Đại gia Xuân Trường: 'Chúng tôi không vay tiền, quan trọng nhất là có cơ chế'

Cho biết doanh nghiệp của mình đầu tư văn hóa nên không phải vay tiền, ông Nguyễn Xuân Trường cho rằng quan trọng nhất là có cơ chế.

57% diện tích của 1 tỉnh sẵn sàng giao cho doanh nghiệp

Tại hội nghị ngày 10/2, ông Nguyễn Xuân Trường, Tập đoàn Xuân Trường cho rằng muốn làm việc lớn thì phải có ý tưởng, phải có mục tiêu dự án, phải tổ chức thực hiện tốt.

Ông Nguyễn Xuân Trường, Tập đoàn Xuân Trường.
Ông Nguyễn Xuân Trường, Tập đoàn Xuân Trường.

Nêu ví dụ như Ninh Bình chỉ có 20.000ha thì giao cho doanh nghiệp 12.000ha, tức là 57% diện tích của 1 tỉnh sẵn sàng giao cho doanh nghiệp chỉ trong một cuộc họp rất ngắn (15 phút).

"Chúng tôi đưa Ninh Bình trở thành trung tâm du lịch của cả nước. Ninh Bình mỗi năm đón 10 triệu khách, dân số Ninh Bình có 1 triệu người, như vậy cứ 10 người thì 9 người là khách du lịch", ông Trường nói.

Theo ông Trường, cần có cơ chế chính sách, giao cho doanh nghiệp tự quyết định, tự chịu trách nhiệm.

Tương tự. với đường sắt cao tốc, đường giao thông, ông Trường cho rằng phải có ý tưởng trước, phải có văn bản để doanh nghiệp yên tâm đầu tư, ngân hàng mới cho vay tiền.

"Như với thép, để doanh nghiệp đầu tư 10.000 tỷ đồng thì ngoài vốn tự có sẽ phải vay thêm ngân hàng. Doanh nghiệp chúng tôi đầu tư văn hóa nên không phải vay tiền, không phụ thuộc ngân hàng. Bây giờ quan trọng nhất là có cơ chế", ông Trường nói.

Doanh nghiệp muốn vay vốn với lãi suất ưu đãi trong 10 năm

Cũng phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Trung Chính, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Công nghệ CMC đánh giá Việt Nam đang nghiên cứu khoa học công nghệ nhưng chữ khoa học không gắn với công nghệ và chữ công nghệ không gắn với thị trường, doanh nghiệp.

Ông Nguyễn Trung Chính, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Công nghệ CMC.
Ông Nguyễn Trung Chính, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Công nghệ CMC.

"Đây là điểm mà tôi mong chờ là khi sát nhập Bộ Khoa học và Công nghệ với Bộ Thông tin và Truyền thông thì chúng ta sẽ khắc phục điểm nghẽn này", ông Chính nói.

Theo ông Chính, năm 2024, CMC đã có tuyên bố về chiến lược chuyển đổi AI, kiến nghị với Chính phủ cần tận dụng AI như một tiềm năng, năng lực công nghệ mà người Việt có để xây dựng đất nước.

Nhắc lại 2 nhiệm vụ quốc gia đã đảm nhận, ông Chính cho biết nhiệm vụ xây dựng hạ tầng điện toán đám mây không chỉ đứng đầu Việt Nam mà còn cả khu vực. Quy mô đầu tư đến 80 MW, gấp gần 2 lần tổng công suất Việt Nam hiện nay đang có (khảng 50 MW).

Nhiệm vụ thứ hai mà CMC đảm nhận là xây dựng C.OpenAI. Trước đó, từ năm 2017, CMC công bố C.Open và đến nay chuyển thành C.OpenAI và xây dựng core AI của người Việt, trí tuệ của người Việt và sử dụng cho người Việt.

Để có thể hoàn thành các nhiệm vụ này, CMC nêu 3 kiến nghị. Thứ nhất, Nhà nước hoàn thiện thể chế, cụ thể Nhà nước giao Bộ, ngành, địa phương "KPI" cam kết thời gian giải quyết thực thi cho doanh nghiệp như thế nào.

Thứ hai, CMC có kế hoạch đầu tư 5 năm tới dành khoảng 700 triệu USD đến 1 tỷ USD xây hạ tầng kỹ thuật. Tuy nhiên doanh nghiệp vẫn băn khoăn về nguồn vốn. Do đó, doanh nghiệp mong có quỹ hỗ trợ phát triển và có chính sách vay vốn với lãi suất ưu đãi trong 10 năm.

Cuối cùng, CMC muốn mở các phân hiệu tại các địa phương thì có quy định phải có 2ha đất. Về lý thuyết 2ha đất đó là địa phương phải bố trí cho doanh nghiệp nhưng thực tế tại Hà Nội, Đà Nẵng hay TP. HCM có được 2ha đất là không hề dễ.

Ông Chính dẫn ví dụ: "Tuyển sinh 1.000-2.000 sinh viên về trí tuệ nhân tạo thì chúng tôi có tòa nhà gần 10.000 mét vuông có thể đào tạo 2.000 sinh viên. Nhưng quy định 2ha đất để triển khai phân hiệu mới thì thực sự không đơn giản về thủ tục".

Tuệ Lâm

Theo VietnamFinance