Xếp hạng tín nhiệm - yếu tố giúp thị trường trái phiếu phát triển bền vững

Dù liên tục có những cảnh báo rủi ro khi khối lượng trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) lên đến hàng trăm nghìn tỷ đồng nhưng phải đến khi vụ Tân Hoàng Minh “vỡ” ra thì hàng vạn nhà đầu tư mới giật mình vì đã bỏ tiền mua TPDN “ba không”: Không xếp hạng tín nhiệm, không bảo lãnh thanh toán của các tổ chức tài chính có uy tín và không tài sản bảo đảm.

Một cách dễ hiểu, khi cho vay tiền không có tài sản đảm bảo, không có bên thứ 3 bão lãnh thì tối thiểu nhất là phải có thông tin được kiểm chứng về năng lực, uy tín của con nợ… nhưng với đa số TPDN trên thị trường thời gian qua, điều này cũng không được đáp ứng. Chỉ khi “bom nợ” TPDN hiện hữu, những vụ án hình sự với lệnh bắt và khởi tố nổ ra thì người ta mới nói nhiều về yếu tố đã trở thành thông lệ tối thiểu trên thị trường quốc tế là xếp hạng tín nhiệm doanh nghiệp phát hành trái phiếu.

Yếu tố cần thiết

Thị trường TPDN thời gian qua xuất hiện thực tế “rất Việt Nam” là nhà đầu tư sẵn sàng đổ tiền tỷ đầu tư nhưng lại hoàn toàn phụ thuộc vào môi giới. Rất nhiều người khi mang tiền đi gửi tiết kiệm được nhân viên ngân hàng hay được nhân viên của các tổ chức môi giới, phát hành mời chào… dù không hiểu biết gì về doanh nghiệp, chưa bao giờ đọc báo cáo tài chính, xem phương án phát hành trái phiếu, mục đích sử dụng vốn của doanh nghiệp… nhưng vẫn quyết định mua vì lãi suất cao và nghe môi giới nói, môi giới cam kết… Có nhà đầu tư còn không phân biệt được vai trò đơn vị phân phối và doanh nghiệp phát hành trái phiếu.

Thậm chí, khi được mời mua TPDN riêng lẻ và theo yêu cầu phải là nhà đầu tư chuyên nghiệp với số dư tài khoản giao dịch 2 tỷ đồng thì nhà đầu tư cũng không cần biết vì mọi điều kiện đều sẽ do môi giới hợp thức hoá hộ, chỉ việc chuyển tiền để mua.

Tình trạng này được nhóm Nghiên cứu rủi ro tín dụng FiinRatings thuộc FiinGroup gọi là sự bất cân xứng thông tin giữa các chủ thể tham gia thị trường trái phiếu. Người có tiền liên tục được chào mời mua TPDN nhưng không hiểu đó là trái phiếu gì, mục đích đầu tư là gì, doanh nghiệp hoạt động thế nào…

Đã có rất nhiều lời khuyên với các nhà đầu tư là cần nâng cao nhận thức, phải thận trọng chọn lựa doanh nghiệp có năng lực tốt, uy tín cao, minh bạch thông tin… Tuy nhiên, không phải nhà đầu tư nào cũng đủ kiến thức, thời gian để tìm kiếm và tự thẩm định được các thông tin tài chính chuyên sâu trước khi ra quyết định đầu tư, chưa kể tình trạng doanh nghiệp cố tình che dấu, làm sai hay thậm chí lừa đảo.

Vì thế, theo các chuyên gia, cần thiết xếp hạng tín nhiệm theo thông lệ quốc tế để giải quyết các vấn đề này. Xếp hạng tín nhiệm là cơ chế đánh giá các tổ chức phát hành và công cụ nợ được thực hiện bởi một bên thứ ba độc lập đánh giá dựa trên các nguồn dữ liệu khác nhau, từ đó đưa ra ý kiến về khả năng thanh toán các nghĩa vụ tài chính của một doanh nghiệp cụ thể.

Ông Donald Lambert, Trưởng Ban Phát triển khu vực tư nhân của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cho biết: Mục đích của xếp hạng tín nhiệm doanh nghiệp là cung cấp thông tin và sự minh bạch về tình hình tài chính của doanh nghiệp cho các nhà đầu tư. Kết quả xếp hạng tín nhiệm giúp nhà đầu tư sẽ có thêm cơ sở để lựa chọn rót tiền vào doanh nghiệp theo khẩu vị rủi ro của mình.

Đại diện FiinRatings thì nhấn mạnh, nhiệm vụ của một đơn vị xếp hạng tín nhiệm là cung cấp kết quả đánh giá chất lượng nhà phát hành đó một cách chuẩn hóa và có hệ thống để hỗ trợ quyết định của nhà đầu tư khi đầu tư trái phiếu.

Tuy nhiên, cũng phải thừa nhận xếp hạng tín nhiệm không phải là “bảo bối” giúp nhà đầu tư miễn nhiễm trước mọi rủi ro, mà được xác định như là cơ chế sàng lọc và cảnh báo rủi ro. Nhà đầu tư trên thị trường sẽ đối mặt nhiều nguy cơ và chính cơ chế sàng lọc và cảnh báo này sẽ giúp nhà đầu tư xem xét kênh đầu tư của mình. Mỗi người sẽ có khẩu vị rủi ro khác nhau, sẽ có quyết định căn cơ, an toàn hơn dựa trên kết quả xếp hạng tín nhiệm.

Lộ trình cho xếp hạng tín nhiệm ở Việt Nam

Kinh nghiệm quốc tế cho thấy việc xếp hạng tín nhiệm một mặt giúp bảo vệ các nhà đầu tư, mặt khác giúp doanh nghiệp có tình hình tài chính lành mạnh, có dự án tốt, có kế hoạch sử dụng nguồn tiền rõ ràng huy động được vốn với chi phí thấp. Chính vì thế, các chuyên gia kiến nghị cần khuyến khích sự hình thành và phát triển của các công ty xếp hạng tín nhiệm và tiến tới nghiên cứu cơ chế bắt buộc xếp hạng tín nhiệm.

Theo đánh giá của ADB, Việt Nam đang đi chậm hơn các nước trong khu vực cũng như trên thế giới trong xếp hạng tín nhiệm doanh nghiệp. Thậm chí, vai trò của xếp hạng tín nhiệm hiện còn quá mờ nhạt so với sự bùng nổ của thị trường trái phiếu.

Hiện nay, Việt Nam chỉ có 2 đơn vị được cấp phép xếp hạng tín nhiệm. Trong khi đó, nhiều nước trong khu vực Đông Nam Á đã triển khai xây dựng thành công nhiều đơn vị xếp hạng tín nhiệm như là một thiết chế để thúc đẩy sự phát triển bền vững của thị trường vốn. Sự ra đời của công ty xếp hạng tín nhiệm sẽ giúp thị trường phát triển hơn, vì càng nhiều đơn vị tham gia thì thị trường càng minh bạch. Theo đó, việc xếp hạng tín nhiệm sẽ hình thành một “tiêu chuẩn” đánh giá chung, giúp người mua dễ đánh giá hơn, từ đó sẽ có quyết định tốt hơn.

Không chỉ thiếu tổ chức xếp hạng, Vụ Tài chính các ngân hàng và tổ chức tài chính, Bộ Tài chính cũng thừa nhận hoạt động cung cấp dịch vụ xếp hạng tín nhiệm vẫn còn rất hạn chế do pháp luật hiện hành chưa có quy định về bắt buộc sử dụng dịch vụ xếp hạng tín nhiệm khi phát hành trái phiếu ra thị trường, nhà đầu tư cũng chưa có thói quen lựa chọn đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp có xếp hạng tín nhiệm.

Theo quy hoạch từ Bộ Tài chính, bộ này đã đưa ra lộ trình phát triển cho ngành xếp hạng tín nhiệm với kế hoạch cấp phép tối đa cho 5 đơn vị cho đến năm 2030.

Cùng với đó, các cơ quan chức năng cũng đang triển khai ban hành các nghị định liên quan như Nghị định số 88/2014/NĐ-CP quy định về dịch vụ xếp hạng tín nhiệm, Nghị định số 153/2020/NĐ-CP quy định về phát hành trái phiếu và Nghị định số 155/2020/NĐ-CP hướng dẫn Luật Chứng khoán, để tạo hành lang pháp lý đẩy mạnh sự phát triển của ngành xếp hạng tín nhiệm tại Việt Nam.

Trong đó, dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 153/2020/NĐ-CP về phát hành TPDN riêng lẻ có quy định về xếp hạng tín nhiệm bắt buộc đối với một số loại trái phiếu phát hành hướng chính vào đối tượng trái phiếu không tài sản đảm bảo, không bảo lãnh thanh toán, doanh nghiệp phát hành có kết quả kinh doanh của năm liền trước năm phát hành lỗ hoặc có lỗ lũy kế tính đến năm phát hành. Điều này nhằm tăng tính công khai, minh bạch, góp phần nâng cao chất lượng trái phiếu được phát hành, đồng thời giúp thị trường có thói quen sử dụng kết quả xếp hạng tín nhiệm để đánh giá rủi ro của trái phiếu, tiệm cận với thông lệ quốc tế, hạn chế rủi ro cho nhà đầu tư.

Dự thảo Nghị định hướng dẫn Luật Chứng khoán đang quy định việc áp dụng xếp hạng tín nhiệm khi phát hành ra công chúng đối với một số trường hợp và sẽ được áp dụng sau 2 năm kể từ khi Luật Chứng khoán có hiệu lực.

Theo các chuyên gia, những bước đi này sẽ giúp thị trường làm quen với các chuẩn mực của dịch vụ xếp hạng, điều này được kỳ vọng như một bước đi đúng đắn cho thị trường phát triển lành mạnh và bền vững, có lợi cho cả 3 bên: nhà đầu tư, doanh nghiệp phát hành và thị trường tài chính quốc gia.

Lê Phong

Theo VietnamFinance