Xây dựng Bảo tàng Hồ Chí Minh: Nhà thầu xây dựng lớn, thế chấp loạt tài sản vay vốn NH
Công ty cổ phần Xây dựng Bảo tàng Hồ Chí Minh tham gia đấu và trúng thầu ít nhất 49 gói, với tổng giá trị trúng thầu hơn 2.788,58 tỷ đồng. Đáng chú ý, hiện công ty đang thế chấp hàng loạt tài sản như quyền sử dụng đất, máy móc thiết bị, xe ô tô,… để vay ngân hàng.
Tiền thân của Công ty cổ phần Xây dựng Bảo tàng Hồ Chí Minh (Xây dựng Bảo tàng Hồ Chí Minh) là Công trường xây dựng Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh với tên gọi ban đầu là Công trường xây dựng 75808, được thành lập năm 1975.
Tới năm 1985, Công ty được đổi tên thành Công ty Xây dựng Viện bảo tàng Hồ Chí Minh trực thuộc Tổng công ty Xây dựng Hà Nội và năm 1993 đổi tên thành Công ty Xây dựng Bảo tàng Hồ Chí Minh. Sau một thời gian dài trực thuộc Tổng công ty Xây dựng Hà Nội, năm 2005 Công ty được thực hiện cổ phần hóa.
Công ty có địa chỉ tại 381 Đội Cấn, phường Liễu Giai, quận Ba Đình, TP. Hà Nội.
Theo thông tin đăng ký doanh nghiệp, thay đổi lần thứ 14 vào ngày 13/3/2024, vốn điều lệ của công ty là 109,19 tỷ đồng. Người đại diện theo pháp luật của công ty là ông Phạm Minh Đức, chức danh Chủ tịch HĐQT. Về cơ cấu cổ đông, tính đến cuối năm 2023, Công ty có có 3 cổ đông lớn là: Phạm Minh Đức (21,15%), Nguyễn Văn Hiền (7,23%) và Nguyễn Minh Hải (4,81%).
Hoạt động kinh doanh chính của công ty là: Xây dựng các công trình dân dụng, công nghiệp, giao thông, thuỷ lợi, cá công trình kỹ thuật hạ tầng đô thị và khu công nghiệp; Kinh doanh bất động sản,…
Công ty có 2 công ty con là Công ty cổ phần Đầu tư và dịch vụ Vườn Bắc Thủ đô, có vốn điều lệ 24,5 tỷ đồng (tỷ lệ sở hữu 51,02%) và Công ty cổ phần Đầu tư Bất động sản TTT, có vốn điều lệ 35 tỷ đồng (tỷ lệ sở hữu 69%).
Chứng minh năng lực qua các gói thầu lớn
Công ty cổ phần Xây dựng Bảo tàng Hồ Chí Minh đã tham gia đấu và trúng thầu ít nhất 49 gói thầu, với tổng giá trị trúng thầu hơn 2.788,58 tỷ đồng. Trong đó, tổng giá trị trúng thầu với vai trò độc lập hơn 861,35 tỷ đồng và tổng giá trị trúng thầu với vai trò liên danh hơn 1.927,22 tỷ đồng. Tỷ lệ trung bình giá trúng thầu so với giá dự toán là 96.59%.
Gần đây nhất, Xây dựng Bảo tàng Hồ Chí Minh “một mình một ngựa” trúng Gói thầu gói 1: Mua sắm bổ sung nội thất đồ rời, hệ thống âm thanh và mạng của Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, với giá trúng thầu hơn 15,797 tỷ đồng; giá gói thầu hơn 15,799 tỷ đồng.
Xây dựng Bảo tàng Hồ Chí Minh cũng từng trúng một gói thầu khác do Bệnh viện Đại học Y Hà Nội làm chủ đầu tư là Gói 1: Mua sắm nội thất đồ rời, hệ thống âm thanh và mạng, với giá trúng thầu hơn 35,57 tỷ đồng; giá gói thầu hơn 38,76 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, Xây dựng Bảo tàng Hồ Chí Minh cũng là nhà thầu quen thuộc tại Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank) khi liên tục trúng nhiều gói thầu tại đơn vị này với vai trò liên danh.
Đơn cử, tháng 5/2024, Liên danh: Xây dựng Bảo tàng Hồ Chí Minh – CTCP Sơn Phước Định – Công ty TNHH Toàn Cầu Khải Minh – CTCP Tập đoàn Phúc An, được lựa chọn là nhà thầu trúng thầu tại Gói thầu: Thi công xây dựng, cung cấp lắp đặt thiết bị công trình (bao gồm cả chống mối, bảo hiểm). Giá trúng thầu hơn 43,30 tỷ đồng; giá gói thầu hơn 43,34 tỷ đồng.
Trước đó, Liên danh: Xây dựng Bảo tàng Hồ Chí Minh – Công ty TNHH Toàn Cầu Khải Minh – CTCP Phát triển Công nghệ Hưng Phát cũng trung thầu Gói thầu: Xây dựng, thiết bị, bảo hiểm thuộc dự án Chi nhánh Bắc Thăng Long của Vietinbank. Liên danh này trúng thầu với giá hơn 47,66 tỷ đồng; giá gói thầu hơn 47,69 tỷ đồng.
Thêm một gói thầu khác cũng về tay có sự góp mặt của Xây dựng Bảo tàng Hồ Chí Minh là Gói thầu: Xây dựng cung cấp lắp đặt thiết bị, bảo hiểm, thuộc dự án Xây dựng Trụ sở Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam – Chi nhánh Thành An. Cụ thể, Liên danh gồm: Xây dựng Bảo tàng Hồ Chí Minh – CTCP Phát triển công nghệ Hưng Phát – CTCP Xây dựng và chuyển giao công nghệ Việt Nam – CTCP Thương mại kỹ thuật An Việt. Giá trúng thầu hơn 49,58 tỷ đồng; giá gói thầu hơn 49,59 tỷ đồng.
Hay Gói thầu: Thi công sửa chữa cải tạo Hội trường trung tâm, thuộc Công trình sửa chữa cải tạo Hội trường trung tâm tại Trường Đào tạo và Phát triển nguồn nhân lực (Vietinbank). Nhà thầu trúng thầu là Liên danh: Xây dựng Bảo tàng Hồ Chí Minh – CTCP Thương mại và công nghệ Lâm Linh Phú, với giá trúng thầu hơn 7,60 tỷ đồng; giá gói thầu hơn 7,62 tỷ đồng.
Tìm hiểu năng lực tài chính của Xây dựng Bảo tàng Hồ Chí Minh?
Theo báo cáo tài chính hợp nhất hợp nhất năm 2023 của Công ty cổ phần Xây dựng Bảo tàng Hồ Chí Minh, doanh thu về bán hàng và cung cấp dịch vụ của công ty trong năm 2023 đạt hơn 517,87 tỷ đồng, giảm 43,2% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tỷ lệ thuận là lợi nhuận gộp của công ty cũng giảm mạnh tới 50,2% ở mức hơn 39,1 tỷ đồng. Trong khi đó, lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh của công ty âm 7,7 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái dương 30,38 tỷ đồng.
Kết thúc năm 2023, Xây dựng Bảo tàng Hồ Chí Minh ghi nhận khoản lãi hơn 3 tỷ đồng, giảm tới 96,3% so với cùng kỳ năm 2022 (lãi hơn 83 tỷ đồng).
Trên bảng cân đối kế toán, tổng cộng tài sản của Xây dựng Bảo tàng Hồ Chí Minh tính đến ngày 31/12/2023 là hơn 1.396,64 tỷ đồng; tăng 5,2% so với số đầu năm. Tập trung chủ yếu là tài sản ngắn hạn với hơn 1.193,6 tỷ đồng. Công ty có hơn 8,8 tỷ đồng tiền mặt và hơn 60 tỷ đồng tiền gửi ngân hàng không kỳ hạn.
Tại ngày 31/12/2023, hàng tồn kho của công ty hơn 614 tỷ đồng, chủ yếu nằm ở Chi phí sản xuất, kinh doanh dở dang hơn 613,76 tỷ đồng.
Cụ thể, chi phí sản xuất, kinh doanh dở dang của dự án Cụm công nghiệp Phạm Ngũ Lão – Nghĩa Dân là hơn 431,33 tỷ đồng. Dự án có diện tích khoảng 75ha, tổng mức đầu tư khoảng 915 tỷ đồng. Tiến độ khai thác dự án tự kiến từ quý II/2024.
Tại ngày 31/12/2023, nợ phải trả của Xây dựng Bảo tàng Hồ Chí Minh là hơn 878,15 tỷ đồng. Trong đó, nợ ngắn hạn hơn 638,28 tỷ đồng và nợ dài hạn hơn 239,87 tỷ đồng. Tổng nợ vay của Xây dựng Bảo tàng Hồ Chí Minh tại ngày 31/12/2023 là hơn 389,21 tỷ đồng, chiếm 44,3% nợ phải trả.
Để đảm bảo cho các khoản vay tại các ngân hàng, Xây dựng Bảo tàng Hồ Chí Minh phải thế chấp nhiều tài sản khác nhau như: quyền sử dụng đất và các tài sản gắn liền với đất tại địa chỉ 249 Thuỵ Khuê; quyền sử dụng đất theo giấy chứng nhận sử dụng đất để thực hiện dự án CCN Phạm Ngũ Lão (Hưng Yên); tài sản gắn liền với đất hình thành trong tương lai; máy móc, phương tiện thiết bị; xe ô tô Land Cruiser Prado, Toyota Camry, Range Rover SV Autobiography,…
Tại ngày 31/12/2023, Xây dựng Bảo tàng Hồ Chí Minh có vốn chủ sở hữu hơn 518,49 tỷ đồng. Như vậy, hiện tổng nợ trên vốn chủ sở hữu là 1,7 lần. Điều này cho thấy tài sản của Xây dựng Bảo tàng Hồ Chí Minh được tài trợ chủ yếu bởi các khoản nợ.
Trên bảng báo cáo lưu chuyển tiền tệ hợp nhất, lưu chuyển thuần trong năm của công ty âm 20,52 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ âm tới hơn 146,75 tỷ đồng.