3 tỉnh Thừa Thiên Huế, Quảng Trị, Quảng Bình đều có sân bay

Bộ Giao thông - Vận tải vừa phê duyệt quy hoạch Cảng hàng không Quảng Trị đến năm 2030. Theo định hướng này, cả ba tỉnh “Bình – Trị - Thiên” đều có sân bay.

Theo Quyết định 188/QĐ-BGTVT, ngày 26/1/2020 của Bộ Giao thông Vận tải phê duyệt quy hoạch Cảng hàng không Quảng Trị giai đoạn đến năm 2030, thì cảng hàng không Quảng Trị là cảng hàng không nội địa, có sân bay dùng chung dân dụng và quân sự; cấp sân bay 4C (theo mã tiêu chuẩn của Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế - ICAO) và sân bay quân sự cấp II; công suất: 1 triệu hành khách/năm và 3.100 tấn hàng hóa/năm; loại tàu bay khai thác là tàu bay code C hoặc tương đương; tổng số vị trí đỗ tàu bay 5 vị trí code C (có khả năng đỗ tàu bay code E).

Phối cảnh sân bay Quảng Trị  
Phối cảnh sân bay Quảng Trị  
Cảng hàng không Quảng Trị cũng được quy hoạch khu bay gồm hệ thống đường cất hạ cánh (theo hướng 04-22; kích thước 2.400m x 45m, lề vật liệu mỗi bên rộng 7,5m), hệ thống đường lăn, sân đỗ tàu bay…. Cùng với đó là các công trình quản lý, điều hành bay như đài kiểm soát không lưu, hệ thống dẫn đường, hệ thống quan trắc khí tượng tự động (AWOS); quy hoạch khu phục vụ mặt đất như nhà ga hành khách, nhà ga hàng hóa (Quy hoạch khu đất có diện tích khoảng 15.200m2 để xây dựng nhà ga hàng hóa và khu đất có diện tích 14.400m2 để xây dựng sân đỗ trước nhà ga hàng hóa khi có nhu cầu); đường trục vào cảng cùng các công trình phụ trợ cảng hàng không như nhà điều hành, nhà làm việc của cảng vụ hàng không, văn phòng các cơ quan nhà nước…

Đáng chú ý, theo quy hoạch được duyệt, tổng như cầu sử dụng đất của Cảng hàng không Quảng Trị khoảng 316,572ha, trong đó diện tích đất dùng chung 177,642ha; diện tích đất khu hàng không dân dụng 87,730ha; diện tích đất khu quân sự 51,200ha.

Theo Quyết định số 236/QĐ - TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch phát triển giao thông vận tải hàng không giai đoạn đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, Cảng hàng không Quảng Trị là một trong 28 cảng hàng không nội địa đưa vào khai thác giai đoạn từ năm 2020 - 2030 với quy mô hàng không dân dụng cấp 4C, diện tích sử dụng đất 312ha.

Trước khi ban hành quyết định phê duyệt quy hoạch Cảng hàng không Quảng Trị, Bộ Giao thông Vận tải cũng đã nhận được tờ trình số 2946/TTr-CHK ngày 14/7/2020 của Cục Hàng không Việt Nam về việc phê duyệt quy hoạch Cảng hàng không Quảng Trị giai đoạn đến năm 2030, nhưng sau đó có văn bản chưa chấp thuận, do đề xuất về phạm vi và diện tích đất dự phòng cho phát triển cảng hàng không này chưa đủ cơ sở xem xét, phê duyệt. Tuy nhiên, Bộ Giao thông Vận tải cũng đã nhận được báo cáo giải trình của Cục hàng không và hoàn thiện hồ sơ nên phê duyệt quy hoạch cảng hàng không này.

3 tỉnh Thừa Thiên Huế, Quảng Trị, Quảng Bình đều có sân bay - Ảnh 1
Cảng hàng không Đồng Hới. (Ảnh: Đình Huân)

Được biết, Công ty CP Tập đoàn T&T cũng đã có văn bản đề nghị UBND tỉnh Quảng Trị về việc đề xuất nghiên cứu, đầu tư dự án Cảng hàng không Quảng Trị và UBND tỉnh cũng đã đồng ý chủ trương để tập đoàn này khảo sát, nghiên cứu hồ sơ đề xuất dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không Quảng Trị.

Trao đổi với Reatimes ngày 30/1/2021, một lãnh đạo Sở Kế hoạch - Đầu tư tỉnh Quảng Trị xác nhận thông tin trên và cho biết sơ bộ là chủ trương này vẫn đang được tiến hành.

Sân bay Quảng Trị cách Sân bay Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình khoảng 93km về phía Bắc và cách Sân bay quốc tế Phú Bài, tỉnh Thừa Thiên Huế khoảng 88km về phía Nam. Như vậy nếu được xây dựng hoàn tất, trên tổng chiều dài hơn 180km từ Phú Bài đến Đồng Hới sẽ có 3 cảng hàng không/sân bay. Trong đó Phú Bài là cảng hàng không quốc tế đang được đầu tư, xây dựng nâng cấp với công suất có thể đón 5 triệu lượt khách/năm.

3 tỉnh Thừa Thiên Huế, Quảng Trị, Quảng Bình đều có sân bay - Ảnh 2
Cảng hàng không quốc tế Phú Bài. (Ảnh: Đình Huân)

Với Cảng hàng không Đồng Hới, UBND tỉnh Quảng Bình mới đây cũng đã chính thức khởi động dự án mở rộng sân đỗ máy bay của cảng này và đây được xem là một trong hai dự án động lực của tỉnh trong năm 2021. Được xây dựng từ khu vực sân bay có từ thời Pháp thuộc, đưa vào sử dụng năm 2008, Cảng hàng không Đồng Hới có thể đón các loại máy bay A320, A321 và tương đương với đường cất hạ cánh với độ dài là 2,4km; rộng 45m. Hiện cảng hàng không này có năng lực đón 500.000 hành khách/năm.

Cũng như Cảng hàng không Đồng Hới đưa vào sử dụng 13 năm trước, việc xây dựng Cảng hàng không Quảng Trị cũng được giới chuyên gia, nhà đầu tư kỳ vọng đây là cú hích về bất động sản, góp phần làm tăng nhiệt thị trường bất động sản ở Quảng Trị vốn chưa được sôi động.

Đình Huân

Theo Reatimes