ở T&T Hạ Long. Cụ thể, tháng 1/2020 T&T Hạ Long cập nhật thông tin ông Lâm Khắc Vinh (Truong Vincent) làm Chủ tịch HĐQT; Tổng Giám đốc vẫn là ông Đào Anh Tuấn. Sau đó, tháng 12/2020 bà Nguyễn Vũ Anh Thi thay chân ông Truong Vincent tiếp quản vị trí Chủ tịch HĐQT.
Tháng 8/2022, ngay trước khi vụ án Vạn Thịnh Phát vỡ lở không lâu, T&T Hạ Long tăng vốn khủng từ 255 tỷ đồng lên 3.855 tỷ đồng.
Truong Vincent và Nguyễn Vũ Anh Thi đều là 2 nhân vật quan trọng trong hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát.