22 dự án FDI đầu tư vào 2 khu công nghiệp ở Lâm Đồng
Hai khu công nghiệp ở Lâm Đồng là Lộc Sơn và Phú Hội đã thu hút được 83 dự án đầu tư, trong đó 22 dự án của các nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài.
Theo Ban quản lý các Khu công nghiệp tỉnh Lâm Đồng, hiện nay, tại Khu công nghiệp Lộc Sơn và Khu công nghiệp Phú Hội có 83 dự án đầu tư, trong đó có 22 dự án FDI.
Cụ thể, Khu công nghiệp Lộc Sơn có 50 dự án đầu tư (10 dự án FDI), trong đó có 47 dự án có thuê đất với tổng diện tích đất sử dụng 112,9579 ha, đạt tỷ lệ lấp đầy 94,68% diện tích đất công nghiệp đã bồi thường giải phóng mặt bằng và 84,17% diện tích đất công nghiệp toàn khu; 2 dự án thuê lại nhà xưởng và 1 dự án thuê văn phòng để đặt trụ sở.
Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho Công ty Phát triển hạ tầng Khu công nghiệp Lộc Sơn - Phú Hội với tổng diện tích là 47,5 ha. Đồng thời, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh cũng đã cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cấp trực tiếp cho 20 doanh nghiệp, với tổng diện tích là 46,8443 ha.
Được biết, Khu công nghiệp Lộc Sơn thuộc địa bàn Phường Lộc Sơn-TP Bảo Lộc-Tỉnh Lâm Đồng. Mục tiêu của dự án là khu công nghiệp tập trung, đa ngành, được hình thành nhằm thu hút các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh đầu tư, tạo việc làm cho người lao động.
Tại Khu công nghiệp Phú Hội hiện có 33 dự án đầu tư (trong đó có 12 dự án FDI) còn hiệu lực với tổng diện tích 61,84 ha - đạt tỷ lệ lấp đầy 96,7 % diện tích đất công nghiệp đã bồi thường giải phóng mặt bằng và 85,76% diện tích đất công nghiệp toàn khu.
Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho Công ty Phát triển hạ tầng Khu công nghiệp Lộc Sơn - Phú Hội với tổng diện tích là 39,75 ha; diện tích còn lại Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cấp trực tiếp cho doanh nghiệp.
Khu công nghiệp Phú Hội đặt tại xã Phú Hội, huyện Đức Trọng, là Là khu công nghiệp tập trung, đa ngành, được hình thành nhằm thu hút các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh đầu tư, tạo việc làm cho người lao động.
Chỉ riêng 2 khu công nghiệp này đã thu hút được 5.015 lao động làm việc, trong đó lao động người Việt Nam là 4.975, lao động người nước ngoài là 40 người. Người lao động có thu nhập bình quân từ 5 - 8 triệu đồng/người.
Theo số liệu thống kê, tính đến đầu tháng 05/2022, trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng có 101 dự án vốn đầu tư nước ngoài (FDI), với tổng vốn đăng ký đầu tư khoảng 12.170,76 tỷ đồng (tương đương 550,95 triệu USD), quy mô diện tích 2.245,19 ha. Trong đó, có 96 dự án có vốn đầu tư nước ngoài đi vào hoạt động với vốn đầu tư thực hiện là 9.371,09 tỷ đồng (tương đương 431,377 triệu USD), bằng 78,29% tổng vốn đầu tư đăng ký.
Giải pháp thu hút đầu tư trong năm 2022 được tỉnh đặt ra là tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư theo hướng thông thoáng, minh bạch và thân thiện; thu hút đầu tư có chọn lọc và theo quy hoạch…;
Tiếp tục nâng cao chất lượng các hoạt động xúc tiến đầu tư, tuyên truyền, quảng bá về tiềm năng thế mạnh và chính sách thu hút đầu tư của tỉnh; tăng cường quảng bá và phát triển thương hiệu các sản phẩm nông nghiệp, trọng tâm là thương hiệu “Đà Lạt - Kết tinh kỳ diệu từ đất lành”; mở rộng thị trường, phát triển mô hình liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm…
Đẩy mạnh cải cách hành chính và nâng cao hiệu quả cơ chế một cửa liên thông trong đầu tư; công khai quy trình, thủ tục, thời gian giải quyết các thủ tục hành chính theo thẩm quyền trên hệ thống thông tin. Song song đó, giải đáp các thắc mắc của nhà đầu tư trên mạng thông tin điện tử, từng bước thực hiện cấp phép đầu tư qua mạng; đẩy mạnh xây dựng cơ sở hạ tầng thông tin, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong cải cách hành chính và xây dựng chính phủ điện tử…
Xây dựng và nâng cao kỹ năng giải quyết các thủ tục hành chính, kỹ năng trong giao tiếp... của cán bộ làm công tác xúc tiến đầu tư và quản lý dự án, đặc biệt là cán bộ, nhân viên một cửa, một cửa liên thông…