Xử lý “điểm nghẽn” các dự án chậm tiến độ ở Quảng Nam

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam chỉ đạo giám đốc các sở, ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố và các chủ đầu tư tập trung xử lý dứt điểm các “điểm nghẽn” dẫn đến chậm tiến độ triển khai dự án.

Chậm tiến độ gây lãng phí nguồn lực đất đai

Theo báo cáo của Sở Tài chính Quảng Nam, toàn tỉnh hiện có 143 dự án sử dụng vốn ngân sách nhà nước bị chậm tiến độ. Trong đó, 11 dự án đã dừng thực hiện, 9 dự án tạm dừng và 123 dự án kéo dài thời gian thi công so với kế hoạch ban đầu. Ngoài ra, khu vực vốn ngoài ngân sách cũng ghi nhận 95 dự án bất động sản và 45 dự án sản xuất kinh doanh chậm tiến độ, nhiều dự án trong số này đã "án binh bất động" từ 5 đến 10 năm.

Cầu Tam Giang xây xong nhưng chưa có đường dẫn (ảnh Huy Trường)
Cầu Tam Giang xây xong nhưng chưa có đường dẫn (ảnh Huy Trường)

Tình trạng chậm tiến độ xảy ra chủ yếu ở các công trình trọng điểm thuộc lĩnh vực giao thông, thủy lợi, y tế, giáo dục. Đối với khu vực ngoài ngân sách, hàng loạt các dự án bất động sản, khu dân cư, khu công nghiệp và sản xuất kinh doanh đình trệ kéo dài nhiều năm nhưng chưa có biện pháp xử lý dứt điểm.

Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng trên là do công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng kéo dài; khó khăn trong bố trí vốn đối ứng; năng lực tài chính hạn chế của chủ đầu tư. Thêm vào đó, việc điều chỉnh quy hoạch, thay đổi chính sách đất đai và những tác động bất lợi từ thị trường bất động sản cũng ảnh hưởng lớn đến tiến độ dự án.

Đặc biệt, dù đã được cấp phép đầu tư từ nhiều năm trước nhưng nhiều dự án vốn ngoài ngân sách tại các khu vực đô thị, khu công nghiệp, khu kinh tế ven biển vẫn thi công cầm chừng hoặc dậm chân tại chỗ.

Thực trạng này gây lãng phí nguồn lực đất đai, ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị và gây bức xúc trong dân.

Tháo gỡ “điểm nghẽn”

Tại Thông báo số 164/TB-UBND ngày 15/4/2025, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam đã có kết luận liên quan đến giải pháp đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án, công trình chậm tiến độ, kéo dài trên địa bàn tỉnh.

Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam chỉ đạo giám đốc các sở, ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố và các chủ đầu tư tập trung mọi nguồn lực, tháo gỡ dứt điểm các khó khăn, vướng mắc để đẩy nhanh tối đa tiến độ các dự án, công trình còn chậm trễ, kéo dài, cũng như quyết liệt giải ngân vốn đầu tư công kế hoạch năm 2025; xác định đây là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, mang ý nghĩa xã hội sâu sắc.

Cầu Tam Tiến chậm tiến độ nhiều năm
Cầu Tam Tiến chậm tiến độ nhiều năm

Bên cạnh đó, khẩn trương rà soát, phân loại toàn bộ các công trình, dự án chậm tiến độ do địa phương, đơn vị phụ trách. Việc phân loại phải chi tiết theo từng nguồn vốn đầu tư công, đầu tư tư, thông tin chi tiết từng dự án, nhà đầu tư, tiến độ thực hiện… để báo cáo UBND tỉnh. Các trường hợp không thực hiện hoặc báo cáo không đầy đủ thì thủ trưởng các đơn vị, địa phương phải chịu trách nhiệm.

Đối với các dự án đơn vị đề nghị tạm dừng hoặc dừng thực hiện, yêu cầu các chủ đầu tư, khẩn trương rà soát mục tiêu, hiệu quả đầu tư các hạng mục đã triển khai; lập báo cáo riêng đối với từng dự án, đề xuất cấp có thẩm quyền xem xét cho phép kết thúc dự án và quyết toán theo đúng quy định. Các dự án đang tạm dừng thực hiện, cần đẩy nhanh công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng; chủ động rà soát, xử lý dứt điểm các vướng mắc về thủ tục, thi công.

Trường hợp không thể tiếp tục triển khai, phải đánh giá lại mục tiêu, hiệu quả đầu tư và đề xuất dừng thực hiện dự án theo quy định. Đối với các dự án đề nghị tiếp tục triển khai, đơn vị chủ đầu tư cần làm rõ sự cần thiết, hiệu quả sau đầu tư, xác định mốc thời gian hoàn thành cụ thể đối với từng dự án và chịu trách nhiệm về nội dung đề xuất.

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Văn Dũng, công tác giải phóng mặt bằng chính là “điểm nghẽn”, ảnh hưởng trực tiếp đến tiến độ triển khai dự án. Vì vậy yêu cầu các địa phương chỉ đạo quyết liệt, phối hợp chặt chẽ với chủ đầu tư để kịp thời tháo gỡ vướng mắc, đảm bảo hoàn thành dứt điểm, đúng tiến độ.

Chủ tịch tỉnh yêu cầu các cấp phải trực tiếp chỉ đạo, điều hành với tinh thần quyết liệt, phân công nhiệm vụ cụ thể, “rõ người, rõ việc, rõ tiến độ, rõ kết quả và rõ trách nhiệm”, tổ chức kiểm điểm trách nhiệm của các cá nhân, tổ chức trong phối hợp, thực hiện.

Liên quan đến nguồn vật liệu xây dựng các công trình, Chủ tịch tỉnh chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Môi trường, UBND cấp huyện yêu cầu các doanh nghiệp đã được cấp phép khai thác khoáng sản đang còn hiệu lực thực hiện khai thác đúng công suất khai thác đã được cấp phép, không được hoạt động cầm chừng, găm hàng để đẩy giá vật liệu.

Chủ tịch tỉnh giao 2 Phó Chủ tịch UBND tỉnh (Trần Nam Hưng và ông Phan Thái Bình) trực tiếp theo dõi, chỉ đạo các nội dung liên quan đến giải phóng mặt bằng và nguồn vật liệu xây dựng.

5 tổ công tác tiếp tục đi kiểm tra thực tế, giám sát, kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc của từng dự án tại các địa phương, đơn vị. Rà soát tình hình quyết toán dự án đã hoàn thành do địa phương, đơn vị làm chủ đầu tư. Các dự án đầu tư đã hoàn thành bàn giao, đưa vào sử dụng đến nay chưa thực hiện quyết toán thì khẩn trương thực hiện công tác quyết toán trước ngày 31/5.

Minh Hằng

Theo Tài chính doanh nghiệp