12 năm trên ghế nóng của Chủ tịch ACB Trần Hùng Huy
Trong 12 năm ngồi ghế nóng, Chủ tịch HĐQT Trần Hùng Huy đã góp phần không nhỏ trong việc đưa ACB trở thành một trong những ngân hàng thương mại hàng đầu.
Vị Chủ tịch đi ngược lại với số đông
Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) mới đây đã đưa ra thông báo về kết quả kinh doanh năm 2024. Theo đó, tính đến hết năm 2024, ROE (lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu) của ngân hàng duy trì trên 20% và nằm trong nhóm có tỷ suất lợi nhuận cao trong ngành.
Đáng chú ý, tính đến ngày 31/12/2024, tăng trưởng tín dụng của ACB đạt 19,1%, vượt xa so với mức tăng trưởng trung bình ngành (15,08%). ACB cũng là ngân hàng nằm trong nhóm được NHNN cấp thêm room tín dụng trong năm qua.
Theo dự báo của VCBS, lợi nhuận trước thuế của ACB ước đạt 5.476 tỷ đồng (tăng 8,6%) trong quý IV/2024 và 24.430 tỷ đồng (tăng 17%) trong năm 2025.
Như vậy, sau 12 năm dưới quyền của Chủ tịch HĐQT Trần Hùng Huy, ngân hàng ACB vẫn tiếp tục giữ vững “phong độ”. 12 năm giữ vai trò Chủ tịch HĐQT của ông Trần Hùng Huy cũng là 12 năm ACB duy trì đà tăng trưởng ổn định và khẳng định vị thế ngày càng vững chắc trên thị trường ngân hàng.
Trái ngược với hình ảnh thường thấy của các chủ tịch HĐQT trong giới “buôn tiền”, nhắc đến Chủ tịch Trần Hùng Huy, người ta lại nhớ ngay đến những màn biểu diễn cuốn hút, đầy chuyên nghiệp, không thua kém bất cứ nghệ sĩ nào của ông.
Tự nhận mình là người hát dở nhất, nhảy dở nhất trong nhóm ban lãnh đạo của ACB song màn biểu diễn đàn, hát và nhảy mashup “Always remember us this way” và “Cô đơn trên sofa” dưới mưa của ông Trần Hùng Huy vào tháng 6/2023 lại khiến cộng đồng mạng “dậy sóng”. Hình ảnh vị Chủ tịch trong trang phục sơ mi trắng, quần âu, tự tin hát và nhảy trên sân khấu đã phá vỡ khuôn mẫu quen thuộc về sự nghiêm nghị của người đứng đầu một ngân hàng lớn, mang đến một làn gió vô cùng mới mẻ và đầy sức trẻ.
Đáng nói, đấy không phải là lần đầu tiên và là lần duy nhất vị Chủ tịch trẻ tuổi này khuấy đảo mạng xã hội. Chủ tịch Trần Hùng Huy đã sớm gây chú ý từ năm 2018, khi ông cùng ekip tạo nên một sự kiện bùng nổ trong lễ kỷ niệm 25 năm thành lập ACB.
Những ca khúc đình đám như “Ngày mai em đi,” “Attention,” “Uptown Funk,” “Sau tất cả”,… được ông trình diễn với phong cách chuyên nghiệp và vũ đạo cuốn hút, nhanh chóng lan tỏa trên mạng xã hội. Những dịp kỷ niệm của ACB không còn là sự kiện nội bộ của ngân hàng nữa mà trở thành dịp được nhiều người chờ đợi để xem liệu vị Chủ tịch ACB sẽ mang đến bất ngờ gì tiếp theo.
Một điều đặc biệt thú vị nữa về Chủ tịch Trần Hùng Huy là ông là chủ tịch ngân hàng duy nhất tại Việt Nam công khai tài khoản mạng xã hội cá nhân. Trái ngược với phong cách kín tiếng thường thấy của nhiều lãnh đạo cấp cao trong giới buôn tiền, ông Huy lại thoải mái chia sẻ những khoảnh khắc giản dị trong cuộc sống cá nhân, từ việc nấu ăn, tập luyện thể thao đến những chuyến du lịch, tạo nên một hình ảnh rất khác so với nhiều chủ tịch khác.
Kể từ khi đảm nhận vai trò “thuyền trưởng” tại ACB, ông Trần Hùng Huy luôn lấy “minh bạch, lành mạnh” làm kim chỉ nam cho sự phát triển của ngân hàng. Việc chia sẻ, công khai cuộc sống cá nhân trên mạng xã hội của ông Huy cũng giống như cách ông phát triển nên ngân hàng ACB của hiện tại - trẻ trung, minh bạch và lành mạnh.
ACB như thế nào dưới thời ông Trần Hùng Huy?
Nhiều người thường đùa rằng ông Trần Hùng Huy là một trong số ít lãnh đạo ngân hàng nắm giữ nhiều “kỷ lục” đặc biệt, như “Chủ tịch ngân hàng có nhiều màn biểu diễn nhất” hay “Chủ tịch ngân hàng duy nhất công khai tài khoản mạng xã hội”. Ngoài những cái “nhất” đó, ông Trần Hùng Huy còn là vị Chủ tịch HĐQT trẻ tuổi nhất trong ngành ngân hàng.
Ông bắt đầu ngồi ghế nóng Chủ tịch HĐQT ACB vào năm 2012 khi ngân hàng này đang trong thế “ngàn cân treo sợi tóc” sau sự việc của Bầu Kiên. Thời điểm đó, ông Huy mới chỉ 34 tuổi.
Việc tiếp quản ghế nóng khi đó có phần bất đắc dĩ khi chính bản thân ông Huy cũng phải thừa nhận rằng mình “chưa chuẩn bị gì” cho việc nắm giữ vị trí cao nhất tại ACB.
Mặc dù lên nắm quyền khi còn trẻ và trong lúc ngân hàng hỗn độn song ông Huy đã chèo lái con thuyền ACB từng bước vượt qua những cơn sóng dữ. Sự hồi sinh mạnh mẽ của ACB sau 12 năm chính là minh chứng cho điều này.
Trong giai đoạn 2012 – 2016, lợi nhuận sau thuế của ACB tăng từ 784 tỷ đồng vào năm 2012 lên 1.325,3 tỷ đồng vào năm 2016. Tuy nhiên, sau giai đoạn khởi động đó, lợi nhuận sau thuế của ACB bước vào giai đoạn tăng tốc, từ 2.118 tỷ đồng vào năm 2017 lên 9.602,7 tỷ đồng vào năm 2021 và nhảy vọt lên 13.688,2 tỷ đồng vào năm 2022. Đến năm 2023, mức lợi nhuận sau thuế của ACB vượt 16.044,7 tỷ đồng.
Hiệu suất sinh lời của ACB cũng được cải thiện qua từng năm, thậm chí đạt đỉnh 27,7% vào năm 2018. Những năm sau đó, ROE của ACB liên tục được duy trì trên 20%.
Tương tự, tổng tài sản của ACB cũng ổn định qua các thời kỳ, tăng từ 176.308 tỷ đồng năm 2012 lên 718.794 tỷ đồng tính đến ngày 31/12/2023. Như vậy, dưới thời của Chủ tịch Trần Hùng Huy, tổng tài sản của ngân hàng này đã tăng gấp hơn 4 lần trong vòng 11 năm. Cuộc chuyển giao quyền lực bất ngờ năm 2012 rõ ràng là một hướng đi đúng đắn, giúp ACB “thay da đổi thịt”, mạnh mẽ đi qua vùng khủng hoảng.
Cũng giống như “thuyền trưởng” Trần Hùng Huy, ACB sở hữu nhiều điểm riêng biệt so với các ngân hàng thương mại hiện nay. Những năm gần đây, nhất là sau khi Chính phủ có cam kết mạnh mẽ tại Hội nghị COP 26 hồi 2021, ESG dần nổi lên như một “trend” tại Việt Nam. Nhiều doanh nghiệp cũng bắt đầu quan tâm đến vấn đề này.
Tuy nhiên, trong khi nhiều doanh nghiệp mới bắt đầu biết đến và loay hoay với ESG thì ACB, với hơn 30 năm tuổi đời, đã có tới 10 năm “kinh nghiệm” với phát triển bền vững.
Trong một chia sẻ trên truyền thông, Chủ tịch ACB Trần Hùng Huy cho biết, vào thời điểm bắt đầu, ngay cả chính cổ đông lớn của ACB cũng lên tiếng phản đối và cho rằng ESG là “một câu chuyện rất xa vời”. Song, với sự kiên định và tầm nhìn của người đứng đầu, đến nay ACB đã là một trong những ngân hàng đi đầu trong thực hành ESG. Năm 2023, ACB còn là ngân hàng đầu tiên tại Việt Nam công bố báo cáo về ESG.
Ông từng lý giải rằng bản thân luôn tin tưởng ACB là một doanh nghiệp trường tồn, chứ không đơn thuần là một ngân hàng với tuổi đời chỉ hàng chục năm. Vì lẽ đó, đối với ACB, phát triển bền vững không còn là một phong trào mà là một điều tất yếu.
Xuất phát từ đó, ACB cũng là một trong những ngân hàng tích cực triển khai các gói tín dụng xanh. Tính riêng trong năm 2024, ACB đã cung cấp gói tín dụng 2.000 tỷ đồng cho các doanh nghiệp thuộc danh mục xanh, xã hội nhằm tài trợ nhu cầu vốn kinh doanh đồng hành cùng doanh nghiệp tăng trưởng.