“Xã hội hóa” vaccine là cách để du lịch Việt Nam sớm trở lại

Ngày 27/5, Hiệp hội Du lịch Việt Nam đã có công văn số 46/CV-HHDLVN gửi các doanh nghiệp du lịch, các doanh nghiệp có liên quan đến du lịch và Hiệp hội Du lịch các tỉnh, thành phố về việc xã hội hóa tiêm vaccine phòng chống Covid-19.

Trong công văn có nêu rõ, theo chỉ đạo của Thủ tướng Phạm Minh Chính, ngành du lịch chủ trương triển khai xã hội hóa chương trình vaccine để đồng hành cùng Chính phủ đồng thời tạo điều kiện sớm khôi phục ngành du lịch trong bối cảnh bình thường mới.

Ngày 21/5/2021, Hiệp hội Du lịch Việt Nam đã có công văn số 45/CV-HHDLVN xin ý kiến về việc xã hội hóa chương trình vaccine trong ngành du lịch. Nội dung này đã nhận được sự ủng hộ cao của Hiệp hội du lịch các tỉnh, thành phố và nhiều doanh nghiệp hội viên. Để có cơ sở báo cáo Chính phủ và làm việc với Bộ Y tế về đề nghị cho phép hệ thống doanh nghiệp du lịch được đóng góp kinh phí để tiêm phòng vaccine cho các đơn vị du lịch bao gồm cán bộ, nhân viên và gia đình của họ, Hiệp hội đề nghị các đơn vị đăng ký số lượng người và địa điểm tiêm vaccine. Bên cạnh đó, Hiệp hội Du lịch Việt Nam kêu gọi các doanh nghiệp tích cực đóng góp vào Quỹ Vaccine của Chính phủ nhằm triển khai công tác phòng chống Covid-19.

Hiện nay, Việt Nam đang tiến hành tiêm chủng cho những đối tượng được ưu tiên, trong khi số lượng vaccine Covid-19 đang có vẫn ít hơn rất nhiều so với số dân. Không riêng Việt Nam mà trên khắp thế giới, câu chuyện có đủ vaccine và phân phối vaccine Covid-19 là mối bận tâm hàng đầu của các nước khi nguồn cung vaccine vẫn còn khan hiếm. Một số những tập đoàn lớn đã có những chỉ đạo cụ thể về việc tìm cách tiếp cận nguồn vaccine để tiêm chủng cho cán bộ nhân viên, và đã có những doanh nghiệp có nhân viên được tiêm vaccine. Tuy nhiên, các công ty du lịch và những công ty có liên quan tới hoạt động tuy số lượng lớn nhưng hầu hết lại có quy mô nhỏ, nếu không có các chương trình cho các công ty để đăng ký chung thì việc tiếp cận nguồn vaccine càng trở nên xa vời.

Theo một số các công ty du lịch, hiện nay đã có một số các đối tác tại châu Âu liên lạc để hỏi về kế hoạch mở cửa của Việt Nam nhưng câu trả lời vẫn là không biết tới bao giờ khi hiện nay Việt Nam vẫn đang nằm ở đỉnh của làn sóng lần thứ 4 và có khoảng 1% dân số được tiêm chủng. Theo đánh giá của những người làm du lịch, tuy khu vực Đông Nam Á đang nằm trong vùng chịu tác động mạnh của biến chủng Covid-19 mới, ngay cả những nước như Thái Lan hay Malaysia đều có tốc độ lây lan nhanh, hay Singapore cũng tái khởi động lại việc giãn cách, các kế hoạch mở cửa đều phải trì hoãn; nhưng các quốc gia này đều đang tiến hành tiêm chủng với tốc độ nhanh. Với số lượng dân số thấp hơn Việt Nam chỉ hơn 30 triệu người, trong khi đó Malaysia đã tiêm được hơn 2 triệu người và có số lượng vaccine cho đủ 30% dân số, thì chắc chắn việc đạt được miễn dịch cộng đồng sẽ tiến xa trước Việt Nam. Quốc gia nào đi sau trong việc kết nối quốc tế sẽ đánh mất đi nhiều lợi thế, vì vậy không có con đường nào khác để thoát ra khỏi đại dịch chính là tiêm vaccine.

Ngành du lịch sẽ còn phải đối mặt với rất nhiều vấn đề liên quan tới nguồn vốn, nguồn nhân lực, tập khách hàng hay sản phẩm du lịch đã bị biến dạng do Covid, tuy nhiên điều đầu tiên là môi trường để hoạt động. Việc tiêm vaccine cho lao động ngành du lịch không đơn thuần chỉ là ý tưởng. Đây là nguyện vọng chính đáng của những doanh nghiệp du lịch và cần được cơ quan quản lý du lịch có thẩm quyền nghiên cứu tìm giải pháp và hướng đi cụ thể.

Minh Châu

Theo Doanh nghiệp Việt Nam