Quy hoạch cảng hàng không Quảng Trị chưa đủ cơ sở phê duyệt

Trang tin Bộ GTVT vừa đăng tải chỉ đạo của cơ quan này liên quan đến quy hoạch cảng hàng không Quảng Trị.

Cụ thể, trong văn bản gửi Cục Hàng không Việt Nam, Bộ GTVT khẳng định, đề xuất phạm vi và diện tích đất dự phòng cho phát triển cảng hàng không (CHK) Quảng Trị sau năm 2030 của Cục Hàng không Việt Nam là chưa đủ cơ sở xem xét, phê duyệt.
 

Quy hoạch cảng hàng không Quảng Trị chưa đủ cơ sở phê duyệt - Ảnh 1
Bộ GTVT cho rằng quy hoạch cảng hàng không Quảng Trị chưa đủ cơ sở phê duyệt. Ảnh min họa

Cụ thể trong văn bản, Bộ GTVT cho biết, đã nhận được Tờ trình số 2946 của Cục Hàng không Việt Nam về việc phê duyệt quy hoạch Cảng hàng không Quảng Trị giai đoạn đến năm 2030 và văn bản tiếp thu, giải trình, hoàn thiện hồ sơ điều chỉnh quy hoạch.

Theo đó, diện tích quy hoạch tổng thể cảng hàng không Quảng Trị là hơn 594ha, trong đó bao gồm diện tích quy hoạch công trình hàng không là hơn 316ha, diện tích đất dự phòng cho phát triển sau năm 2030 là hơn 278ha.

Bộ GTVT cho rằng, nghiên cứu hồ sơ quy hoạch Cảng hàng không Quảng Trị giai đoạn đến năm 2030 cho thấy việc Cục Hàng không Việt Nam đề xuất phạm vi và diện tích đất dự phòng cho phát triển cảng hàng không sau năm 2030 là chưa đủ cơ sở xem xét, phê duyệt.

Trên cơ sở đó, Bộ GTVT đề nghị Cục Hàng không Việt Nam rà soát, nghiên cứu và xem xét lại nội dung đề xuất diện tích đất dự phòng cho phát triển cảng hàng không cho phù hợp.

Trước đó, trong bản quy hoạch Cảng hàng không Quảng Trị giai đoạn định hướng đến năm 2030 gửi lên để Bộ GTVT phê duyệt, Cục Hàng không Việt Nam đề xuất quy hoạch tại xã Gio Quang và Gio Mai, huyện Gio Linh, cách TP Đông Hà khoảng 7km một cảng hàng không nội địa cấp 4C, dùng chung dân dụng và quân sự.

Đường cất, hạ cánh tại đây sẽ có kích thước 2.400m, rộng 45m, kết cấu đường đảm bảo khai thác tàu bay A320, A321 và tương đương. Cùng đó, sẽ xây dựng đồng bộ hệ thống đường lăn song song, đường lăn nối và sân đỗ máy bay đảm bảo cho 5 vị trí đỗ tàu bay.

Nhà ga hành khách được quy hoạch tại khu vực phía Nam sân đỗ tàu bay dân dụng, có 2 cao trình, công suất 1 triệu khách/năm, có đất dự trữ mở rộng quy hoạch xây thêm khi có nhu cầu... Theo tính toán, để xây dựng mới Cảng hàng không Quảng Trị đáp ứng quy mô quy hoạch nói trên cần khoảng 8.014 tỷ đồng; nguồn vốn dự kiến huy động từ ngân sách Nhà nước, vốn doanh nghiệp, PPP.

Trước đề xuất trên, nhiều chuyên gia lên tiếng phản đối. Trao đổi với báo Đất Việt, PGS.TS Nguyễn Thiện Tống, nguyên Chủ nhiệm bộ môn Kỹ thuật hàng không, Đại học Bách Khoa TP. HCM đã đặt thẳng câu hỏi: "Những người đề xuất làm dự án này có lợi ích gì không? Và khi đề xuất dự án này đã tính toán tới những thiệt hại đất nước và nền kinh tế phải gánh hay chưa?".

Đặt ra câu hỏi trên, vị chuyên gia cho biết dựa trên đánh giá từ nhiều yếu tố. Thứ nhất là nhu cầu đi lại rất thấp, thậm chí là không có.

Thứ hai, khoảng cách giữa các sân bay quá gần.

Thứ ba, hiệu quả kinh tế thấp, khả năng thu hồi vốn không cao trong khi chi phí cho công tác quản lý, bảo trì, vận hành lại quá lớn.

"Một sự lãng phí khủng khiếp như vậy Cục Hàng không cũng như các nhà quy hoạch sân bay có nhìn thấy không hay nhìn thấy nhưng cố tình coi như không thấy thì cũng cần phải được trả lời rõ?", vị PGS đặt câu hỏi.

Trong khi đó, đề cập tới hình thức đầu tư PPP, TS Lê Văn Bảy nếu khuyến khích xã hội hóa thì tốt nhất là tư nhân nên bỏ tiền hoàn toàn để sân bay, lời ăn lỗ chịu, giống như cách xây dựng sân bay Vân Đồn (Quảng Ninh).

Trong trường hợp xây dựng sân bay Quảng Trị theo hình thức PPP, vị chuyên gia đặt câu hỏi: Ngân sách Nhà nước bao nhiêu? Vốn doanh nghiệp bao nhiêu?

Đặt ra câu hỏi này, theo TS Lê Văn Bảy, là vì ông lo ngại có thể xảy ra tình trạng "cò gỗ mổ cò thật".

An An

Theo Báo Đất Việt