21 ngân hàng đã tham gia gói tín dụng 500.000 tỷ đồng
21 ngân hàng đăng ký tham gia gói tín dụng 500.000 tỷ đồng với lãi suất ưu đãi thấp hơn thị trường ít nhất 1%, thời hạn vay tối thiểu hai năm.
Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, các ngân hàng thương mại đang khẩn trương triển khai gói tín dụng ưu đãi trị giá 500.000 tỷ đồng nhằm hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vào hạ tầng, công nghệ số và các ngành trọng điểm.
Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc đã giao Ngân hàng Nhà nước (NHNN) xây dựng cơ chế triển khai gói tín dụng này với lãi suất thấp.
Ngay sau chỉ đạo của Chính phủ, ngành ngân hàng đã tổ chức các cuộc thảo luận nhằm cụ thể hóa nội dung và cơ chế triển khai gói tín dụng 500.000 tỷ đồng.
Theo đó, các ngân hàng sẽ căn cứ vào danh mục dự án trọng điểm trong các lĩnh vực giao thông, năng lượng và công nghệ số do Bộ Xây dựng, Bộ Công Thương, Bộ Khoa học và Công nghệ cung cấp để xác định đối tượng cho vay. Lãi suất cho vay sẽ được các ngân hàng công khai và điều chỉnh linh hoạt theo từng giai đoạn.

Chiều 24/4, NHNN đã có buổi làm việc với các ngân hàng thương mại và đại diện các bộ ngành liên quan như Bộ Công thương, Bộ Xây dựng, Bộ Khoa học và Công nghệ về gói tín dụng 500.000 tỷ đồng cho khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và hạ tầng chiến lược.
Tại cuộc họp, bà Hà Thu Giang, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN) cho biết, đã có 21 ngân hàng đăng ký tham gia gói tín dụng 500.000 tỷ đồng với mục tiêu của gói là hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư hạ tầng và công nghệ số với lãi suất ưu đãi thấp hơn thị trường ít nhất 1%, thời hạn vay tối thiểu hai năm.
Ông Lê Quang Vinh, Tổng giám đốc Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), thông tin mỗi ngân hàng trong nhóm Big 4 (Vietcombank, Agribank, BIDV và VietinBank) cam kết tham gia 60.000 tỷ đồng, cùng với nhiều ngân hàng khác hình thành gói tín dụng 500.000 tỷ đồng.
Bà Phùng Thị Bình, Phó Tổng giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank), kiến nghị để giải ngân hiệu quả, các bộ, ngành cần sớm cung cấp danh mục dự án cụ thể. Bà Bình cho hay ngân hàng sẵn sàng cung cấp vốn nhưng cần thông tin rõ ràng từ các chủ đầu tư, bao gồm kế hoạch sử dụng vốn và trách nhiệm tài chính.
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú cho rằng, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo NHNN xây dựng, triển khai gói tín dụng ưu đãi khoảng 500.000 tỷ đồng cho khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và hạ tầng chiến lược.
Theo Phó Thống đốc, với gói tín dụng 500.000 tỷ đồng cho doanh nghiệp đầu tư hạ tầng, công nghệ số, các ngân hàng đã cam kết tham gia và có nhiều ưu đãi dành cho các dự án, đơn cử như về lãi suất ưu đãi, về cho vay trung, dài hạn.
Nhưng trên thực tế, vốn ngân hàng có bản chất là vốn ngắn hạn. Hiện nay, để đáp ứng đảm bảo an toàn hoạt động của hệ thống ngân hàng, tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn đang ngày càng giảm dần. Điều này cũng nhằm đáp ứng các chuẩn mực an toàn quốc tế như Basel II, Basel III. Trong khi đó, Luật các tổ chức tín dụng sửa đổi cũng có nhiều quy định liên quan đến đảm bảo an toàn hoạt động của các ngân hàng trong vấn đề cho vay.
Phó Thống đốc khẳng định, ngành ngân hàng đã và đang sẵn sàng triển khai gói tín dụng 500.000 tỷ đồng. Song ông Tú đã thẳng thắn nhìn nhận rằng cơ chế phối hợp giữa các bộ, ngành về việc này còn chưa đạt yêu cầu. Bài toán hiện nay không nằm ở quy mô vốn mà nằm ở cơ chế điều phối và xác định mục tiêu ưu tiên.
Theo Phó Thống đốc Đào Minh Tú, cần nhìn nhận rõ là ngân hàng không thể thay thế vai trò điều tiết vốn đầu tư công của Nhà nước. Gói tín dụng này là chính sách hỗ trợ, nhưng nếu thiếu đồng bộ giữa vốn ngân sách và vốn tín dụng, thì hệ quả là cả hệ thống ngân hàng bị đẩy vào thế rủi ro cao.
Vì thế, cần có phối hợp đồng bộ giữa các bộ ngành chặt chẽ, kịp thời, có trách nhiệm cao để gói tín dụng đi vào thực chất.