5 DN có vốn TCT Hàng Hải bị nghi ngờ khả năng hoạt động liên tục
5 cty con, cty liên kết của Tổng Công ty Hàng Hải Việt Nam – CTCP (VIMC, mã CK: MVN) bị nghi ngờ về khả năng hoạt động liên tục.
Theo báo cáo tài chính bán niên 2024 của TCT Hàng Hải - VIMC, một số Công ty con và Công ty liên kết bị nghi ngờ đáng kể về khả năng hoạt động liên tục. Bao gồm: Công ty TNHH MTV Vận tải Biển Đông, Công ty cổ phần Đầu tư Cảng Cái Lân, Công ty TNHH MTV Dịch vụ Hàng Hải Hậu Giang, Công ty cổ phần Vinalines Nha Trang, Công ty TNHH Cảng Quốc tế Cái Mép.
Các công ty này đều có các sự kiện cho thấy sự tồn tại của yếu tố không chắc chắn trọng yếu dẫn đến nghi ngờ đáng kể về khả năng hoạt động liên tục. Cụ thể, các công ty này lỗ luỹ kế lớn, nợ ngắn hạn lớn hơn tài sản ngắn hạn,…
Được biết, tại 30/6/2024, TCT Hàng Hải - VIMC phải thu từ Công ty TNHH Cảng Quốc tế Cái Mép là 52,6 tỷ, cùng với đó, nợ xấu VIMC ghi nhận là 37,2 tỷ đồng.
Tại Công ty cổ phần Đầu tư Cảng Cái Lân, theo báo cáo tài chính bán niên năm 2024, tại 30/6/2024, Nợ ngắn hạn đang vượt Tài sản ngắn hạn 4,2 tỷ đồng, đồng thời lỗ luỹ kế âm 403 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu âm 24,2 tỷ đồng.
Đáng chú ý, khoản đầu tư vào Công ty TNHH Cảng Công – ten – nơ Quốc tế theo Hợp đồng liên doanh năm 2007 của Công ty Đầu tư Cảng Cái Lân phải trích lập dự phòng 100% giá trị đầu tư, khoảng 473 tỷ đồng.
Tại 30/6/2024, Công ty Cảng Cái Lân có vốn điều lệ là 365 tỷ đồng, trong đó: Tổng công ty Hàng hải Việt Nam góp 56,68%, Công ty cổ phần Cảng Quảng Ninh góp 8,14%, Công ty cổ phần XNK Tổng hợp Hà Nội góp 4,93%, cổ đông khác góp 30,35%. Hiện nay, tổng giám đốc công ty là ông Đoàn Ngọc Tú.
Đáng chú ý, tháng 7/2024 vừa qua, Tổng công ty Hàng hải Việt Nam đã tổ chức Đại hội đồng cổ đông bất thường về việc bổ sung đầu tư năm 2024 với số tiền 356 tỷ đồng (tương đương 13,961 triệu USD) để tái cấu trúc tài chính tại Cảng Container quốc tế Cái Lân. Dự kiến, sau khi tái cấu trúc tài chính, Cảng Cái Lân có lãi hàng năm, có dòng tiền trả nợ; có dòng tiền để đầu tư mới để nâng cao năng suất xếp dỡ, hàng qua cảng và khả năng tiếp nhận thêm tàu.
Thêm nữa, tại Báo cáo tài chính bán niên 2024, TCT Hàng Hải - VIMC cũng ghi nhận điểm loại trừ do Công ty TNHH MTV Vận tải Biển Đông. Đây cũng là một trong những nguyên nhân trực tiếp dẫn đến VIMC nằm trong diện cảnh bảo của Uỷ ban chứng khoán. Cụ thể, Công ty TNHH MTV Vận tải Biển Đông ghi nhận chênh lệch giá trị khoản vay và sổ sách công ty.
Giá trị khoản vay và chi phí lãi vay Công ty Biển Đông phải trả cho Công ty Tài chính TNHH MTV Công nghiệp tàu thuỷ tại 01/01/2024 hoàn toàn khác nhau giữa giá trị sổ sách và thư xác nhận độc lập. Cụ thể, sổ sách công ty thể hiện nợ 28,6 triệu USD nhưng thư xác nhận độc lập thể hiện nợ 59,2 triệu USD. Nguyên nhân là do Công ty Biển Đông thực hiện chuyển nợ gốc nợ lãi sang cho Công ty TNHH MTV Đóng tàu Bạch Đằng.
Được biết, Công ty TNHH MTV vận tải Biển Đông được thành lập từ năm 2005. Trước đó, Tổng giám đốc là ông Nguyễn Ngọc Ánh (tháng 11/2023 ông được bổ nhiệm là Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Hàng hải Việt Nam). Hiện nay, Tổng giám đốc Công ty vận tải Biển Đông là ông Lê Việt Trung (Sinh năm 1964), lĩnh vực kinh doanh chính là vận tải biển.
Về phía Tổng công ty Hàng hải Việt Nam, Tổng công ty được thành lập từ năm 1995, đến năm 2006, Tổng công ty hoạt động theo mô hình công ty mẹ - công ty con. Năm 2010, Tổng công ty Hàng Hải Việt Nam chuyển thành Công ty TNHH MTV do nhà nước là chủ sở hữu. Đến ngày 18/8/2020, Tổng công ty đã chính thức chuyển sang mô hình cổ phần hoá.
6 tháng đầu năm 2024, VIMC ghi nhận doanh thu đạt 8.269 tỷ đồng, tăng 33,6% so với cùng kỳ năm 2023. Cùng với đó, lợi nhuận sau thuế TNDN đạt 1.615 tỷ đồng, tăng 79% so với bán niên năm 2023.