6 tháng đầu năm, lợi nhuận tại VIB khả quan nhưng nợ xấu tiếp tục leo thang
Tổng nợ xấu tại VIB tính đến ngày 30/6/2020 ở mức hơn 3.267 tỷ đồng trong khi đầu năm chỉ ở mức hơn 2.536 tỷ đồng. Như vậy, nợ xấu tại VIB tăng thêm 730,7 tỷ đồng chỉ trong vòng 6 tháng đầu năm 2020.
Ngân hàng TMCP Quốc Tế Việt Nam (VIB) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý 2/2020.
Trong quý 2, thu nhập lãi thuần của VIB đạt 1.902 tỷ đồng, tăng 24% so với cùng kỳ năm trước, trong khi nguồn thu từ hoạt động dịch vụ tăng mạnh 47%, đạt 611 tỷ đồng.
Hoạt động mua bán chứng khoán đầu tư báo lãi gần 31 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước lỗ 28 tỷ đồng. Lợi nhuận trước và sau thuế của VIB tăng 29% so với cùng kỳ, đạt lần lượt 1.281 tỷ đồng và 1.025 tỷ đồng.
Lũy kế 6 tháng đầu năm, thu nhập lãi thuần tăng 27% so với cùng kỳ năm trước, lên mức 3.701 tỷ đồng. Hoạt động dịch vụ cũng tăng đến 34% so với cùng kỳ với số lãi gần 1.022 tỷ đồng. Trong đó, chủ yếu là hoa hồng bảo hiểm (+23%) và dịch vụ thanh toán (+71%).
Đáng chú ý, hoạt động mua bán chứng khoán đầu tư báo lãi gần 82 tỷ đồng trong khi cùng kỳ lỗ gần 27 tỷ đồng. Hoạt động kinh doanh ngoại hối cũng báo lỗ gần 28 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lỗ đến 86 tỷ đồng.
Chi phí dự phòng rủi ro tín dụng cũng tăng 32% so với cùng kỳ, ghi nhận hơn 421 tỷ đồng. Do đó, lợi nhuận trước và sau thuế 6 tháng đầu năm tăng 29% so với cùng kỳ năm trước, đạt hơn 2.356 tỷ đồng và 1.885 tỷ đồng.
Theo kế hoạch đề ra, năm 2020 VIB đặt mục tiêu lãi trước thuế đạt 4.500 tỷ đồng. Như vậy kết thúc quý 2, VIB đã thực hiện được trên 52% kế hoạch năm.
Nguồn: BCTC hợp nhất quý 2/2020 tại VIB.
Nhìn chung hoạt động kinh doanh trong quý 2/2020 của VIB đều cho kết quả khả quan so với nhiều ngân hàng khác. Tuy nhiên, chất lượng tín dụng tại nhà băng này cũng đáng lo ngại. Về nợ xấu, cả 3 nhóm nợ của VIB đều tăng mạnh so với thời điểm đầu năm 2020.
Cụ thể, tính đến ngày 30/6/2020, nợ nhóm 3 (nợ dưới tiêu chuẩn) tăng vọt 80% so với đầu năm, lên mức gần 731 tỷ đồng; nợ nhóm 4 (nợ nghi ngờ) tăng 50%, lên so với đầu năm, lên mức hơn 557 tỷ đồng; nợ nhóm 5 (nợ có khả năng mất vốn) tăng 13% so với đầu năm, lên mức hơn 1.979 tỷ đồng.
Tổng nợ xấu tại VIB tính đến ngày 30/6/2020 ở mức hơn 3.267 tỷ đồng trong khi đầu năm chỉ ở mức hơn 2.536 tỷ đồng. Như vậy, nợ xấu tại VIB tăng thêm 730,7 tỷ đồng trong vòng 6 tháng đầu năm 2020.
Nguồn: BCTC hợp nhất quý 2/2020 tại VIB.
Về khoản nợ theo kỳ hạn còn lại tăng đáng kể so với đầu năm. Nợ ngắn hạn tăng 10%, lên mức 42.695 tỷ đồng; nợ dài hạn tăng 7%, lên mức 40.346 tỷ đồng; nợ quá hạn tăng 8%, lên mức 1.481 tỷ đồng.
Về khoản nợ theo kỳ hạn gốc cũng tăng so với đầu năm. Nợ ngắn hạn tăng 17%, ở mức gần 25.192 tỷ đồng; nợ dài hạn tăng 8%, ở mức 87.853 tỷ đồng.
Nguồn: BCTC hợp nhất quý 2/2020 tại VIB.
Cùng với đó, VIB cũng ghi nhận chi phí dự phòng rủi ro tín dụng tăng mạnh hàng chục tỷ đồng so với cùng kỳ 2019.
Ngoài chất lượng tín dụng, việc lưu chuyển tiền tệ của nhà băng này cũng gặp khó khăn. Cụ thể, lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động kinh doanh trước những thay đổi về tài sản và vốn lưu động tăng 32% so vơi cùng kỳ.
Tuy nhiên, trong đó, các khoản tiền gửi và cho vay các tổ chức tín dụng âm hơn 441,5 tỷ đồng; các khoản về kinh doanh chứng khoán âm hơn 3.777 tỷ đồng; các khoản cho vay khách hàng âm hơn 8.682 tỷ đồng; các nguồn dự phòng để bù đắp tổn thất và tài sản hoạt động cũng đang âm lần lượt 78 tỷ đồng và gần 1.635 tỷ đồng.
Nguồn: BCTC hợp nhất quý 2/2020 tại VIB.
Nhìn vào các con số liên quan đến lưu chuyển tiền, có thể thấy chất lượng dòng tiền của nhà băng này không “sáng”. Ngoài ra, tính đến 30/6/2020, VIB ghi nhận nợ phải trả tăng 9,4% so với đầu năm, lên mức 187.154 tỷ đồng. Trong khi đó, vốn chủ sở hữu chỉ ở mức hơn 15.215 tỷ đồng.
Nguồn: BCTC hợp nhất quý 2/2020 tại VIB.
Hiện nay, VIB đang có khoảng 92 bất động sản cần thanh lý với giá từ vài trăm triệu đồng đến hàng chục tỷ đồng; khoảng 58 phương tiện vận tải cần thanh lý.
Theo Hà Phương/Sở hữu trí tuệ
Link nguồn: https://sohuutritue.net.vn/6-thang-dau-nam-loi-nhuan-tai-vib-kha-quan-nhung-no-xau-tiep-tuc-leo-thang-d79492.html