Phối hợp đồng bộ trong triển khai gói tín dụng 500.000 tỷ đồng

Vừa qua, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước tổ chức buổi làm việc với các bộ, ngành và 4 ngân hàng thương mại Nhà nước để triển khai gói tín dụng 500.000 tỷ đồng cho doanh nghiệp đầu tư hạ tầng, công nghệ số. Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú chủ trì.

Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú cho rằng, đây là giai đoạn đòi hỏi nguồn vốn rất lớn cho đầu tư phát triển trước yêu cầu phát triển kinh tế nhanh, hướng tới GDP tăng trưởng 2 con số. Muốn có đầu tư thì phải có nguồn vốn, nhất là vốn ưu đãi. Đầu tư cho các dự án trọng điểm bao gồm nhiều nguồn vốn khác nhau, như ngân sách, vốn FDI… Nhưng trong đó, tín dụng ngân hàng vẫn là một nguồn vốn quan trọng.

Ngành ngân hàng đã và đang sẵn sàng triển khai gói tín dụng 500.000 tỷ đồng
Ngành ngân hàng đã và đang sẵn sàng triển khai gói tín dụng 500.000 tỷ đồng

Trước tình hình trên, mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo NHNN xây dựng, triển khai gói tín dụng ưu đãi khoảng 500.000 tỷ đồng cho khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và hạ tầng chiến lược. Phó Thống đốc cho rằng đây là bài toán khó khăn trong bối cảnh nhiều gói tín dụng ưu đãi đang được triển khai, có chương trình được giải ngân rất tốt nhưng cũng vẫn còn gói tín dụng bị vướng mắc bởi một số yếu tố như không đáp ứng điều kiện vay vốn…

Đối với gói tín dụng 500.000 tỷ đồng cho doanh nghiệp đầu tư hạ tầng, công nghệ số, theo Phó Thống đốc, các ngân hàng đã cam kết tham gia và có nhiều ưu đãi dành cho các dự án, đơn cử như về lãi suất ưu đãi, về cho vay trung, dài hạn.

Thực tế, vốn ngân hàng có bản chất là vốn ngắn hạn. Hiện nay, để đáp ứng đảm bảo an toàn hoạt động của hệ thống ngân hàng, tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn đang ngày càng giảm dần. Điều này cũng nhằm đáp ứng các chuẩn mực an toàn quốc tế như Basel II, Basel III. Trong khi đó, Luật các tổ chức tín dụng (TCTD) sửa đổi cũng có nhiều quy định liên quan đến đảm bảo an toàn hoạt động của các ngân hàng trong vấn đề cho vay. "Vì vậy, việc cho vay trung và dài hạn cũng chính là một ưu đãi từ phía ngân hàng. Các ngân hàng cũng có trách nhiệm đồng thuận tham gia gói tín dụng này", Phó Thống đốc nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, những vấn đề khó khăn còn tồn tại trong lĩnh vực hạ tầng giao thông, năng lượng, điện… những dự án trọng điểm khác cũng cần được giải quyết với dự tham gia tích cực của các bộ, ngành.

Đại diện Bộ Xây dựng cho hay: Hiện Bộ này chỉ tập trung quản lý vốn đầu tư công, chưa có cơ sở đề xuất danh mục dự án, nội dung này phần lớn liên quan đến doanh nghiệp, nên cơ quan này chưa đề xuất được danh mục dự án cũng như nhu cầu tín dụng.

Trong khi đó, đại diện Bộ Khoa học và Công nghệ chia sẻ: Dù được giao nhiệm vụ phát triển hạ tầng số nhưng hiện chưa có danh mục dự án cụ thể cần vay vốn, vì chủ yếu các dự án trước đến nay dùng vốn đầu tư công.

Bộ Công thương thì cho biết đến năm 2030, tổng nhu cầu vốn đầu tư cho các dự án lớn có thể lên tới hàng trăm nghìn tỷ đồng. Tuy nhiên, chưa thể xác định đủ danh mục trọng điểm để gói tín dụng tập trung nguồn lực, đại diện Bộ Công thương đề nghị: "Bộ cần thêm thời gian tổng hợp con số cuối cùng".

Tại buổi làm việc, Phó Thống đốc Đào Minh Tú khẳng định: Ngành ngân hàng đã và đang sẵn sàng triển khai gói tín dụng 500.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú đã thẳng thắn nhìn nhận rằng cơ chế phối hợp giữa các bộ ngành về việc này còn chưa đạt yêu cầu. Bài toán hiện nay không nằm ở quy mô vốn mà nằm ở cơ chế điều phối và xác định mục tiêu ưu tiên. Ví dụ, NHNN rất cần xác định rõ trong ít nhất 5 năm tới, danh mục các dự án ưu tiên đầu tư, tỷ lệ vốn nhà nước và xã hội hóa, cung cấp các đối tượng chính xác, kế hoạch đầu tư rõ ràng, ít nhất là cần có dữ liệu ước tính gần với thực tế, từ đó NHNN cũng như các NHTM mới có thể tính toán cân đối nguồn vốn, bảo đảm gói tín dụng đi đúng hướng (nhưng hiện chưa có).

Theo Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú: Cần nhìn nhận rõ là ngân hàng không thể thay thế vai trò điều tiết vốn đầu tư công của Nhà nước. Gói tín dụng này là chính sách hỗ trợ, nhưng nếu thiếu đồng bộ giữa vốn ngân sách và vốn tín dụng, thì hệ quả là cả hệ thống ngân hàng bị đẩy vào thế rủi ro cao. Do đó, cần có phối hợp đồng bộ giữa các bộ ngành chặt chẽ, kịp thời, có trách nhiệm cao để gói tín dụng đi vào thực chất.

Thiện Phúc

Theo Chất lượng và cuộc sống