Tin bất động sản hôm nay: Cục Hàng hải cho ý kiến về đề xuất xây cảng biển 35.000 tỷ ở Nam Định
Cục Hàng hải cho ý kiến về đề xuất xây cảng biển 35.000 tỷ ở Nam Định; Đất nền Long An hạ nhiệt, biệt thự thanh khoản tốt; May – Diêm Sài Gòn tiếp tục mở rộng quỹ đất với dự án 300 tỉ ở Thanh Hoá; ‘Ôm đất’ ven biển Quảng Ngãi để chờ quy hoạch; nghiên cứu để hoàn thiện các chính sách thuế về bất động sản;…là những thông tin đáng chú ý hôm nay ngày 20/7.
Cục Hàng hải cho ý kiến về đề xuất xây cảng biển 35.000 tỷ ở Nam Định
Theo Cục Hàng hải Việt Nam, trong Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050, cảng biển Nam Định là cảng biển loại III được quy hoạch khu bến Hải Thịnh – Cửa Đáy có phạm vi là vùng đất và vùng nước khu vực Ninh Cơ, từ Cửa Lạch Giang đến Cửa Đáy.
Đề xuất của UBND tỉnh Nam Định về vị trí khu bến cảng chuyên dùng Xuân Thiện có địa điểm xây dựng thuộc phạm vi quy hoạch đã được phê duyệt.
Ngoài ra, Quyết định số 1579 ngày 22/9/2021 của Thủ tướng Chính phủ nêu rõ, khu bến Hải Thịnh – Cửa Đáy có chức năng “phục vụ phát triển kinh tế – xã hội tỉnh Nam Định, có các bến cảng và công trình phục vụ các cơ sở đóng mới, sửa chữa, phá dỡ tàu. Nghiên cứu xây dựng bến cảng phục vụ khu kinh tế Ninh Cơ, các cơ sở công nghiệp, dịch vụ khi có yêu cầu.
Do vậy, đề xuất của UBND tỉnh Nam Định về chức năng bến cảng chuyên dùng Xuân Thiện Nam Định để phục vụ các Dự án nhà máy thép, nhà máy xi măng của Tập đoàn cơ bản phù hợp với chức năng được quy hoạch cho khu bến Hải Thịnh – Cửa Đáy.
Tuy nhiên, CTCP Xuân Thiện Nam Định có trách nhiệm báo cáo cơ quan đăng ký đầu tư tại địa phương để được hướng dẫn các thủ tục liên quan đến chủ trương đầu tư, lựa chọn nhà đầu tư bến cảng kinh doanh dịch vụ xếp dỡ hàng hóa theo quy định.
Đất nền Long An hạ nhiệt, biệt thự thanh khoản tốt
Dữ liệu lớn (Big Data) từ Batdongsan.com.vn cho thấy, trong tháng 6/2022, Long An là thị trường duy nhất khu vực phía Nam ghi nhận nhu cầu tìm mua biệt thự/nhà liền kề gia tăng trong bối cảnh loại hình này đang suy giảm cả sức mua và nguồn cung rao bán.
Cụ thể, trong tháng 6, Long An ghi nhận lượng tin rao bán biệt thự/liền kề tăng 20%, đất nền dự án tăng 10% so với tháng trước đó. Lượng tin rao bán tập trung nhiều nhất tại các dự án triển khai trên địa bàn các huyện Bến Lức, Cần Đước và Tân An với mức tăng trung bình từ 10-13%.
Xét về tăng trưởng nhu cầu mua, dưới ảnh hưởng chung từ sự hạ nhiệt của cơn sốt đất nền cùng chính sách siết chặt tín dụng nhằm hạn chế đầu cơ, lướt sóng nhà đất, nhu cầu mua đất và đất nền tại Long An có xu hướng giảm theo tình hình chung của cả thị trường với lượt tìm kiếm giảm 14-20% so với tháng 5. Loại hình nhà riêng và nhà mặt phố cũng có nhu cầu mua giảm 14%, chỉ có biệt thự/nhà liền kề duy trì lượt tìm mua ổn định, thậm chí có chiều hướng tăng nhẹ khoảng 1-1,5% so với tháng trước đó.
Trong báo cáo về thị trường biệt thự liền kề mới đây, ông Võ Hồng Thắng, Phó giám đốc R&D DKRA Vietnam cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2022, thị trường phía Nam có khoảng 3.142 căn biệt thự, nhà liền kề đến từ 29 dự án mở bán, giảm hơn 45% so với cùng kỳ 2021. Tuy nhiên tỷ lệ tiêu thụ loại hình này vẫn đạt 88% so với cùng kỳ và cả nguồn cung lẫn sức hấp thụ đều có xu hướng dịch chuyển về khu vực vệ tinh như Đồng Nai, Long An, Bình Dương. Trong đó Bình Dương và Long An chiếm đến 74% tổng nguồn cung, 70% tỷ lệ tiêu thụ biệt thự, nhà liền kề của thị trường tập trung ở các dự án triển khai tại tỉnh Long An.
May – Diêm Sài Gòn làm dự án 300 tỉ ở Thanh Hoá
UBND tỉnh Thanh Hoá vừa có quyết định chấp thuận Công ty cổ phần May – Diêm Sài Gòn là nhà đầu tư thực hiện dự án Khu dân cư phía Đông Nam thị trấn Phong Sơn, huyện Cẩm Thuỷ.
Dự án có diện tích sử dụng đất khoảng 7,5ha, với ranh giới phía Bắc giáp Trường THCS Cẩm Sơn, khu cây xanh, đường giao thông; phía Nam giáp khu dân cư hiện hữu; phía Đông giáp khu dân cư hiện hữu và khu dịch vụ thương mại (theo quy hoạch); phía Tây giáp Trường THCS Cẩm Sơn, khu dân cư hiện hữu và đường Hồ Chí Minh.
Tổng vốn đầu tư của dự án khoảng 311 tỉ đồng, trong đó vốn góp của nhà đầu tư là 63 tỉ, vốn huy động 248 tỉ.
Dự án được chia thành 3 giai đoạn triển khai. Trong đó, hoàn thiện các thủ tục pháp lý của dự án (thiết kế cơ sở, thiết kế bản vẽ thi công), hoàn thành công tác bồi thường GPMB và giao đất cho nhà đầu tư thực hiện dự án, từ quý 2.2022 đến hết quý 2.2023; Tổ chức thi công hoàn thành công trình hạ tầng kỹ thuật – hạ tầng xã hội, công trình nhà ở và các công trình khác thuộc dự án, từ quý 2.2023 đến hết quý 2.2025.
Khai thác, kinh doanh dự án, bàn giao công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội cho nhà nước,… và quyết toán dự án theo quy định, từ quý 2.2025 đến hết quý 2.2026.
Thời hạn hoạt động của dự án là 50 năm.
‘Ôm đất’ ven biển Quảng Ngãi để chờ quy hoạch
Ngày 19/7/2022, UBND tỉnh Quảng Ngãi phát đi Thông báo số 296/TB-UBND về kết luận của ông Trần Phước Hiền – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi về công tác quản lý, sử dụng đất ven biển trên địa bàn tỉnh.
Theo đó, phát biểu tại cuộc họp, ông Trần Phước Hiền – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi cho biết, nguồn lực đất đai là một trong những yếu tố then chốt quyết định, tạo đà cho sự phát triển kinh tế – xã hội tại địa phương. Tuy nhiên, thực tế trong thời gian qua, công tác quản lý, sử dụng đất đai tại các huyện ven biển vẫn chưa chặt chẽ.
Một số nơi đã xảy ra tình trạng chuyển nhượng đất sản xuất nông nghiệp, đất rừng sản xuất, đặc biệt là đất chuyên trồng lúa nước, chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp sang đất phi nông nghiệp mang tính đầu cơ, trục lợi.
Cùng với đó là hành vi “ôm đất” chờ quy hoạch nhằm mục đích kiếm lời, hưởng lợi trong chính sách bồi thường, hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi đất, làm cho tình hình quản lý đất đai diễn biến phức tạp, gây khó khăn cho công tác thu hồi đất thực hiện các dự án.
Bên cạnh đó, tình trạng sử dụng đất vượt ranh giới, không đúng mục đích, lãng phí đất đai vẫn thường xuyên xảy ra; một số dự án có tiến độ giải phóng mặt bằng và triển khai đầu tư còn chậm.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi nhấn mạnh, trong thời gian đến, cần phải khắc phục những bất cập, xác định rõ vai trò, trách nhiệm quản lý đất đai của các cấp chính quyền quản lý Nhà nước về đất đai gắn với nhiều giải pháp đồng bộ, phù hợp từ cấp xã phường cho đến cấp huyện, thị và cấp tỉnh.
Ông Hiền cho rằng, đây được coi là một trong những yếu tố rất quan trọng để tạo nguồn lực từ đất đai và phát triển địa phương, đồng thời tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý đất đai, đặc biệt là khu vực ven biển, khu vực các dự án trọng điểm trên địa bàn tỉnh.
Đang nghiên cứu để hoàn thiện các chính sách thuế về bất động sản
Bộ Tài chính cho biết, hiện nay, hệ thống chính sách thuế, phí, lệ phí đối với bất động sản đã cơ bản bao quát đầy đủ các khoản thu liên quan đến bất động sản phát sinh trong cả 3 giai đoạn: xác lập quyền sở hữu, quyền sử dụng bất động sản; sử dụng, khai thác bất động sản; và chuyển nhượng bất động sản.
Nhằm hoàn thiện chính sách thuế đối với bất động sản, Chính phủ, Quốc hội đã giao Bộ Tài chính chủ trì, thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu, rà soát các Luật thuế để kiến nghị sửa đổi, bổ sung hoặc nghiên cứu, đề xuất xây dựng mới.
Hiện Bộ Tài chính đang đề nghị các Bộ, ngành, địa phương và các tổ chức có liên quan tổng kết, đánh giá tình hình thực hiện các Luật thuế, trong đó có các chính sách thuế liên quan đến bất động sản.
“Trên cơ sở tổng hợp vướng mắc, bất cập của các Bộ, ngành, địa phương trong quá trình triển khai thi hành các luật thuế liên quan đến bất động sản và tổng hợp nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế, Bộ Tài chính sẽ đề xuất các giải pháp hoàn thiện chính sách thuế liên quan đến bất động sản, báo cáo cấp có thẩm quyền theo đúng tiến độ, đảm bảo phù hợp với điều kiện kinh tế – xã hội của Việt Nam, phù hợp với thông lệ quốc tế, đảm bảo tính thống nhất của hệ thống chính sách thuế liên quan đến tài sản và đặt trong tổng thể cải cách hệ thống chính sách thuế giai đoạn 2021-2030” – Bộ Tài chính nêu rõ.
Yêu cầu công khai thông tin thị trường bất động sản trên hệ thống thông tin
Ngày 29/6 vừa qua, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành đã ký ban hành Nghị định 44/2022/NĐ-CP quy định về việc xây dựng, quản lý và sử dụng hệ thống thông tin về nhà ở và thị trường BĐS, có hiệu lực từ ngày 15/8 tới đây.
Theo đại diện Bộ Xây dựng, để triển khai thực hiện Nghị định 44, Bộ Xây dựng đề nghị các Bộ, cơ quan ngang Bộ, UBND tỉnh, TP trực thuộc T.Ư khẩn trương, tập trung chỉ đạo tổ chức tập huấn, phổ biến, tuyên truyền Nghị định số 44 cho các Sở, ban, ngành (Xây dựng, TN&MT, KH&ĐT, Cục thuế, UBND cấp huyện, chủ đầu tư dự án, sàn giao dịch BĐS…).
Các địa phương trực tiếp hoặc giao tổ chức đủ điều kiện năng lực đảm nhận thực hiện quản lý, vận hành máy chủ, thiết bị tin học, mạng máy tính, bảo đảm sự vận hành của hệ thống. Khi hệ thống phần mềm được hoàn thiện có trách nhiệm cấp, giao quyền truy cập cho cơ quan, tổ chức, cá nhân để kê khai, chia sẻ, cung cấp thông tin, dữ liệu và khai thác, sử dụng thông tin, dữ liệu về nhà ở, thị trường BĐS.
Chỉ đạo Cơ quan quản lý hệ thống thông tin về nhà ở và thị trường BĐS (Sở Xây dựng hoặc cơ quan chuyên môn cấp tỉnh) trong việc xử lý thông tin, dữ liệu trước khi được tích hợp, lưu trữ vào cơ sở dữ liệu để đảm bảo tính hợp lý, thống nhất; Giao trách nhiệm quản lý cơ sở dữ liệu cho cơ quan, tổ chức liên quan trong việc lập kế hoạch thực hiện số hóa những dữ liệu chưa ở dạng số; có biện pháp quản lý, nghiệp vụ và kỹ thuật để bảo đảm an toàn thông tin, dữ liệu số; Chỉ đạo Cơ quan quản lý hệ thống thông tin xây dựng thực hiện giải pháp về an ninh, an toàn thông tin.
Sở Xây dựng hoặc cơ quan chuyên môn quản lý cấp tỉnh cần chủ trì, phối hợp với đơn vị liên quan xây dựng quy chế phối hợp xây dựng, duy trì hệ thống thông tin, chia sẻ, cung cấp thông tin, dữ liệu; Tổ chức vận hành, đồng thời tiếp nhận, thu thập thông tin ở địa phương do cơ quan, tổ chức, cá nhân chia sẻ, cung cấp; chia sẻ, cung cấp thông tin cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có nhu cầu khai thác, sử dụng theo quy định của pháp luật; công bố thông tin về nhà ở và thị trường BĐS của địa phương, gửi báo cáo về Bộ Xây dựng theo quy định.
Cùng với đó, các đơn vị này còn đảm nhận việc xây dựng, báo cáo UBND cấp tỉnh kế hoạch điều tra, thu thập, cập nhật thông tin về nhà ở và thị trường BĐS của địa phương trong kế hoạch, nhiệm vụ của mình và tổ chức thực hiện sau khi được chấp thuận; theo dõi, đôn đốc, kiểm tra các chủ đầu tư, sàn giao dịch BĐS, về việc thực hiện chế độ cung cấp thông tin, dữ liệu được quy định tại Nghị định này. Việc chia sẻ cơ sở dữ liệu chuyên ngành, đặc biệt là cơ sở dữ liệu về đất đai, quy hoạch sẽ do các ngành liên quan kết nối, cùng phối hợp thực hiện.
Các địa phương có nhiệm vụ bố trí kinh phí hàng năm từ ngân sách để thực hiện một số nội dung như: điều tra, thu thập thông tin phục vụ xây dựng cơ sở dữ liệu; quản lý, vận hành hệ thống thông tin tại địa phương. Sở Xây dựng bố trí bộ máy, cán bộ để xây dựng và quản lý hệ thống thông tin theo quy định tại Nghị định này.
Đối với các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Bộ Xây dựng đề nghị phối hợp trong việc kết nối, chia sẻ thông tin từ cơ sở dữ liệu liên quan do Bộ, ngành quản lý, đảm bảo cho việc duy trì, kết nối, chia sẻ thông tin với cơ sở dữ liệu về nhà ở và thị trường BĐS.