4 nguyên nhân khiến các nhà đầu tư cá mập ngoại ít để ý đến đặc khu của Việt Nam
Theo TS. Cấn Văn Lực, đặc khu kinh tế tương lai của Việt Nam chưa thực sự thu hút các nhà đầu tư nước ngoài lớn là do những hạn chế về thể chế, cơ sở hạ tầng và nguồn nhân lực chất lượng cao.
Cơn sốt đất đặc khu đang hạ nhiệt, nhà đầu tư mắc kẹt
Việt Nam đang gấp rút hoàn thiện, thông qua Luật Đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt (đặc khu kinh tế) với kế hoạch phát triển ba địa phương Vân Đồn (Quảng Ninh), Bắc Vân Phong (Khánh Hòa), Phú Quốc (Kiên Giang) thành đặc khu kinh tế với kỳ vọng sẽ hút các nhà đầu tư lớn trên thế giới tham gia đầu tư.
Tuy nhiên, trao đổi với TheLEADER, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, dù có triển vọng nhưng các đặc khu kinh tế tương lai của Việt Nam hiện vẫn gặp nhiều thách thức đặc biệt về cơ chế chính sách, tạo sự hấp dẫn để thu hút các nhà đầu tư chiến lược vào các đặc khu này.
Những nhà đầu tư lớn tại các đặc khu kinh tế đang triển khai ở Việt Nam hiện nay đa phần vẫn là các doanh nghiệp trong nước, một số ít nhà đầu tư quốc tế đến từ Macau, Hồng Kông, rất ít bóng dáng của các nhà đầu tư lớn, uy tín trên thế giới.
Về thực trạng này, TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng BIDV cho rằng, trong khi các đặc khu kinh tế trên thế giới thu hút được nhiều doanh nghiệp lớn đầu tư thì các đặc khu hiện nay của Việt Nam vẫn rất hạn chế các nhà đầu tư nước ngoài.
Theo ông Lực, cần nhìn nhận lại những chính sách, ưu đãi trong dự thảo luật để thay đổi điều này trong tương lai. Nếu không việc xậy dựng đặc khu kinh tế sẽ không thể mang lại những hiệu quả như kỳ vọng.
Ông Lực lấy dẫn chứng về các khu kinh tế mở trước đó của Việt Nam như Chu Lai, Dung Quất dành rất nhiều ưu đãi cho các nhà đầu tư, song thực tế đều không thành công.
Đến thời điểm hiện tại, khi kinh tế xã hội phát triển ở một tầng cao hơn, việc Chính phủ nghiên cứu và ban hành luật về đặc khu kinh tế với những bước đột phá mạnh mẽ hơn các khu kinh tế mở trước đó là điều được dư luận hết sức ủng hộ. Tuy nhiên, làm thế nào để thu hút được những nhà đầu tư lớn nước ngoài vào đặc khu vẫn là một câu hỏi.
Theo kinh nghiệm quốc tế, ông Lực chỉ ra bốn điều kiện thường được các nhà đầu tư nước ngoài cân nhắc khi quyết định đầu tư vào một quốc gia hay khu vực nào đó.
Thứ nhất là vị trí chiến lược của đặc khu, ngoài yếu tố về điều kiện thiên nhiên địa lý, cảnh quan còn là khả năng kết nối của đặc khu đó đối với kinh tế thế giới.
Thứ hai là cơ sở hạ tầng của khu vực đó như sân bay, cầu cảng, đường bộ đường thuỷ, giao thông.
Thứ ba là thể chế, luật, những hướng dẫn đầu tư có cụ thể không, hải quan, xuất nhập cảnh có thông thoáng không?
Thứ tư là nguồn nhân lực chất lượng cao ở khu vực đặc khu đó có dễ dàng tuyển dụng, lựa chọn để phục vụ cho việc phát triển đầu tư sau này.
TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế.
"Đó là bốn vấn đề mà các nhà đầu tư nước ngoài quan tâm, như vậy rõ ràng các nhà đầu tư nước ngoài không quan tâm đến quá nhiều ưu đãi. Trong khi đó, đặc khu kinh tế của Việt Nam lại đang chú trọng tương đối nhiều đến vấn đề này, song việc các ưu đãi có trúng tâm lý của các nhà đầu tư hay không, có hiệu quả hay không vẫn còn chưa được nghiên cứu kỹ lưỡng", ông Lực nhận định.
Từ bốn vấn đề trên, chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng BIDV chỉ ra lý do khiến các nhà đầu tư chiến lược nước ngoài ít "để ý" đến các đặc khu của Việt Nam trước hết là do hiện Chính phủ vẫn chưa ban hành luật đặc khu kinh tế, hiện bộ luật này vẫn đang trong quá trình nghiên cứu sửa đổi dự thảo.
Điều này khiến các nhà đầu tư chưa biết đường hướng phát triển, cơ chế chính sách sẽ như thế nào trong thời gian tới để yên tâm rót vốn đầu tư.
Hiện nay, đã có nhiều nhà đầu tư đã tiếp cận tới ba địa phương chuẩn bị trở thành các đặc khu kinh tế để tìm hiểu đầu tư. Tuy nhiên, khi hỏi đến cơ chế đầu tư, có những vấn đề các địa phương chưa thể trả lời được do chưa có luật cụ thể khiến các nhà đầu tư còn băn khoăn, ông Lực cho hay.
Bên cạnh đó, các đặc khu kinh tế của Việt Nam có thể có tiềm năng phát triển tốt, song những yêu cầu thiết yếu về hạ tầng, dịch vụ vẫn còn khá hoang sơ, thiếu đồng bộ, nguồn nhân lực chất lượng cao tại các đặc khu còn hạn chế. Do đó, khi các nhà đầu tư vào sẽ phải bỏ chi phí đầu tư ban đầu rất lớn, rủi ro hoạt động cao.
Tiếp nữa là câu chuyện quản trị hành chính tại các đặc khu như thế nào, có hiệu quả hay không, có đột phá gì hay không cũng là những câu hỏi lớn của các nhà đầu tư nước ngoài.
Về vấn đề này, dự thảo Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt sửa đổi mới nhất gần đây đã bỏ cơ chế trưởng đặc khu, thay vào đó là tổ chức chính quyền địa phương bao gồm HĐND và UBND đặc khu. Theo ông Lực, cách thức quản lý hành chính như vậy rõ ràng chưa thực sự hiện đại và hấp dẫn các nhà đầu tư.
Tuy nhiên, vị chuyên gia này cũng nhấn mạnh, nếu như áp dụng bộ máy chính quyền như dự thảo hiện hành với điều kiện phải phân công trách nhiệm rõ ràng, phối kết hợp cụ thể giữa các ban điều hành trong đặc khu thì cũng sẽ phần nào khiến các nhà đầu tư an tâm.
Nên sớm thành lập Ủy ban quốc gia về quản lý đặc khu
Theo ông Lực, để các đặc khu kinh tế đạt được những thành công như kỳ vọng, Chính phủ cần xây dựng chiến lược phát triển của ba đặc khu gắn với chiến lược phát triển chung của đất nước và các khu vực lân cận.
Cần có một cơ quan chuyên trách, đủ thẩm quyền để quản lý ba đặc khu kinh. Điều này Việt Nam vẫn đang còn thiếu, đề án xây dựng ba đặc khu vẫn còn khá rời rạc, phân mảnh.
Trong khi đó, kinh nghiệm quốc tế cho thấy, nếu rời rạc, phân mảnh, đặc khu kinh tế sẽ khó có thể thành công một cách tổng thể, khó kỳ vọng có thể đóng góp vào nhiều cho phát triển kinh tế chung của xã hội.
Do đó, Việt Nam nên sớm thành lập một uỷ ban quốc gia về quản lý đặc khu để thống nhất xử lý, giải quyết những gì còn vướng mắc trong cơ chế chính sách đặc khu, không nên giao cho bộ ngành hoặc địa phương quản lý. Bởi nhiều khả năng, các cơ quan quản lý này không đủ sức bao quảt, quản lý nhiều vấn đề phức tạp phát sinh khi các đặc khu kinh tế đi vào hoạt động, ông Lực nhấn mạnh.
Theo Thu Phương/ TheLeader