Xác minh huyết thống trong 1 cuộc đấu giá: Yêu cầu quá khó
Theo đại biểu Trần Văn Tuấn (đoàn ĐBQH Bắc Giang), trong một cuộc đấu giá có hàng trăm khách hàng tham gia thì thủ tục rà soát các đối tượng này để xem có quan hệ hôn nhân, quan hệ huyết thống với nhau hay không là một vấn đề hết sức nan giải, phức tạp và khó thực hiện.
Cùng huyết thống không được tham gia đấu giá cùng một tài sản
Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản trình tại kỳ họp đã sửa đổi, bổ sung một số điểm, khoản của Điều 38. Trong đó, dự thảo đã bổ sung một điểm về đối tượng không được đăng ký tham gia đấu giá.
Cụ thể, bổ sung đối tượng không được tham đấu giá là cha, mẹ, vợ, chồng, con, anh ruột, chị ruột, em ruột; công ty mẹ, công ty con, các doanh nghiệp mà cá nhân, tổ chức hoặc nhóm cá nhân, tổ chức có khả năng chi phối hoạt động thông qua sở hữu, thâu tóm cổ phần, phần vốn góp hoặc thông qua việc ra quyết định của doanh nghiệp theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp khi đăng ký tham gia đấu giá trong cùng một tài sản.
Cho ý kiến về vấn đề này tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khoá XV, đại biểu Nguyễn Minh Tâm (đoàn ĐBQH Quảng Bình) cho rằng, quá trình áp dụng sẽ có nhiều vướng mắc, nhiều cách hiểu khác nhau, dẫn đến phát sinh khiếu nại, tố cáo về người tham gia đấu giá.
Cụ thể, tại điều luật chỉ quy định chung là cha, mẹ hoặc con, trong khi đó tại khoản 16 Điều 3 Luật Hôn nhân và gia đình quy định thành viên gia đình bao gồm vợ, chồng, cha mẹ đẻ, cha mẹ nuôi, cha dượng, mẹ kế, cha mẹ vợ, cha mẹ chồng, con đẻ, con nuôi, con riêng của vợ hoặc chồng, con dâu, con rể, anh chị em cùng cha mẹ, anh chị em cùng cha khác mẹ, anh chị em cùng mẹ khác cha, anh rể, em rể, con dâu, chị dâu, em dâu của người cùng cha khác mẹ, v.v.
Theo đó, để tháo gỡ, đồng thời để đảm bảo tính khả thi và thống nhất trong quá trình áp dụng pháp luật, đại biểu Nguyễn Minh Tâm đề nghị quy định rõ trong dự thảo cha mẹ là cha mẹ đẻ hay cả cha mẹ nuôi, cha mẹ dượng, mẹ kế hoặc con là con ruột hay cả con nuôi rồi con dâu, con rể. Tương tự như vậy, anh chị em ruột, anh chị em cùng cha khác mẹ, v.v. đề nghị quy định rõ.
Phát sinh thủ tục hành chính hết sức phức tạp
Cũng đề cập đến vấn đề này, đại biểu Trần Văn Tuấn (đoàn ĐBQH Bắc Giang) đề nghị không nên bổ sung nhóm đối tượng không được đăng ký tham gia đấu giá là cha, mẹ, vợ, chồng, con, anh ruột, chị ruột, em ruột vì quy định này không phù hợp cả về mặt pháp lý và thực tế.
"Do đó, nếu quy định không cho cha, mẹ, vợ, chồng, con, anh ruột, chị ruột, em ruột đăng ký tham gia đấu giá trong cùng một tài sản là hạn chế quyền sở hữu tài sản của công dân, không phù hợp với hiến pháp và các quy định pháp luật liên quan, không phù hợp đối với trường hợp nhà nước đấu giá quyền sử dụng đất để giao đất ở cho cá nhân, tổ chức có thu tiền sử dụng đất", đại biểu Tuấn nói.
Đại biểu Tuấn cũng cho rằng về mặt thực tế, trong một cuộc đấu giá quyền sử dụng đất để giao đất ở có thu tiền sử dụng đất thường bao gồm nhiều lô đất khác nhau. Nếu cha, mẹ, vợ, chồng, con, anh ruột, chị ruột, em ruột đều có quyền đăng ký tham gia đấu giá nhiều lô đất khác nhau cùng với nhiều khách hàng khác không có quan hệ huyết thống, quan hệ hôn nhân cũng không ảnh hưởng đến tính khách quan của cuộc đấu giá và không phải là nguyên nhân dẫn đến tình trạng thông đồng, dìm giá.
"Thực tế đã có nhiều cuộc đấu giá quyền sử dụng đất ở có nhiều cặp vợ, chồng hoặc cha, mẹ, anh, chị, em ruột tham gia nhưng vẫn bảo đảm tính khách quan, không có tình trạng thông đồng, dìm giá và cũng đã có những tổ chức đấu giá tự quy định trong quy chế cuộc đấu giá nội dung không cho cha, mẹ, vợ, chồng, con, anh ruột, chị ruột, em ruột cùng đăng ký tham gia một cuộc đấu giá trả giá cùng một lô đất đã vấp phải sự phản ứng gay gắt của những người tham gia đấu giá", ông Tuấn nêu.
Mặt khác, quy định không cho cha, mẹ, vợ, chồng, con, anh ruột, chị ruột, em ruột cùng đăng ký tham gia một cuộc đấu giá trả giá cùng một lô đất còn làm phát sinh thủ tục hành chính hết sức phức tạp cho tổ chức đấu giá trong quá trình thực hiện thủ tục cho khách hàng đăng ký tham gia đấu giá.
Cụ thể như muốn kiểm soát những người tham gia đấu giá có mối quan hệ hôn nhân huyết thống với nhau hay không thì tổ chức đấu giá tài sản phải yêu cầu họ xuất trình bản sao giấy chứng nhận đăng ký kết hôn, giấy khai sinh, v.v.
"Trong một cuộc đấu giá có hàng trăm khách hàng tham gia thì thủ tục rà soát các đối tượng này để xem có quan hệ hôn nhân, quan hệ huyết thống với nhau hay không là một vấn đề hết sức nan giải, phức tạp và khó thực hiện", ông Tuấn nêu vấn đề.
Do đó, theo đại biểu Trần Văn Tuấn, nếu quy định cấm như dự thảo nêu trên nhưng không kiểm soát được sẽ dẫn đến sai sót, mà sau khi đấu giá xong mới phát hiện người tham gia đấu giá có quan hệ hôn nhân, huyết thống phải hủy kết quả trúng đấu giá để đấu giá lại, điều này sẽ tạo ra một hệ lụy rất lớn, gây tốn kém, lãng phí do việc phải tổ chức đấu giá lại, đó là chưa kể đến việc tổ chức đấu giá tài sản phải đối diện với việc có tranh chấp, khiếu kiện phức tạp.
Đồng quan điểm với ý kiến của 2 đại biểu trên, đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh (đoàn ĐBQH Khánh Hoà) bổ sung thêm, đối với quan hệ của các thành viên trong gia đình thì hiện nay Luật Cư trú đã bỏ sổ hộ khẩu từ ngày 1/1/2023. Như vậy sẽ không có căn cứ để xác định những người tham gia đấu giá đối với cùng một tài sản có phải là cha, mẹ, vợ, chồng, con, anh ruột, chị ruột, em ruột hay không.
"Quy định này sẽ gây khó khăn cho cả người tham gia đấu giá và tổ chức đấu giá tài sản, điều này làm phát sinh thêm thủ tục hành chính và chi phí của người dân, doanh nghiệp", ông Thịnh nhấn mạnh.
Vì vậy, đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh đề nghị quy định rõ nội dung trên tại Điều 38 dự thảo luật, vì theo đó giấy tờ chứng minh đáp ứng yêu cầu, điều kiện tham gia đấu giá trong trường hợp chứng minh người tham gia đấu giá không thuộc trường hợp cha, mẹ, vợ, chồng, con, anh ruột, chị ruột, em ruột thì chỉ cần cam kết của người tham gia đấu giá tại phiếu đăng ký tham gia đấu giá cho phù hợp với các quy định pháp luật là đủ.