Lâm Đồng: Đẩy nhanh tiến độ triển khai các ‘siêu’ dự án của Novaland, T&T, Sài Gòn – Đại Ninh
UBND huyện Đức Trọng vừa phát đi văn bản về việc cập nhật tình hình triển khai các dự án, công trình trọng điểm giai đoạn 2020-2025 trên địa bàn huyện Đức Trọng.
Cụ thể, tại báo cáo số 290/BC-UBND huyện Đức Trọng về việc cập nhật tình hình triển khai các dự án, công trình trọng điểm giai đoạn 2020-2025 trên địa bàn huyện (đến ngày 20/6/2022) có nêu rõ:
Các dự án, công trình trọng điểm theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Lâm Đồng lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025 trên địa bàn huyện Đức Trọng có thể kể đến như:
Dự án đường cao tốc Dầu giây – Liên Khương: Đoạn Bảo Lộc – Liên Khương (qua địa bàn huyện Đức Trọng) do liên danh nhà đầu tư Tập đoàn T&T và Công ty cổ phần Tập đoàn Phương Trang đề xuất triển khai xây dựng.
Liên quan đến dự án này, Ngày 25/5/2022, UBND tỉnh ban hành văn bản số 3635/UBND-ĐC v/v rà soát, đề xuất quy hoạch quỹ đất của địa phương hai bên tuyến đường cao tốc phục vụ phát triển kinh tế xã hội. Theo đó UBND tỉnh giao UBND các huyện, thành phố có đường cao tốc đi qua rà soát, đề xuất quy hoạch quỹ đất hai bên tuyến đường cao tốc của địa phương để phục vụ phát triển KTXH đề xuất UBND tỉnh trong tháng 6/2022. Ngày 06/6/2022, UBND tỉnh ban hành văn bản số 3992/UBND-KH v/v rà soát, đề xuất phương án bố trí vốn cho dự án cao tốc Bảo Lộc – Liên Khương. Ngày 09/6/2022, UBND tỉnh tiếp tục ban hành văn bản số 4116/UBND-GT v/v tổ chức quản lý phạm vi, ranh giới và nghiên cứu xin thí điểm việc tách hợp phần giải phóng mặt bằng dự án đường cao tốc Tân Phú – Bảo Lộc, Bảo Lộc – Liên Khương để thực hiện; theo đó UBND tỉnh giao Ban QLDA giao thông tỉnh tham mưu UBND tỉnh báo cáo cấp có thẩm quyền cho thực hiện thí điểm việc tách hợp phần giải phóng mặt bằng ra khỏi dự án để đẩy nhanh tiến độ dự án. Ngày 09/6/2022, UBND tỉnh ban hành thông báo Kết luận của đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh số 139/TB-UBND, theo đó: giao cho các ngành khẩn trương đề ra 2 tiến độ, nhiệm vụ, các thủ tục về đầu tư, phấn đấu khởi công dự án trước ngày 31/12/2022. Ngày 16/6/2022, UBND huyện ban hành văn bản số 1426/UBND-VP V/v cử cán bộ tham gia hội đồng thẩm định cấp cơ sở thẩm định báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đường cao tốc Bảo Lộc – Liên Khương theo phương thực đối tác công tư.
Trên cơ sở đó, UBND huyện đã ban hành văn bản số 1404/UBNDVP ngày 14/6/2022 v/v triển khai thực hiện dự án đường cao tốc Bảo Lộc – Liên Khương đoạn qua địa bàn huyện; giao cho Phòng Tài nguyên & Môi trường chủ trì phối hợp với các ngành, địa phương quản lý phạm vi, ranh giới, hiện trạng rừng, đất đai, công trình kiến trúc và rà soát, đề xuất quy hoạch quỹ đất hai bên tuyến đường cao tốc của địa phương để phục vụ phát triển KTXH đề xuất UBND tỉnh trong tháng 6/2022.
UBND huyện tiếp tục chỉ đạo các phòng ban, đơn vị, địa phương tăng cường công tác quản lý nhà nước tại các khu vực thực hiện dự án, quản lý chặt chẽ khu vực quy hoạch được duyệt, hạn chế tối đa việc xây dựng, chuyển mục đích, mở đường không phù hợp với quy hoạch, phối hợp trong công tác tuyên truyền, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và giải phóng mặt bằng… Phối hợp chặt chẽ với Chủ đầu tư trong việc thực hiện các nội dung chỉ đạo của UBND tỉnh.
Dự án Khu đô thị Liên Khương – Prenn quy mô 3.000 ha do Tập đoàn Novaland tài trợ lập quy hoạch
Văn bản nêu rõ, ngày 19/7/2018, UBND tỉnh ban hành văn bản số 4505/UBD-XD2 v/v chấp thuận chủ trương để Công ty cổ phần đầu tư và phát triển đô thị TDH Ecoland nghiên cứu và đề xuất quy hoạch dự án đầu tư Khu đô thị Finôm – Prenn và khu du lịch hồ Prenn.
Ngày 22/11/2018, UBND tỉnh ban hành văn bản số 7737/UBND-XD2 v/v chấp thuận chủ trương cho Công ty cổ phần Tập đoàn FLC nghiên cứu, khảo sát và đề xuất quy hoạch dự án Khu đô thị Liên Khương – Prenn. Tiếp đến ngày 14/10/2019, UBND tỉnh ban hành văn bản số 284/UBD-XD2 v/v thống nhất phạm vi nghiên cứu quy hoạch để Công ty cổ phần Tập đoạn FLC khảo sát và lập quy hoạch phân khu Khu đô thị Liên Khương – Prenn, quy mô nghiên cứu lập quy hoạch: khoảng 3.500 ha.
Ngày 22/12/2021, Hội đồng thẩm định nhiệm vụ và đồ án quy hoạch của UBND tỉnh đã tổ chức thẩm định đồ án quy hoạch phân khu Khu đô thị Liên Khương – Prenn. Qua thẩm định, Hội đồng thẩm định quy hoạch của tỉnh đã có Thông báo số 41/TB-HĐTĐQH ngày 10/01/2022 đề nghị Chủ đầu tư và đơn vị tư vấn chỉnh sửa, hoàn thiện đồ án quy hoạch theo yêu cầu tại mục 3 của Thông báo trên. Ngày 04/3/2021, UBND tỉnh chấp thuận chủ trương cho Công ty cổ phần tập đoàn địa ốc Nova tài trợ đồ án quy hoạch phân khu Khu đô thị Liên Khương – Prenn tại văn bản số 1293/UBND-XD2.
Đồng thời, UBND tỉnh đã giao Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với các sở ngành chức năng và UBND huyện Đức Trọng triển khai thực hiện tại Thông báo Kết luận số 65/TB-UBND ngày 11/3/2021. Hiện nay Sở Xây dựng phối hợp với Công ty cổ phần tập đoàn địa ốc Nova hoàn chỉnh đồ án trình HĐND thông qua làm cơ sở trình UBND tỉnh phê duyệt.
Theo đó, sau khi đồ án quy hoạch được phê duyệt và công bố, tổ chức cắm mốc giới quy hoạch ngoài thực địa; lập đề xuất dự án và hồ sơ đề nghị chuyển mục đích sử dụng rừng (nếu có) và thực hiện các bước phối hợp tổ chức lựa chọn nhà đầu tư. –
UBND huyện tiếp tục chỉ đạo các phòng ban, đơn vị, địa phương tăng cường công tác quản lý nhà nước tại khu vực dự kiến thực hiện dự án, quản lý chặt chẽ khu vực quy hoạch được duyệt, hạn chế tối đa việc xây dựng, chuyển mục đích, mở đường không phù hợp với quy hoạch, phối hợp trong công tác tuyên truyền, xác định chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng, phương án tái định cư theo quy định.
Dự án Khu du lịch hồ Đại Ninh: Giai đoạn 2016-2020
Dự án Khu đô thị thương mại, du lịch, nghỉ dưỡng sinh thái Đại Ninh (dự án Khu đô thị Đại Ninh) do Công ty cổ phần đầu tư du lịch Sài Gòn – Đại Ninh (Công ty Sài Gòn – Đại Ninh) được UBND tỉnh cấp giấy chứng nhận đầu tư số 42121000716 ngày 30/12/2010. Tổng diện tích thực hiện: 3.595,45 ha (đất rừng: 1.306,44 ha, đất ngoài lâm nghiệp: 329,44 ha, lòng hồ: 1.959,87 ha). Tổng vốn đầu tư: 25.243 tỷ đồng. Tiến độ thực hiện: 2010-2018.
Dự án được UBND tỉnh, huyện quan tâm và có nhiều văn bản đôn đốc chủ đầu tư huy động nguồn lực đẩy nhanh tiến độ đầu tư theo giấy chứng nhận đầu tư. Tuy nhiên, chủ đầu tư thực hiện đến nay chủ yếu là hạ tầng giao thông, chưa đầu tư các hạng mục chính của dự án, mặc dù tiến độ đầu tư đã hết thời hạn từ năm 2019. Ngày 03/11/2021, UBND tỉnh ban hành văn bản số 7845/UBND-VX2 chấp thuận cho Công ty cổ phần đầu tư du lịch Sài Gòn – Đại Ninh tiếp tục thực hiện dự án; UBND tỉnh đã thống nhất điều chỉnh dự án “Khu đô thị thương mại, du lịch nghĩ dưỡng sinh thái Đại Ninh” tại huyện Đức Trọng của Công ty CP đầu tư du lịch Sài Gòn – Đại Ninh tại văn bản số 245/UBND-VX2 ngày 12/01/2022 và gia hạn thời gian đưa đất vào sử dụng tại văn bản số 725/UBND-ĐC ngày 28/01/2022.
Hiện nay UBND tỉnh đang xem xét đề xuất của Sở Kế hoạch và Đầu tư v/v điều chỉnh tiến độ dự án. UBND huyện đã chỉ đạo các phòng chuyên môn thuộc huyện cập nhật Dự án Khu đô thị Đại Ninh vào quy hoạch sử dụng đất thời kỳ 2021 – 2030 huyện Đức Trọng theo đề nghị tại văn bản số 187/STNMT-QLĐĐ ngày 21/01/2022 của Sở Tài nguyên & Môi trường. 3 Ngày 15/6/2022, Sở Tài nguyên và Môi trường ban hành văn bản số 1379/STNMT-QLĐĐ v/v giá đất tính thu tiền sử dụng đất đối với diện tích Công ty CP đầu tư du lịch Sài Gòn Đại Ninh thực hiện dự án Khu đô thị thương mại, du lịch, nghỉ dưỡng sinh thái Đại Ninh tại huyện Đức Trọng (gđ 1), theo đó đề nghị một số nội dung liên quan đến việc giá đất tính thu tiền sử dụng đất đối với diện tích Công ty CP đầu tư du lịch Sài Gòn Đại Ninh.
Theo đó, UBND huyện tiếp tục phối hợp với các sở ngành chức năng và đơn vị liên quan hỗ trợ Công ty cổ phần đầu tư du lịch Sài Gòn – Đại Ninh hoàn thành các thủ tục pháp lý của dự án sau khi UBND tỉnh chấp thuận cho Công ty cổ phần đầu tư du lịch Sài Gòn – Đại Ninh tiếp tục thực hiện dự án, điều chỉnh dự án và gia hạn thời gian đưa đất vào sử dụng tại các văn bản số: 7845/UBND-VX2 ngày 03/11/2021, 245/UBND-VX2 ngày 12/01/2022, 725/UBND-ĐC ngày 28/01/2022.
Đồng thời, theo dõi, đôn đốc, hướng dẫn, hỗ trợ Công ty cổ phần đầu tư du lịch Sài Gòn – Đại Ninh tăng cường công tác quản lý bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng, đất đai trong phạm vi dự án, không để người dân lấn chiếm; kịp thời giải tỏa diện tích đất bị lấn, chiếm, rừng bị phá để nhà đầu tư thực hiện dự án và trồng rừng theo quy định.