Xử lý đất đai không hợp lý là nguyên nhân chính chậm tiến độ cổ phần hóa

Tham gia kiến sửa đổi Luật Đất đai tại “Hội nghị phản biện xã hội” vừa diễn ra do Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức, GS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường nhấn mạnh nguyên nhân chính dẫn đến chậm tiến độ cổ phần hóa là vấn đề sắp xếp, xử lý đất đai không hợp lý.

Theo GS Đặng Hùng Võ, năm 1996, Việt Nam bắt đầu cho thí điểm cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước. Theo quy định lúc đó, giá đất trong cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước tính theo giá đất của Nhà nước, thấp hơn giá đất trên thị trường rất nhiều lần. Vì vậy, rất nhiều cá nhân tham gia mua cổ phần của các doanh nghiệp Nhà nước trên thị trường chứng khoán cũng như các doanh nghiệp chưa được đưa lên sàn chứng khoán.

Với cách làm như vậy, cơn sốt chứng khoán bắt đầu xảy ra vào năm 2003 khi nhiều doanh nghiệp cổ phần hóa được đưa lên sàn chứng khoán. Cơn sốt này tạo ra “bong bóng” chứng khoán ngày càng lớn và “bong bóng” đó bị nổ vào cuối 2006.

Xử lý đất đai không hợp lý là nguyên nhân chính chậm tiến độ cổ phần hóa - Ảnh 1GS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Từ đầu năm 2007, các nhà đầu tư lại chuyển từ thị trường chứng khoán sang thị trường bất động sản và gây sốt đất từ đầu năm 2007 đến hết 2008. Năm 2009, lạm phát đã xảy ra tại Việt Nam, Chính phủ phải sử dụng gói kiềm chế lạm phát, nhưng lạm phát lại quay lại vào năm 2010.

Kể từ đó, kinh tế Việt Nam rơi vào giảm phát cho tới hết năm 2013. Chính phủ phải ban hành các chính sách giải quyết nợ xấu, tạo sức nóng cho thị trường bằng gói tín dụng ưu đãi 30 nghìn tỷ đồng và giảm thuế, hoãn nộp nghĩa vụ tài chính cho doanh nghiệp để phục hồi thị trường.

Từ năm 1996 tới 2020, Chính phủ đã ban hành 11 Nghị định quy định về nội dung cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước kể từ Nghị định 28-CP vào ngày 7/5/1996 đến Nghị định 140/2020/NĐ-CP vào ngày 30/01/2020. Các Nghị định này gặp vướng mắc chủ yếu là xác định giá trị tài sản của doanh nghiệp, trong đó khó khăn nhất là xác định giá trị đất đai và phương thức sử dụng đất đai.

Nhiều doanh nghiệp tư nhân bỏ tiền mua cổ phiếu đến mức chiếm 51% để nắm quyền điều hành doanh nghiệp, mà chủ yếu là quyền điều hành về việc sử dụng đất của doanh nghiệp.

“Trên thực tế, trong hơn 25 năm qua, vấn đề đất đai trong cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước vẫn chưa được giải quyết thỏa đáng, làm cho quá trình cổ phần hóa chậm trễ, gây thất thoát tài sản Nhà nước từ việc xác định giá đất”, ông Võ nhận định.

Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng, trong giai đoạn trước khi Luật Đất đai 2003 có hiệu lực thi hành, giá trị đất đai được xác định theo Bảng giá đất của Nhà nước.

Từ thực trạng này, nhiều doanh nghiệp Nhà nước có uy tín, thương hiệu giá trị cao, có trình độ khoa học - công nghệ cao từ thời bao cấp đã biến mất để trở thành các doanh nghiệp thông thường hoạt động trong những lĩnh vực thông thường chỉ để phục vụ cho mục đích thu lợi từ giá trị đất đai, đơn giản như kinh doanh dịch vụ chất lượng thấp do doanh nghiệp tư nhân đang làm chủ sử dụng đất đai của doanh nghiệp cổ phần.

Xử lý đất đai không hợp lý là nguyên nhân chính chậm tiến độ cổ phần hóa - Ảnh 2

Xử lý đất đai không hợp lý là nguyên nhân chính chậm tiến độ cổ phần hóa doanh nghiệp.

Quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước theo cách này hoàn toàn không đạt được mục tiêu cấu trúc lại khu vực doanh nghiệp Nhà nước sao cho hoạt động hiệu quả hơn.

Như vậy, một trong những nguyên nhân chính dẫn đến chậm tiến độ cổ phần hóa là vấn đề sắp xếp, xử lý đất đai không hợp lý. Một số doanh nghiệp thực hiện cổ phần hóa quy mô lớn như Tập đoàn Bưu chính - Viễn thông Việt Nam (VNPT), Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (VinaChem), Tập đoàn Than và Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin), Tổng công ty Lương thực Miền Bắc (VinaFood 1), MobiFone, Ngân hàng nông nghiệp Việt Nam (Agribank)… đến giữa năm 2020 vẫn chưa hoàn thành việc phê duyệt phương án sử dụng đất để có thể tiến hành xác định giá trị doanh nghiệp.

“Vấn đề cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước sẽ được giải quyết thỏa đáng sau khi Luật Đất đai sửa đổi có được những quy định chặt chẽ đối với quá trình định giá đất phù hợp thị trường”, ông Võ nhấn mạnh.

Hà Anh

Theo Doanh nghiệp Việt Nam