Tin ngân hàng nổi bật tuần qua: NHNN phát đi thông điệp cứng rắn về hạn mức tăng trưởng tín dụng
Những tin ngân hàng gây chú ý tuần qua như: NHNN ban hành kế hoạch cơ cấu lại hệ thống các TCTD và xử lý nợ xấu; Sẽ điều chỉnh nốt phần còn lại...
Thêm hai ngân hàng được tăng vốn điều lệ
Một trong những tin ngân hàng gây chú ý tuần qua là việc một số nhà băng được chấp thuận tăng vốn điều lệ.
Cụ thể, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã có văn bản chấp thuận thay đổi vốn điều lệ của Ngân hàng Sài Gòn – Hà Nội (SHB) lên 26.674 tỷ đồng. Đồng thời, SHB sẽ tiếp tục tăng vốn điều lệ lên 36.459 tỷ đồng trong năm 2022.
Theo đó, SHB đã hoàn thiện hồ sơ trình NHNN phương án tăng vốn điều lệ mà Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2022 thông qua, bao gồm ba phần chi trả cổ tức năm 2021 cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ 15% bằng cổ phiếu; chào bán cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu theo phương thức thực hiện quyền với tỷ lệ 100:20 với giá chào bán 12.500 đồng/cổ phiếu và chào bán cổ phiếu theo chương trình lựa chọn cho người lao động SHB với tổng số lượng cổ phiếu phát hành là 45,12 triệu cổ phiếu mới.
Trước đó, ngày 10/8, thông tin từ Sở giao dịch chứng khoán TP HCM (HoSE), ngân hàng HDBank (mã: HDB) được NHNN chấp thuận tăng vốn điều lệ thêm tối đa 5.030 tỷ đồng, nâng số vốn điều lệ của ngân hàng lên 25.503 tỷ đồng từ nguồn lợi nhuận sau thuế từ lợi nhuận chưa phân phối lũy kế theo phương án tăng vốn điều lệ đã được ĐHĐCĐ thông qua.
Cụ thể, ngân hàng sẽ tăng vốn điều lệ thêm 5.030 tỷ đồng thông qua phát hành hơn 503 triệu cổ phiếu trả cổ tức năm 2021, tỷ lệ 25% tức cổ đông sở hữu 100 cổ phiếu được nhận 25 cổ phiếu phát hành thêm, dự kiến hoàn thành trong quý III/2022. Nguồn vốn để phát hhành từ lợi nhuận chưa phân phối đã được kiểm toán và trích lập đầy đủ các quỹ theo quy định.
Khi hoàn tất phương án phát hành, vốn điều lệ của HDBank sẽ tăng từ 20.273 tỷ đồng lên 25.303 tỷ đồng. Vốn điều lệ tăng thêm dự kiến sẽ được dành khoảng 3.000 tỷ để bổ sung nguồn vốn cho vay trung dài hạn, phần còn lại sẽ bổ sung vốn lưu động cho các hoạt động khác.
Trước đó, Nam A Bank, Seabank, Kienlongbank,... cùng đã được NHNN chấp thuận tăng vốn điều lệ.
Loạt lãnh đạo Techcombank đăng ký mua hơn 840.000 cổ phiếu ESOP
Tin ngân hàng tiếp theo là sự kiện Techcombank phát hành hơn 6,3 triệu cổ phiếu ESOP năm 2022.
Theo thông tin từ Sở giao dịch chứng khoán TP HCM (HoSE), Techcombank (HoSE: TCB) công bố thông tin giao dịch của cổ đông nội bộ và người có liên quan của cổ đông nội bộ tham gia đợt phát hành cho người lao động theo chương trình lựa chọn cho người lao động trong công ty (ESOP) năm 2022.
8 cá nhân là các phó tổng giám đốc, kế toán trưởng, người phụ trách quản trị ngân hàng... đăng ký mua 843.340 cổ phiếu ESOP. Thời gian thực hiện các giao dịch dự kiến từ ngày 12-26/8.
Techcombank trước đó đã có thông báo phát hành hơn 6,3 triệu cổ phiếu ESOP năm 2022, tương đương 0,18% lượng cổ phiếu lưu hành. Cổ phiếu ESOP sẽ bị hạn chế chuyển nhượng trong vòng một năm. Giá phát hành 10.000 đồng/cp, thời gian phát hành dự kiến trong tháng 8.
Sau khi phát hành thành công, vốn điều lệ của ngân hàng dự kiến tăng lên trên 35.172 tỷ đồng. Techcombank cho biết chương trình ESOP năm nay nhằm thu hút, khuyến khích và giữ cán bộ nhân viên giỏi, có năng lực, tiếp tục làm việc, cống hiến lâu dài.
MB chốt quyền trả cổ tức bằng cổ phiếu tỷ lệ 20%
Ngân hàng TMCP Quân đội (MB, HOSE: MBB) thông báo 23/08/2022 là ngày đăng ký cuối cùng chốt danh sách cổ đông nhận cổ tức năm 2021 bằng cổ phiếu tỷ lệ 20%. Ngày giao dịch không hưởng quyền là 22/08.
Cụ thể, MB sẽ trả cổ tức bằng cổ phiếu từ nguồn lợi nhuận sau thuế để lại năm 2021. Tỷ lệ thực hiện 20%/cp (cổ đông sở hữu 100 cp được nhận 20 cp mới).
Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối lũy kế hợp nhất năm 2021 là 12.915 tỷ đồng. Lợi nhuận để lại sau thuế lũy kế riêng của MB sau khi trích lập các quỹ năm 2021 dự kiến là 8,655 tỷ đồng.
MB hiện đang lưu hành gần 3,8 tỷ cp. MB dự kiến phát hành gần 756 triệu cp để trả cổ tức đợt này, nâng tổng số lượng lên hơn 4.5 tỷ cp, đưa vốn điều lệ tăng từ mức 37,783 tỷ đồng lên hơn 45.339 tỷ đồng.
Trước đó, ĐHĐCĐ 2022 của MB đã thông qua kế hoạch tăng vốn điều lệ từ 37.783 tỷ đồng lên 46.882 tỷ đồng. Tổng mức dự kiến tăng thêm hơn 9.099 tỷ đồng.
MB sẽ tiếp tục triển khai phương án tăng vốn điều lệ thêm 892,4 tỷ đồng đã được ĐHĐCĐ thông qua năm 2021. Trong đó, MB sẽ phát hành riêng lẻ 70 triệu cp cho Viettel, phát hành 19,24 triệu cp ESOP.
MB cũng dự kiến chào bán thêm 65 triệu cp riêng lẻ. Đối tượng chào bán là nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp. Giá chào bán thỏa thuận, không thấp hơn giá trị sổ sách. Thời gian thực hiện chào bán trong năm 2022 và 2023.
Sẽ điều chỉnh nốt phần còn lại của mức tăng trưởng tín dụng 14%
Chia sẻ tại hội nghị toàn quốc giữa Thủ tướng Chính phủ với các doanh nghiệp ngày 11/8, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, thời gian tới Ngân hàng Nhà nước sẽ rà soát, điều chỉnh nốt phần tăng trưởng tín dụng của dữ liệu 14% còn lại.
Đồng thời, cơ quan này cũng tiếp tục theo dõi diễn biến lạm phát để phối hợp với các bộ ngành tham mưu cho Chính phủ đạt những mục tiêu đề ra.
Thống đốc khẳng định rằng việc xác định tăng trưởng tín dụng phải đạt được mục tiêu bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, góp phần kiểm soát lạm phát và bảo đảm an toàn hoạt động cho các ngân hàng. Hoạt động cấp tín dụng do tổ chức tín dụng tự thỏa thuận với khách hàng và phải bảo đảm theo quy định của pháp luật.
Riêng với thị trường bất động sản, nguồn vốn đến từ rất nhiều kênh, trong đó bao gồm cả vốn tín dụng và FDI. Người đứng đầu Ngân hàng Nhà nước chia sẻ rằng muốn tháo gỡ tín dụng cho thị trường bất động sản nhưng nhiều doanh nghiệp sản xuất kinh doanh vẫn muốn tập trung vốn vào lĩnh vực sản xuất, kinh doanh.
Ngoài ra, với bối cảnh tỷ giá USD/VND tăng lên, lãi suất quốc tế tăng lên trong khi Chính phủ yêu cầu phải ổn định lãi suất thì dòng kiều hối sẽ hạn chế vào, thậm chí còn chuyển ra.
Cũng theo Thống đốc, Ngân hàng Nhà nước và ngành ngân hàng nói chung rất chia sẻ với những khó khăn của doanh nghiệp, nhất là những doanh nghiệp gặp phải khó khăn trong thời gian vừa qua bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19.
Bà Hồng cho biết thêm, lắng nghe ý kiến của doanh nghiệp, Ngân hàng Nhà nước cảm nhận áp lực từ nhiều phía. Ví dụ, đối với lãi suất, doanh nghiệp muốn giảm, nhưng người gửi tiền trong bối cảnh lạm phát tăng cao cũng cần có mức lãi suất phù hợp.
Ngoài ra, Việt Nam đã trải qua giai đoạn lạm phát tăng cao, tỷ giá biến động mạnh, cuộc đua lãi suất, hệ thống tổ chức tín dụng đối mặt với khó khăn về thanh khoản chi trả cho người gửi tiền. Vì vậy, sự ổn định kinh tế vĩ mô, ổn định thị trường tiền tệ ngoại hối là điều quan trọng, tạo lập sự ổn định vĩ mô để phục hồi nhanh và phát triển bền vững.
NHNN ban hành kế hoạch cơ cấu lại hệ thống các TCTD và xử lý nợ xấu
Vừa qua, Thống đốc NHNN đã ban hành Kế hoạch hành động của ngành Ngân hàng triển khai thực hiện Đề án “Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025” (Kế hoạch hành động của ngành Ngân hàng).
Theo đó, mục đích của Kế hoạch hành động của ngành Ngân hàng nhằm triển khai chỉ đạo của NHNN đến các đơn vị thuộc ngành Ngân hàng trong việc tổ chức thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp về công tác cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025 được quy định tại Quyết định số 689/QĐ-TTg ngày 08/6/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025” (Quyết định số 689/QĐ-TTg) và các nội dung tại Đề án.
Kế hoạch hành động của ngành Ngân hàng được xây dựng căn cứ theo Quyết định số 689/QĐ-TTg và Đề án. Kế hoạch hành động của ngành Ngân hàng bám sát quan điểm, định hướng, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025 nêu tại Quyết định số 689/QĐ-TTg và Đề án; nêu cao tinh thần chủ động, nỗ lực của từng đơn vị và sự hợp tác, phối hợp giữa các đơn vị trong và ngoài ngành Ngân hàng để quyết tâm thực hiện có hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đề ra.
Kế hoạch hành động của ngành Ngân hàng đã đề ra các nhiệm vụ, giải pháp và phân công các đơn vị triển khai thực hiện cụ thể trên các lĩnh vực sau:
Hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về tiền tệ, hoạt động ngân hàng, cơ cấu lại hệ thống các TCTD và xử lý nợ xấu trên cơ sở tuân thủ đầy đủ các quy luật của kinh tế thị trường, theo thông lệ quốc tế, phù hợp với điều kiện của Việt Nam.
Các giải pháp hỗ trợ về điều hành chính sách tiền tệ; Tăng cường hiệu quả công tác thanh tra, giám sát ngành Ngân hàng; Nâng cao năng lực, chất lượng đội ngũ thanh tra, giám sát ngân hàng; Tăng cường công tác truyền thông.
Về giải pháp nâng cao hiệu quả, chất lượng hoạt động của hệ thống các TCTD, Kế hoạch hành động của ngành Ngân hàng đã đề ra các nội dung cụ thể về: Nâng cao năng lực tài chính, chất lượng tín dụng, hiệu quả hoạt động, quản trị kinh doanh, tính minh bạch trong hoạt động của TCTD; Hiện đại hóa ngân hàng, nâng cao năng lực cạnh tranh; Phát triển mô hình ngân hàng số, triển khai có hiệu quả Kế hoạch chuyển đổi số ngành Ngân hàng; Phát triển thanh toán không dùng tiền mặt; Tiếp tục áp dụng và triển khai Basel II; Phát triển mạng lưới các TCTD; Nâng cao hiệu quả phân bổ nguồn vốn tín dụng; Thúc đẩy tín dụng xanh, ngân hàng xanh, đầu tư vào các ngành sản xuất và tiêu dùng ít các-bon; Phát triển hoạt động dịch vụ phi tín dụng.
Đặc biệt, Kế hoạch hành động của ngành Ngân hàng đã quy định cụ thể về xử lý nợ xấu, bao gồm các nội dung: Xử lý nợ xấu, nâng cao chất lượng tín dụng đối với các TCTD; Nâng cao năng lực tài chính và hiệu quả hoạt động của VAMC.
Tin ngân hàng VPBank sẽ gỡ hạn chế chuyển nhượng hơn 4,4 triệu cổ phiếu ESOP
Tuần qua, một trong những tin ngân hàng đáng quan tâm là thông tin VPBank sẽ giải tỏa đợt một 30% lượng cổ phiếu bị hạn chế chuyển nhượng, phát hành theo chương trình lựa chọn người lao động năm 2021 (ESOP 2021), tương đương 4,46 triệu cổ phiếu. Thời gian dự kiến giải tỏa từ ngày 15-19/8.
Đầu tháng 7, VPBank cũng thông báo phát hành 30 triệu cổ phiếu theo chương trình ESOP 2022 với giá 10.000 đồng/cổ phiếu. VPBank sẽ dùng 30 triệu cổ phiếu quỹ để chào bán cho cán bộ nhân viên với tỷ lệ 0,675%. Tổng số tiền thu được sau khi phát hành ESOP là 300 tỷ đồng.
Số cổ phiếu này sẽ bị hạn chế chuyển nhượng tối đa trong vòng ba năm từ ngày kết thúc đợt chào bán. Sau năm đầu tiên, 30% số cổ phần sẽ được giải toả, năm thứ hai và năm thứ ba lần lượt có tỷ lệ giải toả là 35%.
VPBank cho biết mục đích đợt phát hành cổ phiếu ESOP lần này nhằm nâng cao vai trò, trách nhiệm và quyền lợi của cán bộ nhân viên (CBNV), gắn liền lợi ích của CBNV với lợi ích công ty, tạo động lực cho người lao động. Ngoài ra còn khuyến khích CBNV, tăng động lực cho CBNV khi công tác chuyên môn, thu hút nhân tài và giữ chân những CBNV có năng lực.
VPBank hiện có 60,2 triệu cổ phiếu quỹ và hơn 4,4 tỷ cổ phiếu đang lưu hành. Sau đợt chào bán này, số lượng cổ phiếu quỹ của VPBank sẽ giảm xuống còn hơn 30,2 triệu đơn vị.